Ngày lập báo cáo soát xét

Ngày lập báo cáo soát xét

A138. Ngày lập báo cáo soát xét thông báo cho người sử dụng báo cáo soát xét rằng kiểm toán viên đã xem xét ảnh hưởng của các sự kiện và giao dịch phát sinh mà kiểm toán viên biết được cho tới thời điểm đó.

A139. Kết luận của kiểm toán viên là kết luận về báo cáo tài chính và việc lập và trình bày báo cáo tài chính là trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị được soát xét. Kiểm toán viên không thể kết luận là đã thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp cho đến khi kiểm toán viên đã thu thập được bằng chứng chứng minh rằng tất cả các báo cáo cấu thành bộ báo cáo tài chính, kể cả các thuyết minh liên quan đã được Ban Giám đốc đơn vị lập và chịu trách nhiệm đối với các báo cáo này.

A140. Pháp luật và các quy định có liên quan có thể quy định rõ các cá nhân hay bộ phận (ví dụ: thành viên Hội đồng quản trị) chịu trách nhiệm xác nhận rằng tất cả các báo cáo cấu thành bộ báo cáo tài chính, kể cả các thuyết minh liên quan đã được lập, đồng thời xác định rõ quy trình phê duyệt cần thiết. Trong trường hợp này, kiểm toán viên phải thu thập bằng chứng về việc báo cáo tài chính đã được phê duyệt trước khi đề ngày lập báo cáo soát xét. Tuy nhiên, ở các nước khác, quy trình phê duyệt báo cáo tài chính không được quy định trong pháp luật và các quy định có liên quan. Trong trường hợp này, kiểm toán viên cần xem xét các thủ tục mà đơn vị áp dụng trong việc lập và phê duyệt các báo cáo tài chính cùng với việc xem xét cơ cấu tổ chức quản lý và quản trị của đơn vị để xác định các cá nhân hoặc bộ phận có thẩm quyền xác nhận rằng tất cả các báo cáo cấu thành bộ báo cáo tài chính, kể cả các thuyết minh liên quan đã được lập. Trong một số trường hợp, pháp luật và các quy định có liên quan xác định thời điểm trong quy trình lập báo cáo tài chính mà cuộc soát xét dự kiến được hoàn thành.

A141. Đối với các doanh nghiệp có quy định báo cáo tài chính phải được các cổ đông phê duyệt lần cuối trước khi phát hành rộng rãi cho công chúng. Trường hợp này, sự phê duyệt cuối cùng của các cổ đông không phải là một thủ tục cần thiết để kiểm toán viên đưa ra kết luận về báo cáo tài chính. Ngày phê duyệt báo cáo tài chính theo Chuẩn mực này là ngày mà cấp có thẩm quyền của đơn vị xác định rằng tất cả các báo cáo cấu thành bộ báo cáo tài chính, kể cả các thuyết minh liên quan đã được lập hoặc ngày mà cấp có thẩm quyền của đơn vị xác nhận trách nhiệm của họ đối với các báo cáo tài chính này, tùy theo ngày nào diễn ra sớm hơn.

Báo cáo soát xét theo pháp luật và các quy định

A142. Sự nhất quán trong báo cáo soát xét khi hợp đồng soát xét được thực hiện theo Chuẩn mực này sẽ nâng cao độ tin cậy của báo cáo soát xét bằng việc chỉ rõ rằng hợp đồng soát xét báo cáo tài chính đã được tiến hành theo Chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ soát xét số 2400. Báo cáo soát xét có thể tham chiếu đến Chuẩn mực này nếu sự khác biệt giữa yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan với Chuẩn mực này chỉ liên quan đến cách trình bày hoặc ngôn từ trong báo cáo soát xét và báo cáo soát xét bao gồm tất cả các nội dung tối thiểu theo quy định tại đoạn 86 Chuẩn mực này. Theo đó, trong trường hợp như vậy, kiểm toán viên được coi là đã tuân thủ Chuẩn mực này, cho dù cách trình bày và ngôn từ trong báo cáo soát xét tuân theo yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan. Nếu yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan không mâu thuẫn với Chuẩn mực này, việc áp dụng cách trình bày và ngôn từ theo Chuẩn mực này giúp người sử dụng báo cáo soát xét dễ dàng nhận ra rằng báo cáo soát xét được thực hiện theo Chuẩn mực này. Trường hợp pháp luật và các quy định có liên quan yêu cầu về cách trình bày hoặc ngôn từ trong báo cáo soát xét khác đáng kể so với yêu cầu của Chuẩn mực này thì điều này phải được nêu rõ trong việc chấp nhận và duy trì quan hệ khách hàng trong Chuẩn mực này.

Báo cáo soát xét cho các hợp đồng soát xét được thực hiện theo Chuẩn mực Việt Nam về hơp đồng dịch vụ soát xét số 2400 và các chuẩn mực khác (hướng dẫn đoạn 86(f) Chuẩn mực này)

A143. Khi kiểm toán viên tuân thủ Chuẩn mực này đồng thời cũng tuân thủ các chuẩn mực khác thì kiểm toán viên cần trình bày rõ trong báo cáo soát xét là cuộc soát xét đã được tiến hành theo cả Chuẩn mực này và chuẩn mực khác có liên quan đến dịch vụ soát xét báo cáo tài chính. Tuy nhiên, việc tham chiếu đến cả Chuẩn mực này và chuẩn mực khác có liên quan là không phù hợp nếu có mâu thuẫn giữa các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này với các quy định và hướng dẫn của các chuẩn mực khác có liên quan sẽ dẫn tới việc kiểm toán viên đưa ra kết luận khác nhau hoặc không trình bày đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” theo yêu cầu của Chuẩn mực này trong những trường hợp cụ thể. Trường hợp này, báo cáo soát xét chỉ được tham chiếu đến Chuẩn mực này hoặc Chuẩn mực khác có liên quan mà kiểm toán viên tuân thủ trong quá trình lập báo cáo soát xét.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *