Mục tiêu tổng thể kiểm toán báo cáo tài chính

Kiểm toán báo cáo tài chính

Phạm vi kiểm toán

A1. Ý kiến của kiểm toán viên về báo cáo tài chính đề cập đến việc liệu báo cáo tài chính có được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không. Đó là dạng ý kiến phổ biến đối với tất cả các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính. Ý kiến của kiểm toán viên không đưa ra sự đảm bảo về khả năng tồn tại trong tương lai của đơn vị được kiểm toán, hay hiệu quả hoặc hiệu suất trong công tác điều hành của Ban Giám đốc đơn vị. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, pháp luật và các quy định có liên quan có thể yêu cầu kiểm toán viên đưa ra ý kiến về một số vấn đề khác, như hiệu quả của kiểm soát nội bộ hay sự phù hợp giữa báo cáo của Ban Giám đốc với báo cáo tài chính. Do chuẩn mực kiểm toán quốc tế chỉ quy định và hướng dẫn đối với các vấn đề liên quan tới việc đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính, kiểm toán viên có thể phải thực hiện thêm các công việc bổ sung nếu kiểm toán viên có thêm các trách nhiệm đưa ra ý kiến về các vấn đề khác ngoài phạm vi báo cáo tài chính.

Lập báo cáo tài chính

A2. Pháp luật và các quy định có thể quy định về các trách nhiệm của Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Tuy nhiên, mức độ chi tiết hoặc hình thức thể hiện của các quy định này có thể khác nhau tùy theo từng nước. Trong mọi trường hợp, cuộc kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế được tiến hành trên cơ sở là Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị đã hiểu và thừa nhận rằng họ có những trách nhiệm:

(a) Đối với việc lập báo cáo tài chính phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, bao gồm cả sự trình bày hợp lý;

(b) Đối với kiểm soát nội bộ mà Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị xác định là cần thiết để đảm bảo cho việc lập báo cáo tài chính không còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn;

(c) Trong việc cung cấp cho kiểm toán viên:

(i) Quyền tiếp cận với tất cả thông tin mà Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị nhận thấy là có liên quan đến quá trình lập báo cáo tài chính như chứng từ kế toán, sổ kế toán và tài liệu khác;

(ii) Các thông tin bổ sung mà kiểm toán viên yêu cầu từ Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị để phục vụ cho mục đích của cuộc kiểm toán;

(iii) Quyền tiếp cận không hạn chế đối với nhân sự của đơn vị được kiểm toán mà kiểm toán viên xác định là cần thiết để thu thập bằng chứng kiểm toán.

A3. Các yêu cầu đối với Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị trong quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính, gồm:

· Xác định khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, theo yêu cầu của pháp luật và các quy định liên quan (nếu có);

· Lập và trình bày báo cáo tài chính phù hợp với khuôn khổ đó;

· Trình bày về khuôn khổ đó một cách thích hợp trong báo cáo tài chính.

Quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính đòi hỏi Ban Giám đốc phải sử dụng những xét đoán khi lập các ước tính kế toán phù hợp với từng tình huống, cũng như phải lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán phù hợp. Những xét đoán này phải được thực hiện trong phạm vi của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.

A4. Báo cáo tài chính có thể được lập theo một khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính nhằm đáp ứng:

· Nhu cầu chung về thông tin tài chính của số đông người sử dụng báo cáo tài chính (còn gọi là “Báo cáo tài chính cho mục đích chung”); hoặc

· Nhu cầu về thông tin tài chính cho một số đối tượng sử dụng báo cáo tài chính cụ thể (còn gọi là “Báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt”).

A5. Khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính thường bao gồm các chuẩn mực về lập và trình bày báo cáo tài chính do một tổ chức có chức năng soạn thảo chuẩn mực được công nhận, hoặc pháp luật và các quy định, hoặc trong một số trường hợp bao gồm cả hai. Các nguồn khác có thể cung cấp hướng dẫn áp dụng khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng. Trong một số trường hợp, khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính có thể bao gồm cả các nguồn khác đó, hoặc có thể chỉ bao gồm các nguồn khác đó. Các nguồn khác đó có thể bao gồm:

· Môi trường pháp lý và đạo đức, như các luật, các quy định, phán quyết của tòa án, chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp kế toán;

· Các hướng dẫn về chuẩn mực kế toán do các cơ quan, tổ chức có chức năng soạn thảo chuẩn mực hoặc tổ chức nghề nghiệp ban hành;

· Các hướng dẫn xử lý tình huống kế toán cụ thể do các cơ quan, tổ chức có chức năng soạn thảo chuẩn mực hoặc tổ chức nghề nghiệp ban hành;

· Các thông lệ kế toán có tính phổ biến và đặc thù được thừa nhận rộng rãi;

· Sách báo kế toán.

Khi có mâu thuẫn giữa khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính với các tài liệu hướng dẫn, hoặc giữa các tài liệu thì tài liệu nào có tính pháp lý cao nhất sẽ được áp dụng.

A6. Khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính xác định rõ hình thức và nội dung của các báo cáo tài chính. Mặc dù có thể không quy định rõ phương pháp hạch toán hay thuyết minh đối với tất cả các giao dịch hoặc sự kiện, khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính thường quy định đầy đủ các nguyên tắc để làm cơ sở cho việc xây dựng và áp dụng các chính sách kế toán một cách nhất quán theo yêu cầu của khuôn khổ đó.

A7. Một số khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính là khuôn khổ về trình bày hợp lý, trong khi một số khác lại là khuôn khổ về tuân thủ. Các khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính bao gồm chủ yếu là các chuẩn mực về lập và trình bày báo cáo tài chính do cơ quan, tổ chức có chức năng ban hành để sử dụng cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung thường được coi là khuôn khổ về trình bày hợp lý, ví dụ, các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) do Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) ban hành.

A8. Khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng cũng quy định các báo cáo trong một bộ báo cáo tài chính đầy đủ. Đối với nhiều khuôn khổ, báo cáo tài chính phải cung cấp được các thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ của đơn vị. Theo đó, một bộ báo cáo tài chính đầy đủ thường phải bao gồm: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Bản thuyết minh báo cáo tài chính. Đối với một số khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính khác thì một báo cáo tài chính riêng lẻ và bản thuyết minh kèm theo cũng có thể tạo thành một bộ báo cáo tài chính đầy đủ.

· Ví dụ, Chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS), “Báo cáo tài chính trên cơ sở kế toán tiền mặt” do Ủy ban chuẩn mực kế toán công quốc tế ban hành quy định, báo cáo tài chính cơ bản là báo cáo thu chi tiền mặt nếu một đơn vị công lập báo cáo tài chính theo IPSAS.

· Các ví dụ khác về một báo cáo tài chính riêng lẻ kèm theo bản thuyết minh để tạo thành một bộ báo cáo tài chính đầy đủ:

o Bảng cân đối kế toán;

o Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hoặc Báo cáo tình hình hoạt động;

o Báo cáo vốn chủ sở hữu;

o Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;

o Báo cáo tài sản và nợ phải trả không bao gồm vốn chủ sở hữu;

o Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu;

o Báo cáo thu nhập và chi phí;

o Báo cáo hoạt động theo dòng sản phẩm.

A9. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 210 quy định kiểm toán viên phải xác định xem liệu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính mà đơn vị được kiểm toán áp dụng có thể chấp nhận được hay không.[5] Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 800 quy định các vấn đề cần lưu ý khi báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt.[6]

A10. Điều kiện tiên quyết để kiểm toán viên chấp nhận cuộc kiểm toán là kiểm toán viên cần được Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán cam kết về việc họ hiểu và thừa nhận những trách nhiệm đã hướng dẫn tại đoạn A2 Chuẩn mực này, vì đây là cơ sở quan trọng để tiến hành cuộc kiểm toán.[7]

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công

A11. Các quy định về kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị trong lĩnh vực công có thể nhiều hơn so với các đơn vị khác. Do đó, cơ sở để tiến hành cuộc kiểm toán báo cáo tài chính của một đơn vị trong lĩnh vực công, liên quan đến trách nhiệm của Ban Giám đốc, có thể còn có các trách nhiệm khác như trách nhiệm thực hiện các giao dịch và sự kiện phải tuân theo các quy định của pháp luật và quy định của các cơ quan chức năng khác.[8]

Dạng ý kiến kiểm toán

A12. Ý kiến mà kiểm toán viên đưa ra là báo cáo tài chính có được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không. Dạng ý kiến kiểm toán sẽ phụ thuộc vào khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, pháp luật và các quy định có liên quan. Hầu hết khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính đều có các quy định về trình bày báo cáo tài chính, vì theo các khuôn khổ đó, việc lập báo cáo tài chính theo quy định sẽ bao hàm cả việc trình bày báo cáo tài chính.

A13. Khi khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính là khuôn khổ về trình bày hợp lý (thường áp dụng trong trường hợp báo cáo tài chính cho mục đích chung) thì dạng ý kiến kiểm toán mà chuẩn mực kiểm toán quốc tế yêu cầu là liệu báo cáo tài chính có được trình bày hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, hoặc có phản ánh trung thực và hợp lý hay không. Khi khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính là khuôn khổ về tuân thủ, dạng ý kiến kiểm toán mà chuẩn mực kiểm toán quốc tế yêu cầu là liệu báo cáo tài chính có được lập tuân thủ các quy định, trên các khía cạnh trọng yếu hay không. Trừ khi có quy định khác, các hướng dẫn trong chuẩn mực kiểm toán quốc tế về ý kiến kiểm toán đều áp dụng cho cả hai dạng ý kiến này.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *