Hệ thống kiểm soát chất lượng và vai trò của nhóm kiểm toán

Hệ thống kiểm soát chất lượng và vai trò của nhóm kiểm toán

02. Doanh nghiệp kiểm toán chịu trách nhiệm đối với hệ thống chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán. Theo quy định tại đoạn 11 Chuẩn mực kiểm soát chất lượng VSQC1, doanh nghiệp kiểm toán phải có nghĩa vụ xây dựng và duy trì một hệ thống kiểm soát chất lượng để có sự đảm bảo hợp lý rằng:

(a) Doanh nghiệp kiểm toán và các cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp kiểm toán đã tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan;

(b) Báo cáo được doanh nghiệp kiểm toán phát hành là phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Chuẩn mực kiểm toán này dựa trên cơ sở doanh nghiệp kiểm toán buộc phải tuân thủ Chuẩn mực kiểm soát chất lượng VSQC1 và các quy định có liên quan về kiểm soát chất lượng (xem hướng dẫn tại đoạn A1 Chuẩn mực này).

03. Trong phạm vi hệ thống kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán, các nhóm kiểm toán có trách nhiệm thực hiện các thủ tục kiểm soát chất lượng phù hợp đối với cuộc kiểm toán và cung cấp cho doanh nghiệp kiểm toán các thông tin liên quan để có thể thực hiện được chức năng của hệ thống kiểm soát chất lượng liên quan đến tính độc lập.

04. Các nhóm kiểm toán có quyền tin tưởng vào hệ thống kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán, trừ khi doanh nghiệp kiểm toán hoặc các bên khác đưa ra thông tin khác (xem hướng dẫn tại đoạn A2 Chuẩn mực này).

05. Kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải tuân thủ những quy định của Chuẩn mực này trong quá trình thực hiện kiểm toán và cung cấp dịch vụ liên quan.

Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về các nguyên tắc và thủ tục quy định trong Chuẩn mực này để thực hiện trách nhiệm của mình và để phối hợp công việc với kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán giải quyết các mối quan hệ trong quá trình kiểm toán.

Mục tiêu

06. Mục tiêu của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán là thực hiện các thủ tục kiểm soát chất lượng ở cấp độ từng cuộc kiểm toán nhằm cung cấp cho kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán sự đảm bảo hợp lý rằng:

(a) Cuộc kiểm toán đã tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan;

(b) Báo cáo kiểm toán được phát hành là phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của cuộc kiểm toán.

Giải thích thuật ngữ

07. Trong các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

(a) Thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán: Là thành viên Ban Giám đốc theo định nghĩa ở đoạn 07(k) Chuẩn mực này và đại diện theo pháp luật chịu trách nhiệm về việc thực hiện cuộc kiểm toán, ký báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm tổng thể đối với báo cáo kiểm toán đã phát hành;

(b) Soát xét việc kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán: Là quy trình được thiết kế và thực hiện tại ngày hoặc trước ngày lập báo cáo kiểm toán, nhằm đưa ra sự đánh giá khách quan về các xét đoán quan trọng của nhóm kiểm toán và các kết luận nhóm kiểm toán đưa ra để hình thành ý kiến của kiểm toán viên trong báo cáo kiểm toán. Việc soát xét kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán chỉ áp dụng cho các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức niêm yết hoặc các cuộc kiểm toán khác (nếu có) mà doanh nghiệp kiểm toán cho rằng việc soát xét kiểm soát chất lượng kiểm toán là cần thiết;

(c) Người soát xét việc kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán: Là thành viên Ban Giám đốc, một cá nhân khác trong hoặc từ bên ngoài doanh nghiệp kiểm toán, có năng lực phù hợp hoặc nhóm các cá nhân nói trên, nhưng không phải là thành viên của nhóm kiểm toán, có đầy đủ kinh nghiệm và thẩm quyền phù hợp để đưa ra đánh giá khách quan về các xét đoán quan trọng và các kết luận mà nhóm kiểm toán đưa ra để hình thành ý kiến trong báo cáo kiểm toán;

(d) Nhóm kiểm toán: Bao gồm thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề phụ trách cuộc kiểm toán và các cán bộ, nhân viên thực hiện cuộc kiểm toán, và bất kỳ cá nhân nào được doanh nghiệp kiểm toán hoặc công ty mạng lưới sử dụng để thực hiện các thủ tục kiểm toán cho cuộc kiểm toán. Nhóm kiểm toán không bao gồm chuyên gia bên ngoài được doanh nghiệp kiểm toán hoặc công ty mạng lưới sử dụng (đoạn 06(a) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 620 định nghĩa thuật ngữ “Chuyên gia của kiểm toán viên”);

(e) Doanh nghiệp kiểm toán: Là doanh nghiệp có đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của Luật kiểm toán độc lập và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

(f) Kiểm tra: Là các thủ tục kiểm tra được áp dụng đối với cuộc kiểm toán đã hoàn thành, được thiết kế để cung cấp bằng chứng về sự tuân thủ của nhóm kiểm toán đối với các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán;

(g) Tổ chức niêm yết: Là pháp nhân có cổ phần, cổ phiếu hoặc các công cụ nợ được chào bán hoặc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán hoặc được giao dịch theo các quy định của sàn giao dịch chứng khoán hoặc các định chế khác tương tự;

(h) Giám sát: Là quy trình xem xét và đánh giá liên tục về hệ thống kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán, bao gồm kiểm tra lại định kỳ một số hợp đồng dịch vụ đã hoàn thành được lựa chọn nhằm cung cấp cho doanh nghiệp kiểm toán sự đảm bảo hợp lý rằng hệ thống kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp hoạt động hữu hiệu;

(i) Công ty mạng lưới: Là công ty hoặc pháp nhân thuộc cùng một mạng lưới;

(j) Mạng lưới: Là sự liên kết giữa các tổ chức để:

(i) Hướng tới sự hợp tác;

(ii) Hướng tới việc chia sẻ lợi nhuận hoặc chi phí, hoặc cùng được sở hữu, kiểm soát hoặc quản lý chung, có chung các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng, chiến lược kinh doanh, sử dụng chung thương hiệu, hoặc cùng chung một phần đáng kể nguồn lực chuyên môn.

(k) Thành viên Ban Giám đốc: Là người đủ điều kiện hành nghề và được doanh nghiệp kiểm toán giao trách nhiệm thực hiện hợp đồng dịch vụ chuyên nghiệp; giữ chức danh như Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty hoặc có thể là Giám đốc, Phó Giám đốc Chi nhánh;

(l) Nhân sự: Gồm các thành viên Ban Giám đốc và cán bộ, nhân viên;

(m) Chuẩn mực nghề nghiệp: Gồm các chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan;

(n) Chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan: Là các quy định về đạo đức nghề nghiệp mà nhóm kiểm toán và người soát xét việc kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán phải tuân thủ, thường bao gồm Phần A và Phần B trong Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính cùng với các quy định có liên quan;

(o) Cán bộ, nhân viên: Là tất cả cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp do doanh nghiệp kiểm toán thuê thông qua hợp đồng lao động, trừ thành viên Ban Giám đốc;

(p) Cá nhân bên ngoài doanh nghiệp có năng lực phù hợp: Là người không thuộc doanh nghiệp kiểm toán, có trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm để có thể giữ vai trò người soát xét việc kiểm soát chất lượng tương đương với thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán, ví dụ, thành viên Ban Giám đốc của một doanh nghiệp kiểm toán khác, hoặc cá nhân có kinh nghiệm phù hợp của tổ chức nghề nghiệp mà các hội viên của tổ chức nghề nghiệp này có thể thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, hoặc là người của một tổ chức có cung cấp các dịch vụ kiểm soát chất lượng phù hợp.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *