Mục tiêu quy định trong từng chuẩn mực kiểm toán

Mục tiêu quy định trong từng chuẩn mực kiểm toán

A67. Mỗi chuẩn mực kiểm toán bao gồm một hoặc một số mục tiêu, tạo ra sự kết nối giữa các yêu cầu với các mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên. Các mục tiêu trong từng chuẩn mực kiểm toán giúp kiểm toán viên tập trung để đạt được kết quả theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán, đồng thời giúp kiểm toán viên:

· Hiểu rõ những mục tiêu cần đạt được và cách thức phù hợp để thực hiện;

· Quyết định những công việc cần thực hiện thêm để đạt được mục tiêu đã định trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc kiểm toán.

A68. Các mục tiêu trong từng chuẩn mực kiểm toán cần được hiểu trong mối liên hệ với các mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên đã quy định tại đoạn 11 Chuẩn mực này. Khả năng hoàn thành một mục tiêu đơn lẻ cũng như việc đạt được và hoàn thành mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên đều bị ảnh hưởng bởi những hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán.

A69. Để thực hiện các mục tiêu, kiểm toán viên phải quan tâm đến mối quan hệ tương hỗ giữa các chuẩn mực kiểm toán. Như đã hướng dẫn tại đoạn A53, trong một số trường hợp, các chuẩn mực kiểm toán tập quy định và hướng dẫn các trách nhiệm chung, trong các trường hợp khác, lại đưa ra cách thực hiện trách nhiệm trong từng tình huống cụ thể. Ví dụ, chuẩn mực này yêu cầu kiểm toán viên phải duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt quá trình lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán, đây là yêu cầu cần thiết nhưng không được quy định lại trong các chuẩn mực kiểm toán khác. Ở mức độ chi tiết hơn, Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 315 và số 330 cũng quy định các mục tiêu và yêu cầu về trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc phát hiện và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu, thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo đối với các rủi ro đã đánh giá; các mục tiêu và yêu cầu này được áp dụng trong suốt quá trình kiểm toán. Một chuẩn mực kiểm toán chỉ nhằm giải quyết những khía cạnh riêng của cuộc kiểm toán (như Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 540) cũng có thể mở rộng để áp dụng, dù không nhắc lại, các mục tiêu và yêu cầu của những chuẩn mực kiểm toán như Chuẩn mực kiểm toán số 315 và số 330 trong mối quan hệ với chủ đề trọng tâm của chuẩn mực kiểm toán đó. Do đó, để hoàn thành các mục tiêu mà Chuẩn mực kiểm toán số 540 đề ra, kiểm toán viên phải lưu ý tới các mục tiêu và yêu cầu của những chuẩn mực kiểm toán liên quan.

Sử dụng các mục tiêu để xác định sự cần thiết của các thủ tục kiểm toán bổ sung

A70. Yêu cầu của mỗi chuẩn mực kiểm toán quốc tế được thiết kế để giúp kiểm toán viên hoàn thành các mục tiêu mà chuẩn mực kiểm toán quốc tế quy định và từ đó đạt được mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên. Việc thực hiện các yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán quốc tế một cách phù hợp sẽ giúp kiểm toán viên có đầy đủ cơ sở để hoàn thành các mục tiêu. Tuy nhiên, do tình huống thực tế của các cuộc kiểm toán rất đa dạng và các chuẩn mực kiểm toán không thể lường trước mọi tình huống, kiểm toán viên có trách nhiệm xác định các thủ tục kiểm toán cần thiết để hoàn thành các yêu cầu của chuẩn mực và đạt được mục tiêu đã định. Hoàn cảnh thực tế của cuộc kiểm toán có thể phát sinh những vấn đề cụ thể đòi hỏi kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung ngoài những thủ tục mà chuẩn mực kiểm toán quốc tế yêu cầu để đạt được mục tiêu mà chuẩn mực kiểm toán quốc tế quy định.

Sử dụng các mục tiêu để đánh giá việc thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp (Tham chiếu: Đoạn 21(b))

A71. Kiểm toán viên cần sử dụng các mục tiêu để đánh giá liệu đã thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp cho mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên hay chưa. Nếu kết quả đánh giá cho thấy các bằng chứng kiểm toán chưa đầy đủ và thích hợp, kiểm toán viên có thể áp dụng một hoặc một số phương pháp sau đây để đạt được yêu cầu của đoạn 21(b):

· Đánh giá liệu đã hoặc sẽ thu thập được thêm các bằng chứng kiểm toán phù hợp từ kết quả của việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán khác;

· Mở rộng công việc thực hiện bằng cách áp dụng thêm một hoặc một số yêu cầu;

· Thực hiện các thủ tục khác mà kiểm toán viên đánh giá là cần thiết trong từng tình huống.

Khi không thể thực hiện bất kỳ phương pháp nào trong số các phương pháp nêu trên, kiểm toán viên sẽ không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp và theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán, kiểm toán viên phải xác định ảnh hưởng của vấn đề này đối với báo cáo kiểm toán hoặc đối với khả năng hoàn thành cuộc kiểm toán.

Tuân thủ các quy định có liên quan

Các quy định có liên quan (Tham chiếu: Đoạn 22)

A72. Một chuẩn mực kiểm toán có thể không liên quan đến một số cuộc kiểm toán cụ thể. Ví dụ, nếu đơn vị được kiểm toán không có bộ phận kiểm toán nội bộ thì toàn bộ các quy định của Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 610[26] được coi là không liên quan đến cuộc kiểm toán đơn vị đó.

A73. Trong một số chuẩn mực kiểm toán có thể có các quy định có điều kiện. Những quy định có điều kiện sẽ trở nên có liên quan đến cuộc kiểm toán khi phát sinh tình huống cho thấy sự tồn tại của các điều kiện đó. Nhìn chung, điều kiện áp dụng của một quy định có thể rõ ràng hoặc ngầm ẩn, ví dụ:

· Quy định phải đưa ra ý kiến kiểm toán không phải ý kiến chấp nhận toàn phần khi có giới hạn phạm vi[27] là một quy định có điều kiện được nêu rõ ràng;

· Quy định phải trao đổi các phát hiện về khiếm khuyết nghiêm trọng trong kiểm soát nội bộ với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán,[28] phụ thuộc vào việc khiếm khuyết nghiêm trọng đó có tồn tại hay không; và quy định phải thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến việc trình bày và công bố thông tin bộ phận theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng,[29] phụ thuộc vào việc khuôn khổ đó có yêu cầu hay cho phép công bố những thông tin đó hay không: đây là những quy định có điều kiện chỉ ngầm ẩn mà không nêu rõ ràng.

Trong một số trường hợp, một quy định có thể được thể hiện như là có điều kiện phụ thuộc vào pháp luật và các quy định có liên quan. Ví dụ, kiểm toán viên có thể được yêu cầu phải rút khỏi cuộc kiểm toán, khi việc rút khỏi đó là phù hợp với pháp luật và các quy định có liên quan, hoặc kiểm toán viên có thể được yêu cầu phải thực hiện một số việc, trừ khi việc đó bị pháp luật và các quy định nghiêm cấm. Tùy thuộc vào từng quốc gia, pháp luật và các quy định có thể nêu rõ ràng hoặc ngầm ẩn về sự cho phép hoặc nghiêm cấm đó.

Thực hiện khác so với một quy định

A74. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 230 quy định về tài liệu, hồ sơ kiểm toán trong những trường hợp ngoại lệ khi kiểm toán viên thực hiện khác so với một quy định nào đó của chuẩn mực kiểm toán có liên quan.[30] Các chuẩn mực kiểm toán quốc tế không yêu cầu kiểm toán viên phải tuân thủ các quy định được coi là không phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của cuộc kiểm toán.

Không đạt được mục tiêu (Tham chiếu: Đoạn 24)

A75. Việc đánh giá liệu đã đạt được một mục tiêu nào đó hay chưa đòi hỏi sự xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên. Việc xét đoán phải tính đến kết quả của các thủ tục kiểm toán đã thực hiện trên cơ sở tuân thủ các quy định của chuẩn mực kiểm toán quốc tế và đánh giá của kiểm toán viên về sự đầy đủ, thích hợp của các bằng chứng kiểm toán đã thu thập được cũng như sự cần thiết phải thực hiện thêm các thủ tục khác trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc kiểm toán nhằm đạt được các mục tiêu mà chuẩn mực kiểm toán quốc tế quy định. Theo đó, các trường hợp có thể làm tăng khả năng không đạt được mục tiêu bao gồm:

· Không cho phép kiểm toán viên tuân thủ các quy định có liên quan của chuẩn mực kiểm toán;

· Kiểm toán viên không thể tiến hành các thủ tục kiểm toán bổ sung hoặc thu thập thêm các bằng chứng kiểm toán mà kiểm toán viên cho là cần thiết từ việc sử dụng các mục tiêu quy định tại đoạn 21, ví dụ do hạn chế về tính sẵn có của các bằng chứng kiểm toán.

A76. Tài liệu, hồ sơ kiểm toán đáp ứng các quy định của Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 230 và các quy định về tài liệu, hồ sơ kiểm toán trong các chuẩn mực kiểm toán liên quan cung cấp bằng chứng làm cơ sở cho kiểm toán viên đưa ra kết luận về việc đạt được mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên. Kiểm toán viên không cần phải lưu riêng các tài liệu đối với mỗi mục tiêu đã đạt được (ví dụ, theo danh mục). Tuy nhiên, việc lưu lại các tài liệu chứng minh cho việc không đạt được mục tiêu cụ thể nào đó sẽ giúp kiểm toán viên đánh giá liệu việc đó có ngăn cản việc đạt được mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên hay không.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *