Các vấn đề cần trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán

Các vấn đề cần trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán

Trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán liên quan đến cuộc kiểm toán báo cáo tài chính (hướng dẫn đoạn 14 Chuẩn mực này)

A9. Trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính thường được ghi rõ trong hợp đồng kiểm toán. Cung cấp cho Ban quản trị đơn vị được kiểm toán một bản sao hợp đồng kiểm toán là cách hợp lý để trao đổi với họ những vấn đề như:

(1) Trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam nhằm đưa ý kiến về báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán. Các nội dung cần trao đổi theo yêu cầu của các chuẩn mực kiểm toán bao gồm những vấn đề quan trọng phát sinh trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính liên quan đến Ban quản trị đơn vị được kiểm toán khi giám sát quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính.

(2) Thực tế là các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam không yêu cầu kiểm toán viên phải thiết kế các thủ tục nhằm tìm ra các vấn đề khác để trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán.

(3) Trách nhiệm của kiểm toán viên về việc trao đổi các vấn đề cụ thể theo yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan, theo thỏa thuận với đơn vị hoặc các hướng dẫn khác, như các hướng dẫn của tổ chức nghề nghiệp áp dụng cho cuộc kiểm toán.

A10. Pháp luật và các quy định có liên quan, thỏa thuận với đơn vị hoặc các yêu cầu khác đặt ra cho cuộc kiểm toán có thể yêu cầu kiểm toán viên phải mở rộng phạm vi trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán. Ví dụ (a) thỏa thuận với đơn vị có thể hướng kiểm toán viên tới các vấn đề cụ thể cần trao đổi phát sinh từ các dịch vụ do doanh nghiệp kiểm toán hay công ty mạng lưới cung cấp ngoài cuộc kiểm toán báo cáo tài chính; hoặc (b) quy định về kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công có thể yêu cầu phải trao đổi các vấn đề do kiểm toán viên phát hiện ra từ kết quả thực hiện các dịch vụ khác (ví dụ kiểm toán hoạt động).

Phạm vi và lịch trình kiểm toán theo kế hoạch

A11. Việc trao đổi về phạm vi và lịch trình kiểm toán theo kế hoạch nhằm:

(a) Giúp Ban quản trị đơn vị được kiểm toán hiểu rõ hơn về trình tự công việc kiểm toán; thảo luận các vấn đề về rủi ro và mức trọng yếu và xác định phạm vi công việc yêu cầu kiểm toán viên thực hiện các thủ tục bổ sung;

(b) Giúp kiểm toán viên hiểu rõ hơn về đơn vị được kiểm toán và môi trường kinh doanh của đơn vị.

A12. Kiểm toán viên cần thận trọng khi trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về phạm vi và lịch trình kiểm toán theo kế hoạch để không ảnh hưởng đến hiệu quả cuộc kiểm toán, đặc biệt trong trường hợp một số hoặc toàn bộ thành viên Ban quản trị đều là thành viên Ban Giám đốc đơn vị. Ví dụ, việc trao đổi về nội dung và lịch trình thực hiện các thủ tục kiểm toán chi tiết có thể làm giảm tính hiệu quả của các thủ tục này vì đơn vị được kiểm toán có thể dự đoán trước các bước thực hiện.

A13. Các vấn đề cần được trao đổi có thể gồm:

(1) Biện pháp kiểm toán viên đề xuất để xử lý rủi ro đáng kể có sai sót trọng yếu do gian lận hay nhầm lẫn;

(2) Cách thức kiểm toán viên tiếp cận kiểm soát nội bộ của đơn vị;

(3) Việc áp dụng mức trọng yếu cho cuộc kiểm toán theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 320.

A14. Những vấn đề khác phát sinh khi lập kế hoạch kiểm toán cần thảo luận, trao đổi với Ban quản trị đơn vị, gồm:

(1) Phạm vi sử dụng công việc của kiểm toán nội bộ và cách thức phối hợp với kiểm toán viên nội bộ trên tinh thần xây dựng và hỗ trợ lẫn nhau, trong trường hợp đơn vị có bộ phận kiểm toán nội bộ.

(2) Quan điểm của Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về:

– Cử thành viên Ban quản trị chịu trách nhiệm trao đổi thông tin với kiểm toán viên;

– Phân công trách nhiệm giữa các thành viên Ban quản trị và Ban Giám đốc đơn vị;

– Mục tiêu và chiến lược hoạt động của đơn vị và rủi ro kinh doanh liên quan có thể dẫn đến các sai sót trọng yếu;

– Những vấn đề Ban quản trị đặc biệt quan tâm trong quá trình kiểm toán, và các phần hành đòi hỏi kiểm toán viên thực hiện các thủ tục bổ sung;

– Các nội dung quan trọng cần báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước;

– Các vấn đề mà Ban quản trị cho là có thể ảnh hưởng đến cuộc kiểm toán báo cáo tài chính.

(3) Thái độ, nhận thức và hành động của Ban quản trị đơn vị liên quan đến (a) kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán và tầm quan trọng của kiểm soát nội bộ trong đơn vị, bao gồm cách thức Ban quản trị giám sát tính hiệu quả của kiểm soát nội bộ, và (b) những phát hiện hoặc khả năng xảy ra gian lận.

(4) Biện pháp mà Ban quản trị áp dụng khi có những thay đổi về chuẩn mực và chế độ kế toán, quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị được kiểm toán, quy định về niêm yết chứng khoán và các vấn đề liên quan.

(5) Sự phản hồi của Ban quản trị về những vấn đề mà kiểm toán viên đã trao đổi trước đây.

A15. Việc trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán có thể hỗ trợ kiểm toán viên lập kế hoạch về phạm vi và lịch trình kiểm toán nhưng không làm thay đổi trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc lập chiến lược kiểm toán tổng thể và kế hoạch kiểm toán, bao gồm nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục cần thực hiện để thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp.

Các phát hiện quan trọng khi thực hiện kiểm toán

A16. Nội dung trao đổi về các phát hiện khi thực hiện cuộc kiểm toán bao gồm việc yêu cầu Ban quản trị đơn vị cung cấp thông tin bổ sung nhằm củng cố các bằng chứng kiểm toán đã thu thập. Ví dụ kiểm toán viên có thể xác nhận rằng Ban quản trị đơn vị có cùng nhận thức về thực trạng và tình tiết của các giao dịch và sự kiện cụ thể.

Khía cạnh định tính quan trọng trong công việc kế toán (hướng dẫn đoạn 16(a) Chuẩn mực này)

A17. Khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho phép đơn vị được thực hiện ước tính kế toán, lựa chọn chính sách kế toán và các nội dung cần thuyết minh trên báo cáo tài chính. Khi trao đổi cởi mở, mang tính xây dựng về khía cạnh định tính quan trọng trong công việc kế toán của đơn vị, kiểm toán viên có thể đánh giá tính phù hợp với điều kiện thực tế thực hiện công việc kế toán tại đơn vị. Các vấn đề có thể trao đổi được trình bày tại Phụ lục 02 của Chuẩn mực này.

Những khó khăn phát sinh trong quá trình kiểm toán (hướng dẫn đoạn 16(b) Chuẩn mực này)

A18. Những khó khăn phát sinh trong quá trình kiểm toán có thể là:

(1) Ban Giám đốc trì hoãn việc cung cấp thông tin theo yêu cầu;

(2) Thời hạn yêu cầu hoàn thành cuộc kiểm toán là quá ngắn;

(3) Kiểm toán viên mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến ban đầu để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp;

(4) Không có sẵn các thông tin cần thu thập;

(5) Những hạn chế mà Ban Giám đốc đặt ra với kiểm toán viên;

(6) Ban Giám đốc không thực hiện đầy đủ việc đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị theo yêu cầu của kiểm toán viên.

Trong nhiều trường hợp, những khó khăn nêu trên có thể cấu thành hạn chế về phạm vi kiểm toán và dẫn đến ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần (xem quy định tại Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 705).

Các vấn đề quan trọng cần thảo luận, hoặc thông báo bằng văn bản cho Ban Giám đốc (hướng dẫn đoạn 16(c)(i) Chuẩn mực này)

A19. Các vấn đề quan trọng phát sinh trong quá trình kiểm toán cần thảo luận, hoặc thông báo bằng văn bản cho Ban Giám đốc, gồm:

(1) Điều kiện kinh doanh ảnh hưởng đến đơn vị, chiến lược và kế hoạch kinh doanh của đơn vị có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu;

(2) Mối lo ngại về việc Ban Giám đốc thuê kiểm toán viên khác để tư vấn các vấn đề về kế toán hoặc kiểm toán;

(3) Thảo luận trực tiếp hoặc trao đổi bằng văn bản liên quan đến việc bổ nhiệm kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán năm đầu tiên hoặc hàng năm trong đó có đề cập đến thực tế thực hiện công tác kế toán, việc áp dụng chuẩn mực kiểm toán, hoặc mức phí dịch vụ kiểm toán và dịch vụ khác.

Những vấn đề quan trọng khác liên quan đến quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính (hướng dẫn đoạn 16(d) Chuẩn mực này)

A20. Các vấn đề quan trọng khác phát sinh từ cuộc kiểm toán liên quan trực tiếp đến việc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán khi giám sát quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính có thể bao gồm các vấn đề như sai sót trọng yếu về tính có thật hoặc tính không nhất quán của các thông tin được trình bày kèm theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán ngay cả khi các sai sót không nhất quán này đã được sửa chữa.

Tính độc lập của kiểm toán viên

A21. Theo quy định tại đoạn 14 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200, kiểm toán viên phải tuân thủ các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp có liên quan, bao gồm cả tính độc lập liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính.

A22. Kiểm toán viên cần trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về các mối quan hệ, vấn đề liên quan và các biện pháp bảo vệ. Việc trao đổi này có thể thay đổi theo điều kiện cụ thể của từng cuộc kiểm toán nhưng thường đề cập tới các nội dung sau:

(a) Nguy cơ đe dọa tính độc lập của kiểm toán viên có thể phân loại thành: Nguy cơ do tư lợi, nguy cơ tự kiểm tra, nguy cơ về sự bào chữa, nguy cơ từ sự quen thuộc và nguy cơ bị đe dọa;

(b) Các biện pháp bảo vệ theo yêu cầu nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan; biện pháp bảo vệ trong đơn vị được kiểm toán và biện pháp bảo vệ trong hệ thống và quy trình của doanh nghiệp kiểm toán.

Nội dung trao đổi theo quy định ở đoạn 17(a) Chuẩn mực này bao gồm cả sự vô ý vi phạm chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan đến tính độc lập của kiểm toán viên và các biện pháp khắc phục đã áp dụng hoặc kiến nghị.

A23. Yêu cầu trao đổi liên quan đến tính độc lập của kiểm toán viên áp dụng trong trường hợp kiểm toán tổ chức niêm yết cũng có thể áp dụng đối với một số đơn vị khác, đặc biệt là các đơn vị có lợi ích công chúng, vì xét trên khía cạnh hoạt động kinh doanh, quy mô và vị thế doanh nghiệp, các đơn vị này có số lượng đông đảo các đối tượng liên quan thuộc mọi lĩnh vực. Ví dụ về các đơn vị không phải là tổ chức niêm yết nhưng cần áp dụng việc trao đổi về tính độc lập của kiểm toán viên là các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư… Mặt khác, trong một số trường hợp, việc trao đổi với Ban quản trị về tính độc lập của kiểm toán viên là không cần thiết, như khi tất cả các thành viên Ban quản trị đơn vị đồng thời là thành viên Ban Giám đốc và đã nắm được thông tin thông qua việc điều hành, quản lý của họ. Trường hợp này đặc biệt phổ biến khi đơn vị được kiểm toán do chính chủ sở hữu quản lý, và các doanh nghiệp kiểm toán hoặc công ty mạng lưới ít có quan hệ với đơn vị ngoài việc kiểm toán báo cáo tài chính.

Các vấn đề khác cần trao đổi

A24. Ban quản trị có trách nhiệm giám sát hoạt động của Ban Giám đốc đơn vị để đảm bảo đơn vị được kiểm toán đã thiết kế, thực hiện và duy trì kiểm soát nội bộ phù hợp nhằm đạt được sự tin cậy của báo cáo tài chính, hiệu quả và hiệu suất của các hoạt động và sự tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan của đơn vị.

A25. Kiểm toán viên có thể nhận biết các vấn đề khác không liên quan đến việc giám sát quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính của đơn vị, nhưng lại trở nên quan trọng khi xem xét trách nhiệm của Ban quản trị đơn vị trong việc giám sát thực hiện chiến lược hay nghĩa vụ giải trình của đơn vị. Các vấn đề này có thể được thể hiện qua những thiếu sót trong bộ máy và quy trình điều hành doanh nghiệp, các quyết định quan trọng và biện pháp áp dụng do nhà quản lý chưa đủ thẩm quyền đưa ra.

A26. Khi quyết định có nên trao đổi các vấn đề khác với Ban quản trị đơn vị hay không, kiểm toán viên có thể cần thảo luận trước với người phụ trách liên quan đến vấn đề cần trao đổi, trừ khi kiểm toán viên nhận thấy việc thảo luận này là không cần thiết.

A27. Khi trao đổi các vấn đề khác, kiểm toán viên cần lưu ý với Ban quản trị đơn vị là:

(a) Việc phát hiện và trao đổi vấn đề này là phần bổ sung cho mục đích chính của cuộc kiểm toán là đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính;

(b) Kiểm toán viên không áp dụng thủ tục kiểm toán nào đối với vấn đề này ngoài các thủ tục cần thiết phải thực hiện để đưa ý kiến về báo cáo tài chính;

(c) Kiểm toán viên không áp dụng thủ tục kiểm toán nào để xác định các vấn đề này thực sự tồn tại.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *