Duy trì sự cảnh giác đối với thông tin về các bên liên quan khi xem xét sổ sách

Duy trì sự cảnh giác đối với thông tin về các bên liên quan khi xem xét sổ sách hoặc tài liệu

Sổ kế toán hoặc tài liệu mà kiểm toán viên có thể kiểm tra (hướng dẫn đoạn 15 Chuẩn mực này)

A22. Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên có thể kiểm tra các sổ kế toán hoặc tài liệu có thể cung cấp thông tin về các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan, ví dụ:

(1) Xác nhận của bên thứ ba mà kiểm toán viên thu thập được (ngoài các xác nhận ngân hàng và xác nhận có giá trị pháp lý);

(2) Các khoản kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp;

(3) Thông tin do đơn vị cung cấp cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền;

(4) Danh sách đăng ký cổ đông để xác định các cổ đông lớn của đơn vị;

(5) Báo cáo của Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về các xung đột lợi ích;

(6) Các hồ sơ về đầu tư và về các chương trình trợ cấp hưu trí của đơn vị;

(7) Các hợp đồng và thoả thuận với thành viên chủ chốt trong Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán;

(8) Các hợp đồng và thoả thuận quan trọng ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị;

(9) Các hóa đơn và thư từ của chuyên gia tư vấn của đơn vị;

(10) Các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được đơn vị chi trả;

(11) Các hợp đồng quan trọng được đơn vị thỏa thuận lại trong kỳ;

(12) Các báo cáo của kiểm toán nội bộ;

(13) Các tài liệu liên quan tới việc báo cáo của doanh nghiệp với Ủy ban chứng khoán Nhà nước (ví dụ các bản cáo bạch).

Những thỏa thuận có thể cho thấy các mối quan hệ hoặc giao dịch với các bên liên quan chưa được xác định hoặc thông báo trước đó.

A23. “Thoả thuận” là sự thống nhất một cách chính thức hoặc không chính thức giữa đơn vị và một hoặc nhiều bên khác về các mục đích như:

(1) Xây dựng mối quan hệ kinh doanh thông qua các phương tiện và cơ cấu thích hợp;

(2) Thực hiện các loại giao dịch nhất định theo các điều khoản và điều kiện cụ thể;

(3) Cung cấp các dịch vụ được chỉ định hoặc hỗ trợ tài chính.

Ví dụ về những thoả thuận có thể cho thấy các mối quan hệ hoặc giao dịch với các bên liên quan mà trước đó Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán chưa xác định hoặc thông báo với kiểm toán viên, bao gồm:

(4) Tham gia vào hợp đồng hợp tác với các bên khác mà không thành lập pháp nhân;

(5) Các thỏa thuận cung cấp dịch vụ cho các bên nhất định theo các điều khoản và điều kiện ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị;

(6) Các mối quan hệ giữa bên đảm bảo và bên được đảm bảo.

Xác định các giao dịch quan trọng ngoài hoạt động kinh doanh thông thường (hướng dẫn đoạn 16 Chuẩn mực này)

A24. Việc thu thập thêm thông tin về các giao dịch quan trọng ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị cho phép kiểm toán viên đánh giá xem liệu có yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận hay không và xác định rủi ro có sai sót trọng yếu, nếu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có quy định về các bên liên quan.

A25. Ví dụ về các giao dịch ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị có thể bao gồm:

(1) Giao dịch phức tạp về vốn chủ sở hữu, như cơ cấu lại hoặc sáp nhập doanh nghiệp;

(2) Giao dịch với các đơn vị tại các nước mà Luật doanh nghiệp có hiệu lực thấp;

(3) Giao dịch cho thuê tài sản hoặc cung cấp dịch vụ quản lý cho bên khác mà không thu phí;

(4) Giao dịch bán hàng với mức chiết khấu hoặc lợi nhuận lớn bất thường;

(5) Giao dịch với thoả thuận quay vòng, ví dụ, giao dịch bán hàng với cam kết mua lại;

(6) Giao dịch theo hợp đồng, trong đó có các điều khoản được thay đổi trước khi hết hạn.

Tìm hiểu về bản chất của các giao dịch quan trọng ngoài hoạt động kinh doanh thông thường (hướng dẫn đoạn 16(a) Chuẩn mực này)

A26. Tìm hiểu về bản chất của các giao dịch quan trọng ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị là việc tìm hiểu tính hợp lý về mặt kinh tế của các giao dịch và các điều khoản, điều kiện để thực hiện các giao dịch đó.

Tìm hiểu về sự tham gia của các bên liên quan (hướng dẫn đoạn 16(b) Chuẩn mực này)

A27. Một bên liên quan có thể tham gia vào một giao dịch quan trọng ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị không chỉ bằng cách gây ảnh hưởng trực tiếp đối với các giao dịch thông qua việc trở thành một bên tham gia giao dịch, mà còn bằng cách gây ảnh hưởng gián tiếp lên giao dịch thông qua một bên trung gian. Ảnh hưởng đó có thể cho thấy sự tồn tại của yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *