Ban quản trị đơn vị được kiểm toán

Ban quản trị đơn vị được kiểm toán

11. Kiểm toán viên phải xác định thành viên nào phù hợp trong Ban quản trị đơn vị được kiểm toán mà kiểm toán viên cần trao đổi thông tin khi thực hiện kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A1 – A4 Chuẩn mực này).

Trao đổi với một bộ phận trong Ban quản trị đơn vị được kiểm toán

12. Khi trao đổi các vấn đề với một bộ phận hoặc một cá nhân cụ thể trong Ban quản trị, kiểm toán viên phải xác định xem có cần trao đổi lại với toàn bộ Ban quản trị hay không (xem hướng dẫn tại đoạn A5 – A7 Chuẩn mực này).

Trường hợp toàn bộ Ban quản trị đều là thành viên Ban Giám đốc của đơn vị

13. Có trường hợp toàn bộ thành viên Ban quản trị đều là thành viên Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán như tại doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp tư nhân thì chủ sở hữu đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp và không tổ chức Ban quản trị. Trong trường hợp này, nếu các vấn đề cần trao đổi đồng thời với Ban quản trị và Ban Giám đốc theo quy định tại đoạn 16(c) Chuẩn mực này đã được trao đổi với Ban Giám đốc thì kiểm toán viên không cần phải trao đổi lại với chính các cá nhân đó trên cương vị là Ban quản trị nữa. Tuy nhiên, kiểm toán viên phải chắc chắn rằng các nội dung đã trao đổi với Ban Giám đốc đã được thông báo đầy đủ tới các thành viên có vai trò là Ban quản trị trong đơn vị (xem hướng dẫn tại đoạn A8 Chuẩn mực này).

Các vấn đề cần trao đổi

Trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến cuộc kiểm toán báo cáo tài chính

14. Kiểm toán viên phải trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về trách nhiệm của kiểm toán viên trong cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, gồm:

(a) Kiểm toán viên có trách nhiệm đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính do Ban Giám đốc đơn vị chịu trách nhiệm lập và trình bày dưới sự giám sát của Ban quản trị đơn vị được kiểm toán;

(b) Việc thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính không làm giảm trách nhiệm của Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A9 – A10 Chuẩn mực này).

Phạm vi và lịch trình kiểm toán theo kế hoạch

15. Kiểm toán viên phải trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán các nội dung chính về phạm vi và lịch trình thực hiện cuộc kiểm toán theo kế hoạch (xem hướng dẫn tại đoạn A11 – A15 Chuẩn mực này).

Các phát hiện quan trọng khi thực hiện kiểm toán

16. Kiểm toán viên phải trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán các vấn đề sau (xem hướng dẫn tại đoạn A16 Chuẩn mực này):

(a) Nhận xét của kiểm toán viên về khía cạnh định tính của công việc kế toán của đơn vị, bao gồm chính sách kế toán, ước tính kế toán và các thông tin công bố trong báo cáo tài chính. Nếu cần thiết, kiểm toán viên cần giải thích cho Ban quản trị đơn vị được kiểm toán biết lý do tại sao kiểm toán viên cho rằng công việc kế toán của đơn vị đã tuân thủ các quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán có liên quan nhưng chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị (xem hướng dẫn tại đoạn A17 Chuẩn mực này);

(b) Những khó khăn (nếu có) phát sinh trong quá trình kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A18 Chuẩn mực này);

(c) (i) Các vấn đề quan trọng (nếu có) phát sinh trong quá trình kiểm toán được kiểm toán viên trực tiếp trao đổi hay lập thành văn bản gửi Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A19 Chuẩn mực này);

(ii) Các vấn đề cần Ban Giám đốc và Ban quản trị giải trình bằng văn bản.

(Khi toàn bộ thành viên Ban quản trị đều là thành viên Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán, nếu các vấn đề cần trao đổi đồng thời với Ban quản trị và Ban Giám đốc nêu tại đoạn c(i), c(ii) trên đây đã được trao đổi với Ban Giám đốc thì kiểm toán viên không cần phải trao đổi lại với chính các cá nhân đó trên cương vị thành viên Ban quản trị.)

(d) Các vấn đề khác (nếu có) phát sinh trong quá trình kiểm toán mà theo xét đoán của kiểm toán viên là quan trọng đối với việc giám sát quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A20 Chuẩn mực này).

Tính độc lập của kiểm toán viên

17. Trường hợp đơn vị được kiểm toán là tổ chức niêm yết, kiểm toán viên phải trao đổi với Ban quản trị đơn vị các vấn đề sau đây:

(a) Sự tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan đến tính độc lập của nhóm kiểm toán và các cá nhân khác trong doanh nghiệp kiểm toán, của doanh nghiệp kiểm toán và các công ty mạng lưới.

(b) (i) Tất cả các mối quan hệ và các vấn đề liên quan giữa doanh nghiệp kiểm toán, công ty mạng lưới và đơn vị được kiểm toán, theo xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên, có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên. Trong đó có tổng số phí dịch vụ kiểm toán và phi kiểm toán trong kỳ kế toán do doanh nghiệp kiểm toán và công ty mạng lưới cung cấp cho đơn vị được kiểm toán và các đơn vị thành viên chịu sự kiểm soát của đơn vị. Số phí này phải được phân tích phù hợp theo từng loại dịch vụ nhằm hỗ trợ Ban quản trị đơn vị đánh giá ảnh hưởng của các dịch vụ đó đối với tính độc lập của kiểm toán viên.

(ii) Các biện pháp bảo vệ đã được áp dụng để hạn chế nguy cơ đe dọa đến tính độc lập của kiểm toán viên hoặc để giảm thiểu nguy cơ này xuống mức có thể chấp nhận được (xem hướng dẫn tại đoạn A21 – A23 Chuẩn mực này).

Quá trình trao đổi

Thiết lập quá trình trao đổi

18. Kiểm toán viên phải trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về hình thức, thời gian và nội dung dự kiến trao đổi (xem hướng dẫn tại đoạn A28 – A36 Chuẩn mực này).

Hình thức trao đổi

19. Kiểm toán viên phải trao đổi bằng văn bản với Ban quản trị đơn vị về những vấn đề quan trọng phát hiện ra trong quá trình kiểm toán mà theo xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên thì việc trao đổi bằng lời là không thích hợp. Kiểm toán viên không nhất thiết phải trao đổi bằng văn bản về mọi vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A37 – A39 Chuẩn mực này).

20. Kiểm toán viên phải trao đổi bằng văn bản với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về tính độc lập của kiểm toán viên theo quy định tại đoạn 17 Chuẩn mực này.

Thời điểm trao đổi

21. Kiểm toán viên phải kịp thời trao đổi các vấn đề nêu trên với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A40 – A41 Chuẩn mực này).

Tính thoả đáng của quá trình trao đổi

22. Kiểm toán viên phải đánh giá xem nội dung trao đổi 2 chiều giữa kiểm toán viên với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán đã thoả đáng cho mục đích của cuộc kiểm toán hay chưa. Nếu thấy nội dung trao đổi chưa đủ, kiểm toán viên phải đánh giá mức độ ảnh hưởng (nếu có) đến quá trình đánh giá của kiểm toán viên về rủi ro có sai sót trọng yếu và khả năng thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, đồng thời thực hiện thêm các biện pháp khắc phục phù hợp (xem hướng dẫn tại đoạn A42 – A44 Chuẩn mực này).

Tài liệu, hồ sơ kiểm toán

23. Khi trao đổi bằng lời về các vấn đề quan trọng theo quy định của Chuẩn mực này, kiểm toán viên phải ghi lại nội dung của các vấn đề đã trao đổi, thời gian thực hiện và những người tham gia trao đổi. Trường hợp trao đổi bằng văn bản, kiểm toán viên phải lưu trong hồ sơ kiểm toán văn bản trao đổi (xem hướng dẫn tại đoạn 08 – 11, đoạn A6 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 230 và đoạn A45 Chuẩn mực này).

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *