Hệ thống kiểm soát chất lượng và vai trò của nhóm kiểm toán

Hệ thống kiểm soát chất lượng và vai trò của nhóm kiểm toán

A1. Chuẩn mực kiểm soát chất lượng VSQC1 và các quy định về kiểm soát chất lượng có liên quan quy định trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán trong việc xây dựng và duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng cho các cuộc kiểm toán. Hệ thống kiểm soát chất lượng bao gồm các chính sách và thủ tục cho các yếu tố sau:

(1) Trách nhiệm của Ban Giám đốc về chất lượng trong doanh nghiệp kiểm toán;

(2) Chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan;

(3) Chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và cuộc kiểm toán cụ thể;

(4) Nguồn nhân lực;

(5) Thực hiện cuộc kiểm toán;

(6) Giám sát.

Sự tin tưởng vào hệ thống kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán (hướng dẫn đoạn 04 Chuẩn mực này)

A2. Trừ khi doanh nghiệp kiểm toán hoặc các bên khác đưa ra thông tin khác, nhóm kiểm toán có thể tin tưởng vào hệ thống kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán liên quan đến, ví dụ :

(1) Năng lực của cán bộ, nhân viên thông qua quá trình tuyển dụng và đào tạo chính thức;

(2) Tính độc lập thông qua tích lũy và trao đổi thông tin phù hợp về tính độc lập;

(3) Duy trì khách hàng thông qua hệ thống chấp nhận và duy trì quan hệ khách hàng;

(4) Tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan thông qua quá trình giám sát.

Trách nhiệm của thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán đối với chất lượng hoạt động kiểm toán (hướng dẫn đoạn 08 Chuẩn mực này)
A3. Để thực hiện trách nhiệm về chất lượng tổng thể của từng cuộc kiểm toán, thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán phải có các biện pháp và chỉ đạo phù hợp tới các thành viên khác trong nhóm kiểm toán, trong đó cần nhấn mạnh:

(a) Tầm quan trọng của chất lượng kiểm toán trong việc:

(i) Thực hiện cuộc kiểm toán tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan;

(ii) Tuân thủ các chính sách và thủ tục của doanh nghiệp kiểm toán về kiểm soát chất lượng;

(iii) Phát hành báo cáo kiểm toán phù hợp với tình hình thực tế của cuộc kiểm toán;

(iv) Nhóm kiểm toán có khả năng nêu ra những vấn đề còn bất đồng mà không sợ bị đe dọa;

(b) Chất lượng là yếu tố thiết yếu khi thực hiện các cuộc kiểm toán.

Chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan

Tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan (hướng dẫn đoạn 09 Chuẩn mực này)
A4. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán quy định các nguyên tắc cơ bản về đạo đức nghề nghiệp, gồm:

(a) Độc lập;

(b) Chính trực;

(c) Khách quan;

(d) Năng lực chuyên môn và tính thận trọng;

(e) Tính bảo mật;

(f) Tư cách nghề nghiệp;

(g) Tuân thủ chuẩn mực chuyên môn.

Thuật ngữ “Doanh nghiệp kiểm toán”, “Mạng lưới” và “Công ty mạng lưới” (hướng dẫn đoạn 09 – 11 Chuẩn mực này)

A5. Định nghĩa “Doanh nghiệp kiểm toán”, “Mạng lưới” hoặc “Công ty mạng lưới” trong chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan có thể khác với định nghĩa trong Chuẩn mực này. Ví dụ, Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán định nghĩa “Doanh nghiệp kiểm toán” là một tổ chức có thể gồm:

(a) Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật (như Doanh nghiệp kiểm toán A, Doanh nghiệp kiểm toán B có tư cách pháp nhân độc lập);

(b) Một tổ chức kiểm soát các doanh nghiệp nêu ở điểm (a) (như Công ty mẹ, Hãng thành viên quốc tế); hoặc/và

(c) Một tổ chức chịu sự kiểm soát của các doanh nghiệp nêu ở điểm (a) (như chi nhánh công ty, văn phòng đại diện).

Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cũng đưa ra các chỉ dẫn về các thuật ngữ “mạng lưới” và “công ty mạng lưới.”

Để tuân thủ các quy định trong đoạn 09 – 11 Chuẩn mực này, các định nghĩa sử dụng trong chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan sẽ được áp dụng để có thể hiểu được các quy định về đạo đức nghề nghiệp này.

Sự đe dọa đến tính độc lập

A6. Thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán có thể nhận thấy sự đe dọa đến tính độc lập của cuộc kiểm toán mà các biện pháp bảo vệ không thể loại trừ hoặc giảm thiểu xuống mức có thể chấp nhận được. Trường hợp này, như quy định tại đoạn 11(c) Chuẩn mực này, thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán phải thông báo cho các cá nhân có liên quan trong doanh nghiệp kiểm toán để có quyết định hành động thích hợp, bao gồm loại trừ các hành vi hoặc lợi ích làm phát sinh sự đe dọa, hoặc rút khỏi cuộc kiểm toán trong trường hợp pháp luật hoặc các quy định có liên quan cho phép.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công

A7. Các biện pháp theo luật định có thể bảo vệ tính độc lập của kiểm toán viên khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công. Tuy nhiên, tùy thuộc vào các điều khoản ràng buộc pháp lý cụ thể, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán khi tiến hành kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công với tư cách kiểm toán viên theo luật định (được Cơ quan Kiểm toán Nhà nước ủy quyền) cần điều chỉnh phương pháp tiếp cận để tăng cường tính tuân thủ theo quy định tại đoạn 11 Chuẩn mực này. Trường hợp quy định về kiểm toán trong lĩnh vực công không cho phép kiểm toán viên rút khỏi cuộc kiểm toán, kiểm toán viên cần thông báo công khai về các tình huống tương tự phải rút khỏi cuộc kiểm toán nếu đó là cuộc kiểm toán đơn vị ngoài lĩnh vực công.

Chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và hợp đồng kiểm toán (hướng dẫn đoạn 12 Chuẩn mực này)
A8. Đoạn 27(a) Chuẩn mực kiểm soát chất lượng VSQC1 quy định doanh nghiệp kiểm toán phải thu thập các thông tin cần thiết trong từng tình huống cụ thể trước khi chấp nhận một khách hàng mới hoặc khi quyết định việc tiếp tục duy trì quan hệ khách hàng hiện tại và khi cân nhắc việc chấp nhận cung cấp dịch vụ mới cho khách hàng hiện tại. Những thông tin sau hỗ trợ thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán khi quyết định chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và hợp đồng kiểm toán:

(1) Tính chính trực của các chủ sở hữu chính, thành viên chủ chốt của Ban Giám đốc và Ban quản trị;

(2) Năng lực chuyên môn và khả năng của nhóm kiểm toán trong việc thực hiện cuộc kiểm toán (bao gồm thời gian, nguồn lực…);

(3) Khả năng của doanh nghiệp kiểm toán và nhóm kiểm toán trong việc tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan;

(4) Các vấn đề trọng yếu phát sinh trong cuộc kiểm toán năm hiện hành hoặc năm trước và những ảnh hưởng đối với việc duy trì quan hệ khách hàng.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công

A9. Đối với cuộc kiểm toán đơn vị trong lĩnh vực công, kiểm toán viên có thể được chỉ định theo các thủ tục do pháp luật quy định. Vì vậy, một số quy định và hướng dẫn về chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và hợp đồng kiểm toán tại đoạn 12, 13 và A8 của Chuẩn mực này có thể không được áp dụng. Tuy nhiên, những thông tin thu được từ các thủ tục nêu trên có thể có giá trị đối với kiểm toán viên khi đánh giá rủi ro và khi thực hiện trách nhiệm báo cáo.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *