Các trách nhiệm bổ sung theo yêu cầu của pháp luật và các quy định đối với các thông tin khác

Các trách nhiệm bổ sung theo yêu cầu của pháp luật và các quy định đối với các thông tin khác

A1. Theo yêu cầu của pháp luật và các quy định, kiểm toán viên có thể có thêm một số trách nhiệm đối với các thông tin khác không thuộc phạm vi của chuẩn mực này. Ví dụ, pháp luật của một số nước có thể yêu cầu kiểm toán viên phải thực hiện một số thủ tục để xác định các thông tin khác như các dữ liệu bổ sung bắt buộc hoặc phải đưa ý kiến về độ tin cậy của các chỉ tiêu trình bày trong các thông tin khác. Khi có những nghĩa vụ như vậy thì các trách nhiệm bổ sung của kiểm toán viên phải được quy định rõ trong hợp đồng kiểm toán hoặc theo pháp luật, các quy định và chuẩn mực nghề nghiệp. Nếu các thông tin khác này bị bỏ sót hoặc có khiếm khuyết thì kiểm toán viên có thể phải nêu rõ vấn đề này trong báo cáo kiểm toán theo yêu cầu của pháp luật và các quy định.

Tài liệu có báo cáo tài chính đã được kiểm toán

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ

A2. Nếu pháp luật hoặc các quy định không yêu cầu thì các đơn vị nhỏ thường không phát hành các tài liệu có báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Tuy nhiên, pháp luật và các quy định có thể yêu cầu Ban quản trị đơn vị được kiểm toán lập các tài liệu có báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Ví dụ về các thông tin khác trong tài liệu có báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các đơn vị nhỏ là báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh chi tiết và báo cáo quản trị.

Định nghĩa về thông tin khác (Tham chiếu: Đoạn 5(a))

A3. Các thông tin khác có thể bao gồm:

· Báo cáo của Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về các hoạt động của đơn vị;

· Bản tổng hợp thông tin tài chính hoặc các điểm lưu ý;

· Các thông tin về nhân sự;

· Kế hoạch sử dụng vốn;

· Chỉ tiêu tài chính;

· Danh sách nhân sự chủ chốt (Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc…);

· Các thông tin được lựa chọn theo quý.

A4. Theo các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, các thông tin khác không bao gồm:

· Một bài báo hoặc thông báo, như thư giới thiệu kèm theo tài liệu có báo cáo tài chính đã kiểm toán và báo cáo kiểm toán;

· Thông tin nằm trong các phân tích, chỉ dẫn;

· Thông tin trên các trang web của đơn vị được kiểm toán.

Xem xét các thông tin khác (Tham chiếu: Đoạn 7)

A5. Việc thu thập các thông tin khác trước ngày lập báo cáo kiểm toán cho phép kiểm toán viên có thể cùng Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán giải quyết một cách kịp thời các điểm không nhất quán trọng yếu và các thông tin sai lệch trọng yếu. Kiểm toán viên và Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán cần thỏa thuận về việc thông báo kịp thời các thông tin khác cho kiểm toán viên ngay khi các thông tin này phát sinh.

Điểm không nhất quán trọng yếu

Điểm không nhất quán trọng yếu được xác định trong các thông tin khác thu thập trước ngày lập báo cáo kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn 10)

A6. Nếu Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán không chấp nhận sửa đổi các thông tin khác thì kiểm toán viên quyết định dựa trên việc xem xét vấn đề nào cần phải tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công

A7. Khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công, kiểm toán viên có thể không được phép rút khỏi hợp đồng kiểm toán hoặc không được phép không phát hành báo cáo kiểm toán. Trong trường hợp như vậy, kiểm toán viên có thể gửi báo cáo tới cơ quan chức năng phù hợp để trình bày về các điểm không nhất quán trọng yếu đó.

Điểm không nhất quán trọng yếu được xác định trong các thông tin khác thu thập sau ngày phát hành báo cáo kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn 12-13)

A8. Nếu Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đồng ý sửa đổi các thông tin khác, kiểm toán viên có thể tiến hành các thủ tục như xem xét lại những công việc của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán để đảm bảo những người nhận được báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán phát hành trước đây và các thông tin khác đã được thông báo đầy đủ về việc sửa đổi này.

A9. Nếu việc sửa đổi các thông tin khác là cần thiết nhưng Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán không đồng ý sửa đổi, kiểm toán viên cần tiến hành thêm các biện pháp thích hợp, như tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật.

Thông tin sai lệch trọng yếu

A10. Khi thảo luận với Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về các thông tin sai lệch trọng yếu, kiểm toán viên có thể vẫn không đánh giá được tính chính xác của một số thuyết minh trong các thông tin khác và câu trả lời của Ban Giám đốc đơn vị đối với các câu hỏi của kiểm toán viên, và kiểm toán viên có thể kết luận rằng chắc chắn vẫn có những khác biệt trong xét đoán hoặc ý kiến của kiểm toán viên và Ban Giám đốc đơn vị.

A11. Nếu kiểm toán viên kết luận là có thông tin sai lệch trọng yếu nhưng Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán từ chối sửa đổi thì kiểm toán viên cần tiến hành thêm các biện pháp thích hợp, như tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *