Các vấn đề cần trao đổi với Ban Giám đốc

Các vấn đề cần trao đổi

Trách nhiệm của kiểm toán viên đối với cuộc kiểm toán báo cáo tài chính (Tham chiếu: Đoạn 14)

A9. Trách nhiệm của kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính thường được ghi rõ trong hợp đồng kiểm toán hoặc thỏa thuận bằng văn bản khác phù hợp. Cung cấp cho Ban quản trị đơn vị được kiểm toán một bản sao hợp đồng kiểm toán hoặc thỏa thuận bằng văn bản khác có thể là cách hợp lý để trao đổi với họ những vấn đề như:

· Trách nhiệm của kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế nhằm đưa ý kiến về báo cáo tài chính. Các nội dung cần trao đổi theo yêu cầu của các chuẩn mực kiểm toán bao gồm những vấn đề quan trọng phát sinh trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính liên quan đến Ban quản trị đơn vị được kiểm toán khi giám sát quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính.

· Thực tế là các chuẩn mực kiểm toán quốc tế không yêu cầu kiểm toán viên phải thiết kế các thủ tục nhằm tìm ra các vấn đề khác để trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán.

· Trách nhiệm của kiểm toán viên về việc trao đổi các vấn đề cụ thể theo yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan, theo thỏa thuận với đơn vị hoặc các quy định khác áp dụng cho cuộc kiểm toán, như các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc gia.

A10. Pháp luật và các quy định có liên quan, thỏa thuận với đơn vị hoặc các quy định khác áp dụng cho cuộc kiểm toán có thể yêu cầu kiểm toán viên phải mở rộng phạm vi trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán. Ví dụ (a) thỏa thuận với đơn vị có thể xác định các vấn đề cụ thể cần trao đổi phát sinh từ các dịch vụ do doanh nghiệp kiểm toán hay công ty mạng lưới cung cấp ngoài cuộc kiểm toán báo cáo tài chính; hoặc (b) quy định về kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công có thể yêu cầu trao đổi các vấn đề do kiểm toán viên phát hiện ra từ kết quả thực hiện các dịch vụ khác (ví dụ kiểm toán hoạt động).

Phạm vi và lịch trình kiểm toán theo kế hoạch

A11. Việc trao đổi về phạm vi và lịch trình kiểm toán theo kế hoạch có thể:

(a) Giúp Ban quản trị đơn vị được kiểm toán hiểu rõ hơn về trình tự công việc kiểm toán; thảo luận các vấn đề về rủi ro và mức trọng yếu và xác định phạm vi công việc yêu cầu kiểm toán viên thực hiện các thủ tục bổ sung; và

(b) Giúp kiểm toán viên hiểu rõ hơn về đơn vị được kiểm toán và môi trường kinh doanh của đơn vị.

A12. Kiểm toán viên cần thận trọng khi trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về phạm vi và lịch trình kiểm toán theo kế hoạch để không ảnh hưởng đến hiệu quả cuộc kiểm toán, đặc biệt trong trường hợp một số hoặc toàn bộ thành viên Ban quản trị đều là thành viên Ban Giám đốc đơn vị. Ví dụ, việc trao đổi về nội dung và lịch trình thực hiện các thủ tục kiểm toán chi tiết có thể làm giảm tính hiệu quả của các thủ tục này vì đơn vị được kiểm toán có thể dự đoán trước các bước thực hiện.

A13. Các vấn đề cần được trao đổi có thể gồm:

· Biện pháp kiểm toán viên đề xuất để xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hay nhầm lẫn;

· Cách thức kiểm toán viên tiếp cận kiểm soát nội bộ của đơn vị;

· Việc áp dụng mức trọng yếu cho cuộc kiểm toán.[6]

A14. Những vấn đề khác phát sinh khi lập kế hoạch kiểm toán cần thảo luận, trao đổi với Ban quản trị đơn vị, gồm:

· Phạm vi sử dụng công việc của kiểm toán nội bộ và cách thức phối hợp với kiểm toán viên nội bộ trên tinh thần xây dựng và hỗ trợ lẫn nhau, trong trường hợp đơn vị có bộ phận kiểm toán nội bộ.

· Quan điểm của Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về:

o Cử thành viên Ban quản trị chịu trách nhiệm trao đổi thông tin với kiểm toán viên;

o Phân công trách nhiệm giữa các thành viên Ban quản trị và Ban Giám đốc đơn vị;

o Mục tiêu và chiến lược hoạt động của đơn vị và rủi ro kinh doanh liên quan có thể dẫn đến các sai sót trọng yếu;

o Những vấn đề Ban quản trị đặc biệt quan tâm trong quá trình kiểm toán, và phạm vi công việc đòi hỏi kiểm toán viên thực hiện các thủ tục bổ sung;

o Các nội dung quan trọng cần báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước;

o Các vấn đề mà Ban quản trị cho là có thể ảnh hưởng đến cuộc kiểm toán báo cáo tài chính.

· Thái độ, nhận thức và hành động của Ban quản trị đơn vị liên quan đến (a) kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán và tầm quan trọng của kiểm soát nội bộ trong đơn vị, bao gồm cách thức Ban quản trị giám sát tính hiệu quả của kiểm soát nội bộ, và (b) những phát hiện hoặc khả năng xảy ra gian lận.

· Biện pháp mà Ban quản trị áp dụng khi có những thay đổi về chuẩn mực kế toán, thông lệ quản trị doanh nghiệp, quy định về niêm yết chứng khoán và các vấn đề liên quan.

· Phản hồi của Ban quản trị về những vấn đề mà kiểm toán viên đã trao đổi trước đây.

A15. Việc trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán có thể hỗ trợ kiểm toán viên lập kế hoạch về phạm vi và lịch trình kiểm toán nhưng không làm thay đổi trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc lập chiến lược kiểm toán tổng thể và kế hoạch kiểm toán, bao gồm nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục cần thực hiện để thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *