Thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế

Thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 125 của Luật này.

2. Việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề quy định tại điểm g khoản 1 Điều 125 của Luật này được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế

1. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Căn cứ ra quyết định;
c) Người ra quyết định;
d) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế;
đ) Lý do cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế;
e) Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế;
g) Thời gian, địa điểm thực hiện;
h) Cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

2. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế phải được gửi cho đối tượng bị cưỡng chế, cơ quan quản lý thuế cấp trên trực tiếp và các tổ chức, cá nhân có liên quan; trường hợp đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực quản lý thuế thì quyết định cưỡng chế được gửi bằng phương thức điện tử và cập nhật trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế; trường hợp cưỡng chế bằng biện pháp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 125 của Luật này thì quyết định cưỡng chế phải được gửi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi thực hiện.

3. Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày ban hành quyết định; trường hợp cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thì có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.

Trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế

1. Người ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đối tượng thuộc diện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

3. Lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, hỗ trợ cơ quan quản lý thuế trong quá trình cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế khi có yêu cầu của người ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *