Báo cáo soát xét

Báo cáo soát xét

A118. Báo cáo soát xét bằng văn bản bao gồm báo cáo phát hành dưới dạng in ra giấy và bằng phương tiện điện tử (nếu có).

Các yếu tố trong báo cáo soát xét (hướng dẫn đoạn 86 Chuẩn mực này)

A119. Tiêu đề báo cáo soát xét phải chỉ rõ đó là báo cáo của kiểm toán viên độc lập, ví dụ “Báo cáo soát xét độc lập”, xác nhận và khẳng định rằng kiểm toán viên đã đáp ứng chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan về tính độc lập và do đó, phân biệt rõ giữa báo cáo soát xét độc lập với các báo cáo do các đối tượng khác phát hành.

A120. Pháp luật và các quy định có liên quan có thể yêu cầu báo cáo soát xét phải chỉ rõ người nhận báo cáo soát xét tùy theo từng hợp đồng soát xét. Người nhận báo cáo soát xét là những người mà báo cáo được lập cho họ sử dụng, thường là các cổ đông hoặc Ban quản trị của đơn vị được soát xét.

A121. Khi kiểm toán viên biết được rằng báo cáo tài chính đã được soát xét sẽ được đưa vào một tài liệu trong đó chứa đựng các thông tin khác, như báo cáo thường niên, kiểm toán viên cần phải xem xét, nếu hình thức trình bày cho phép, xác định rõ số trang mà báo cáo tài chính đã soát xét được trình bày kèm theo. Điều này sẽ giúp người sử dụng báo cáo xác định rõ báo cáo tài chính mà báo cáo soát xét tham chiếu đến.

Trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị được soát xét đối với báo cáo tài chính (hướng dẫn đoạn 86(d) Chuẩn mực này)

A122. Chuẩn mực này yêu cầu kiểm toán viên phải đạt được sự thỏa thuận với Ban Giám đốc đơn vị về việc họ hiểu và thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính và trách nhiệm quy định trong hợp đồng soát xét. Đoạn mô tả trách nhiệm của Ban Giám đốc trong báo cáo soát xét giúp cho người sử dụng báo cáo hiểu được trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị liên quan đến việc thực hiện hợp đồng soát xét.

A123. Báo cáo soát xét không nhất thiết phải đề cập một cách cụ thể đến “Ban Giám đốc” mà sẽ sử dụng thuật ngữ thích hợp tùy thuộc vào pháp luật và các quy định có liên quan. Trong một số trường hợp, thuật ngữ thích hợp được sử dụng có thể là “Ban quản trị” của đơn vị được soát xét.

A124. Trong một số trường hợp, kiểm toán viên có thể bổ sung thêm vào đoạn mô tả trách nhiệm của Ban Giám đốc để phản ánh thêm các trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo pháp luật và các quy định có liên quan hoặc do bản chất của đơn vị được soát xét.

A125. Pháp luật và các quy định có liên quan có thể quy định cụ thể về trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị đối với sự đầy đủ của chứng từ kế toán, sổ kế toán, hoặc hệ thống kế toán. Do các chứng từ kế toán, sổ kế toán và hệ thống kế toán là một phần không thể tách rời của kiểm soát nội bộ nên Chuẩn mực này không mô tả hoặc không đề cập đến các trách nhiệm này của Ban Giám đốc đơn vị.

Trách nhiệm của kiểm toán viên (hướng dẫn đoạn 86(f) Chuẩn mực này)

A126. Báo cáo soát xét nêu rõ trách nhiệm của kiểm toán viên là đưa ra kết luận về báo cáo tài chính dựa trên việc thực hiện hợp đồng soát xét nhằm phân biệt rõ trách nhiệm của kiểm toán viên với trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính.

Tham chiếu đến các chuẩn mực

A127. Việc tham chiếu đến các chuẩn mực được áp dụng sẽ giúp cho người sử dụng báo cáo soát xét ý thức được rằng công việc soát xét đã được thực hiện theo các chuẩn mực đã được ban hành.

Mô tả về nội dung của công việc soát xét báo cáo tài chính (hướng dẫn đoạn 86(g) Chuẩn mực này)

A128. Đoạn mô tả về nội dung của công việc soát xét trong báo cáo soát xét giải thích phạm vi và giới hạn của hợp đồng soát xét được thực hiện nhằm giúp cho người sử dụng báo cáo hiểu rõ nội dung của công việc soát xét. Những giải thích này tránh gây nghi ngờ và làm rõ dịch vụ soát xét không phải là dịch vụ kiểm toán và theo đó, kiểm toán viên sẽ không đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính.

Mô tả về khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng và ảnh hưởng của khuôn khổ này đến kết luận của kiểm toán viên (hướng dẫn đoạn 86 (i)(ii) Chuẩn mực này)

A129. Việc chỉ rõ khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng trong kết luận của kiểm toán viên giúp người sử dụng báo cáo hiểu rõ cơ sở đưa ra kết luận mà không nhằm hạn chế việc đánh giá theo quy định tại đoạn 30(a) Chuẩn mực này. Khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng thể hiện bằng các cụm từ:

“…theo chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán (doanh nghiệp) Việt Nam”; hoặc

“…theo các nguyên tắc kế toán được áp dụng rộng rãi tại nước (…)”.

A130. Khi khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng bao gồm các chuẩn mực kế toán và yêu cầu của pháp luật và các quy định, khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính đó được chỉ rõ bằng cụm từ “… theo chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán (doanh nghiệp) Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính”.

Đoạn mô tả cơ sở của kết luận không phải là kết luận chấp nhận toàn phần (hướng dẫn đoạn 85(h)(ii) Chuẩn mực này)

A131. Kết luận trái ngược hoặc từ chối đưa ra kết luận liên quan đến một vấn đề cụ thể nêu trong đoạn cơ sở của kết luận trái ngược hoặc cơ sở từ chối đưa ra kết luận là chưa đủ để có thể bỏ qua việc trình bày các vấn đề khác được phát hiện mà những vấn đề này có thể dẫn đến kết luận của kiểm toán viên không phải là kết luận chấp nhận toàn phần. Trong những trường hợp như vậy, việc công bố các vấn đề khác mà kiểm toán viên phát hiện được có thể hữu ích cho người sử dụng báo cáo tài chính.

Chữ ký, họ và tên của kiểm toán viên, và đóng dấu

A132. Báo cáo soát xét phải có chữ ký của kiểm toán viên hành nghề là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán hoặc người được uỷ quyền bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật được ký báo cáo soát xét phải là thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ.

Thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ, chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc chỉ đạo, thực hiện, giám sát, soát xét công việc của nhóm soát xét. Doanh nghiệp kiểm toán quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ. Dưới chữ ký phải ghi rõ họ và tên, số Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.

Trên chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán hoặc người được uỷ quyền phải đóng dấu của doanh nghiệp kiểm toán (hoặc chi nhánh) chịu trách nhiệm phát hành báo cáo soát xét. Giữa các trang của báo cáo soát xét và báo cáo tài chính đã được soát xét phải đóng dấu giáp lai bằng dấu của doanh nghiệp kiểm toán (hoặc chi nhánh).

Thông báo cho người sử dụng báo cáo soát xét về việc báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt (hướng dẫn đoạn 88 Chuẩn mực này)

A133. Báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt có thể được sử dụng cho các mục đích ngoài dự kiến ban đầu. Ví dụ, cơ quan quản lý Nhà nước có thể yêu cầu các đơn vị phải công khai báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt. Để tránh hiểu nhầm, kiểm toán viên phải thông báo cho người sử dụng báo cáo soát xét rằng báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo cho mục đích đặc biệt, do đó, có thể không phù hợp cho mục đích khác.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *