Đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị

Đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị

Các yếu tố ngành nghề, pháp lý và những yếu tố bên ngoài khác

Các yếu tố ngành nghề

A17. Những yếu tố có ảnh hưởng đến ngành nghề bao gồm môi trường cạnh tranh, mối quan hệ với nhà cung cấp, với khách hàng và các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Kiểm toán viên cần xem xét các vấn đề như:

· Thị trường và sự cạnh tranh, bao gồm nhu cầu, khả năng sản xuất và sự canh tranh về giá cả;

· Các hoạt động mang tính chu kỳ hoặc thời vụ;

· Công nghệ có liên quan tới sản phẩm của đơn vị;

· Nguồn cung cấp năng lượng và chi phí.

A18. Ngành mà đơn vị đang hoạt động có thể làm phát sinh những rủi ro có sai sót trọng yếu do tính chất hoạt động kinh doanh hoặc do mức độ quản lý của nhà nước. Ví dụ, các hợp đồng dài hạn có thể liên quan đến những ước tính lớn về doanh thu và chi phí, do đó làm tăng rủi ro có sai sót trọng yếu. Trong trường hợp này, nhóm kiểm toán cần có thành viên có đủ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp.[6]

Các yếu tố pháp lý

A19. Các yếu tố pháp lý bao gồm môi trường pháp lý, trong đó có khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, môi trường chính trị và pháp luật. Ví dụ về các vấn đề kiểm toán viên cần xem xét bao gồm:

· Các nguyên tắc kế toán và các thông lệ của ngành;

· Khuôn khổ pháp lý cho ngành nghề chịu sự quản lý nhà nước;

· Hệ thống pháp luật và các quy định có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của đơn vị, trong đó có các hoạt động giám sát trực tiếp;

· Thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác);

· Các chính sách của Chính phủ hiện đang ảnh hưởng tới hoạt động của đơn vị, ví dụ như chính sách tiền tệ, kiểm soát ngoại hối, tài khóa, các ưu đãi tài chính (ví dụ như các chương trình viện trợ của Chính phủ), hàng rào thuế quan hoặc các chính sách hạn chế thương mại;

· Các quy định về môi trường ảnh hưởng đến ngành nghề và hoạt động của đơn vị.

A20. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 250 quy định cụ thể về hệ thống pháp luật và các quy định áp dụng cho đơn vị và ngành nghề hoặc lĩnh vực hoạt động của đơn vị.[7]

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công

A21. Đối với các đơn vị trong lĩnh vực công, hoạt động của đơn vị có thể chịu ảnh hưởng của pháp luật hoặc các quy định của cơ quan quản lý. Kiểm toán viên cần xem xét những vấn đề này trong quá trình tìm hiểu về đơn vị và môi trường của đơn vị.

Các yếu tố bên ngoài khác

A22. Kiểm toán viên có thể cần tìm hiểu các yếu tố bên ngoài khác có ảnh hưởng đến đơn vị như tình hình chung về kinh tế, lãi suất và các nguồn vốn nhàn rỗi, lạm phát hoặc biến động tỷ giá.

Đặc điểm của đơn vị (Tham chiếu: Đoạn 11(b))

A23. Hiểu biết về đặc điểm của đơn vị giúp kiểm toán viên hiểu được các vấn đề như:

· Liệu đơn vị có cơ cấu tổ chức phức tạp, như có các công ty con hoặc đơn vị thành viên tại nhiều địa điểm khác nhau hay không. Cơ cấu tổ chức phức tạp thường dẫn đến những vấn đề có thể làm phát sinh rủi ro có sai sót trọng yếu. Những vấn đề đó có thể bao gồm liệu giá trị của lợi thế thương mại, các liên doanh, các khoản đầu tư hoặc các đơn vị có mục đích đặc biệt có được hạch toán phù hợp hay không.

· Quyền sở hữu và các mối quan hệ giữa các chủ sở hữu với những cá nhân hoặc đơn vị khác. Hiểu biết về vấn đề này giúp kiểm toán viên xác định được các giao dịch với các bên liên quan đã được ghi nhận và hạch toán phù hợp hay chưa. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 550[8] quy định và hướng dẫn kiểm toán viên xem xét các vấn đề đối với các bên liên quan.

A24. Ví dụ về một số vấn đề mà kiểm toán viên có thể cần xem xét khi tìm hiểu về đặc điểm của đơn vị, bao gồm:

· Vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh như:

o Bản chất của các nguồn doanh thu, sản phẩm hoặc dịch vụ, và các thị trường bao gồm cả thương mại điện tử như bán hàng và tiếp thị qua Internet;

o Thực hiện các hoạt động (ví dụ: các giai đoạn và phương thức sản xuất, hoặc những hoạt động chịu tác động của rủi ro môi trường);

o Liên doanh, liên kết và các hoạt động thuê ngoài;

o Sự phân tán về mặt địa lý và phân khúc thị trường;

o Địa điểm xưởng sản xuất, kho chứa, văn phòng, số lượng và địa điểm hàng tồn kho;

o Các khách hàng chính và các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ quan trọng, các thỏa thuận lao động (bao gồm tham gia công đoàn, hưu trí và các quyền lợi khác sau khi nghỉ việc, quyền mua cổ phiếu hoặc các ưu đãi khác và các quy định của Nhà nước liên quan đến người lao động);

o Các hoạt động và chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển;

o Các giao dịch với các bên liên quan.

· Vấn đề liên quan đến các khoản đầu tư và các hoạt động đầu tư như:

o Việc mua, bán hoặc chia tách doanh nghiệp đã được lập kế hoạch hoặc được thực hiện gần đây;

o Mua, bán chứng khoán và các khoản nợ;

o Các hoạt động đầu tư vốn;

o Các khoản đầu tư vào các đơn vị không hợp nhất trong đó có công ty hợp danh, công ty liên doanh và các đơn vị có mục đích đặc biệt.

· Vấn đề liên quan đến việc huy động vốn và các hoạt động huy động vốn như:

o Các công ty con và các đơn vị liên kết lớn, kể cả các đơn vị được hợp nhất hay không hợp nhất;

o Cơ cấu nợ và các điều khoản liên quan, bao gồm cả các thỏa thuận cấp vốn và cho thuê tài chính được phản ánh ngoài bảng;

o Đối tượng thụ hưởng (trong nước, ngoài nước, uy tín kinh doanh và kinh nghiệm) và các bên liên quan;

o Sử dụng các công cụ tài chính phái sinh.

· Vấn đề liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính như:

o Các nguyên tắc kế toán và các thông lệ riêng của từng ngành, kể cả các vấn đề mang đặc thù riêng của ngành (ví dụ, các khoản cho vay và đầu tư của ngân hàng, hay nghiên cứu và phát triển của ngành dược);

o Cách thức ghi nhận doanh thu;

o Kế toán giá trị hợp lý;

o Các tài sản, các khoản nợ phải trả và các giao dịch có nguồn gốc ngoại tệ;

o Kế toán các giao dịch bất thường hoặc phức tạp, bao gồm các giao dịch đang gây tranh cãi hay các lĩnh vực mới (ví dụ kế toán cho khoản chi thưởng bằng cổ phiếu).

A25. Các thay đổi đáng kể của đơn vị so với các kỳ trước có thể làm phát sinh hoặc làm thay đổi rủi ro có sai sót trọng yếu.

Đặc điểm của các đơn vị có mục đích đặc biệt

A26. Đơn vị có mục đích đặc biệt là một đơn vị được thành lập vì mục đích hẹp và đã xác định trước, như cho thuê tài sản hay chứng khoán hóa tài sản tài chính, hay để thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đơn vị này có thể là doanh nghiệp, tổ chức tín thác, công ty hợp danh hoặc đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân. Đơn vị tạo lập ra đơn vị có mục đích đặc biệt thường chuyển giao tài sản cho đơn vị có mục đích đặc biệt (như một phần của giao dịch ghi giảm tài sản tài chính), có quyền sử dụng tài sản của đơn vị có mục đích đặc biệt, hay thực hiện các dịch vụ cho đơn vị có mục đích đặc biệt, trong khi các bên khác có thể cấp vốn cho đơn vị có mục đích đặc biệt này. Theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 550, trong một số tình huống, đơn vị có mục đích đặc biệt có thể là bên liên quan của đơn vị được kiểm toán.[9]

A27. Các khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính thường quy định rõ các điều kiện cụ thể cho thấy có sự kiểm soát hay tình huống cụ thể mà theo đó đơn vị có mục đích đặc biệt phải được hợp nhất báo cáo tài chính. Việc diễn giải các quy định trong khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính thường đòi hỏi phải có hiểu biết chi tiết về các thỏa thuận liên quan đến đơn vị có mục đích đặc biệt.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *