Thiết kế và thực hiện các thủ tục soát xét

Thiết kế và thực hiện các thủ tục soát xét

A79. Việc xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục soát xét nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp làm cơ sở cho kết luận đối với tổng thể báo cáo tài chính bị chi phối bởi:

(a) Các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này;

(b) Yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan, kể cả các yêu cầu về báo cáo bổ sung.

A80. Khi thực hiện soát xét báo cáo tài chính của một tập đoàn, nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục soát xét là nhằm đạt được mục tiêu của kiểm toán viên đối với dịch vụ soát xét được nêu trong Chuẩn mực này, nhưng trên cơ sở báo cáo tài chính tập đoàn.

A81. Các yêu cầu của Chuẩn mực này liên quan tới việc thiết kế và thực hiện thủ tục phỏng vấn, phân tích và các thủ tục nhằm xử lý các hoàn cảnh cụ thể là để giúp kiểm toán viên đạt được các mục tiêu đã nêu trong Chuẩn mực này. Hoàn cảnh của hợp đồng soát xét rất đa dạng, theo đó, trong một số trường hợp, kiểm toán viên có thể phải xem xét tính hiệu quả và hiệu lực của việc thiết kế và thực hiện các thủ tục khác. Ví dụ, khi tìm hiểu về đơn vị được soát xét, kiểm toán viên phát hiện ra một hợp đồng kinh tế quan trọng thì kiểm toán viên có thể lựa chọn hợp đồng đó để xem xét.

A82. Thực tế là kiểm toán viên có thể nhận thấy cần thiết phải thực hiện các thủ tục khác và điều đó không làm thay đổi mục tiêu thu thập sự đảm bảo có giới hạn đối với tổng thể báo cáo tài chính của kiểm toán viên.

Các giao dịch lớn và bất thường

A83. Kiểm toán viên có thể cân nhắc việc soát xét sổ, tài liệu kế toán của đơn vị nhằm xác định các giao dịch lớn và bất thường cần phải chú ý đặc biệt trong quá trình soát xét.

Phỏng vấn (hướng dẫn đoạn 46 – 48 Chuẩn mực này)

A84. Trong quá trình soát xét, phỏng vấn bao gồm việc thu thập thông tin từ Ban Giám đốc và các đối tượng khác trong đơn vị, nếu kiểm toán viên thấy phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng. Kiểm toán viên cũng có thể mở rộng phạm vi phỏng vấn để thu thập các dữ liệu phi tài chính, nếu thích hợp. Việc đánh giá câu trả lời của Ban Giám đốc là cần thiết trong quá trình phỏng vấn.

A85. Tùy thuộc vào hoàn cảnh từng hợp đồng soát xét, kiểm toán viên có thể phỏng vấn về các nội dung sau:

(1) Các quyết định được thực hiện tại cuộc họp cổ đông, Ban quản trị, cũng như văn bản tại các cuộc họp khác có ảnh hưởng đến thông tin và thuyết minh trên báo cáo tài chính, nếu có;

(2) Các trao đổi mà đơn vị đã nhận được hoặc sẽ nhận được từ cơ quan chức năng;

(3) Vấn đề phát sinh trong quá trình áp dụng thủ tục khác. Khi thực hiện các cuộc phỏng vấn tiếp theo liên quan đến các điểm không nhất quán đã xác định, kiểm toán viên cần xem xét tính hợp lý và nhất quán giữa phản hồi của Ban Giám đốc so với kết quả thu được từ các thủ tục khác cũng như các kiến thức, hiểu biết của kiểm toán viên về đơn vị và ngành nghề kinh doanh của đơn vị.

A86. Bằng chứng thu thập được từ quá trình phỏng vấn thường là nguồn bằng chứng quan trọng thể hiện ý định của Ban Giám đốc nhưng thông tin có sẵn để chứng minh cho ý định đó thường bị hạn chế. Trường hợp này, kiểm toán viên cần tìm hiểu về việc Ban Giám đốc đã thực hiện như thế nào những ý định của họ trong quá khứ, lý do Ban Giám đốc lựa chọn và thực hiện một hành động cụ thể, và khả năng Ban Giám đốc theo đuổi hành động cụ thể đó để cung cấp các thông tin chứng thực cho bằng chứng thu thập được thông qua phỏng vấn. Việc duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp khi đánh giá các phản hồi từ Ban Giám đốc là rất quan trọng để giúp kiểm toán viên đánh giá xem liệu có vấn đề gì khiến kiểm toán viên cho rằng báo cáo tài chính có thể có sai sót trọng yếu hay không.

A87. Thực hiện thủ tục phỏng vấn giúp kiểm toán viên thu thập và cập nhật hiểu biết về đơn vị và môi trường kinh doanh của đơn vị, cũng như giúp xác định những khu vực dễ sai sót trọng yếu trên các báo cáo tài chính.

Phỏng vấn về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị

A88. Trong các đơn vị nhỏ, Ban Giám đốc có thể không đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị mà thường dựa vào hiểu biết về hoạt động kinh doanh và các triển vọng dự kiến trong tương lai của đơn vị. Trường hợp này, kiểm toán viên cần trao đổi với Ban Giám đốc về các triển vọng trung và dài hạn cũng như tình tình tài chính của đơn vị, bao gồm việc xem xét liệu các quan điểm của Ban Giám đốc có liên quan đến khả năng hoạt động liên tục của đơn vị có nhất quán với hiểu biết của kiểm toán viên về đơn vị hay không.

Thủ tục phân tích (hướng dẫn đoạn 46 – 47 và đoạn 49 Chuẩn mực này)

A89. Khi soát xét báo cáo tài chính, kiểm toán viên thực hiện thủ tục phân tích nhằm:

(1) Thu thập và cập nhật hiểu biết về đơn vị và môi trường của đơn vị, từ đó giúp kiểm toán viên xác định các khu vực dễ phát sinh sai sót trọng yếu trên báo cáo tài chính;

(2) Xác định tính không nhất quán và các chênh lệch về thông tin trên báo cáo tài chính so với xu hướng, giá trị hoặc thông lệ, như mức độ phù hợp của báo cáo tài chính với các dữ liệu quan trọng, kể cả các chỉ số đánh giá hoạt động;

(3) Cung cấp bằng chứng hỗ trợ cho thủ tục phân tích hoặc phỏng vấn khác đã được thực hiện;

(4) Đóng vai trò là thủ tục bổ sung khi kiểm toán viên nhận thấy có vấn đề khiến kiểm toán viên cho rằng báo cáo tài chính có thể có sai sót trọng yếu. Ví dụ, phân tích mối tương quan giữa doanh thu và chi phí của các bộ phận tạo ra lợi nhuận, của các chi nhánh hoặc bộ phận khác trong đơn vị nhằm cung cấp bằng chứng về các thông tin tài chính trong các khoản mục hoặc thuyết minh trên báo cáo tài chính.

A90. Kiểm toán viên có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để thực hiện thủ tục phân tích. Các phương pháp này có thể là việc so sánh đơn giản đến các phân tích phức tạp phải sử dụng đến kỹ thuật thống kê. Kiểm toán viên có thể áp dụng thủ tục phân tích để đánh giá các thông tin tài chính trên báo cáo tài chính thông qua việc phân tích mối quan hệ hợp lý giữa dữ liệu tài chính và phi tài chính, cũng như đánh giá về sự nhất quán với các giá trị dự kiến, nhằm phát hiện các mối quan hệ, khoản mục bất thường hoặc có chênh lệch với xu hướng hoặc giá trị dự kiến. Kiểm toán viên có thể so sánh các số liệu, tỷ suất đã ghi nhận với giá trị dự kiến mà kiểm toán viên xây dựng từ các nguồn thông tin thu thập được. Tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng cuộc soát xét, ví dụ nguồn thông tin mà kiểm toán viên thường dùng để xây dựng giá trị dự kiến là:

(1) Thông tin tài chính của các kỳ trước tương ứng, trong đó có xem xét những thay đổi đã được biết đến;

(2) Thông tin về kết quả hoạt động và kết quả tài chính được kỳ vọng như ngân sách hay dự toán, bao gồm các suy đoán từ dữ liệu giữa niên độ hoặc dữ liệu hàng năm;

(3) Mối quan hệ giữa các thông tin tài chính trong kỳ;

(4) Các thông tin của ngành nghề đơn vị hoạt động, như các thông tin về tỷ lệ lãi gộp, hay so sánh tỷ suất doanh thu bán hàng trên các khoản phải thu của đơn vị được soát xét với số liệu trung bình của ngành, hoặc với các đơn vị khác trong cùng ngành có cùng quy mô hoạt động;

(5) Mối quan hệ giữa thông tin tài chính và thông tin phi tài chính có liên quan như chi phí tiền lương với số lượng nhân viên.

A91. Kiểm toán viên, dựa vào hiểu biết về đơn vị và môi trường của đơn vị, phải xem xét liệu dữ liệu sử dụng cho thủ tục phân tích có thỏa mãn mục đích ban đầu hay không, và việc xem xét dữ liệu này chịu ảnh hưởng bởi nguồn gốc, nội dung của dữ liệu và hoàn cảnh mà dữ liệu được thu thập. Kiểm toán viên cần xem xét những vấn đề sau đây:

(1) Nguồn gốc của thông tin thu thập được. Ví dụ, thông tin có thể đáng tin cậy hơn nếu được thu thập từ các nguồn độc lập bên ngoài đơn vị;

(2) Khả năng so sánh của thông tin thu thập được. Ví dụ, dữ liệu chung của ngành có thể cần được bổ sung hoặc điều chỉnh để so sánh được với dữ liệu của một đơn vị sản xuất và bán các sản phẩm đặc thù;

(3) Nội dung và sự phù hợp của thông tin thu thập được. Ví dụ, liệu dự toán của đơn vị có được lập dựa trên kết quả ước tính thay vì được lập trên cơ sở các mục tiêu phải đạt được hay không;

(4) Kiến thức, chuyên môn về lập thông tin và các kiểm soát đối với việc tạo lập thông tin được thiết kế để đảm bảo tính đầy đủ, tính chính xác và tính hợp lệ của thông tin. Ví dụ, các kiểm soát đối với việc lập, soát xét và duy trì thông tin dự toán.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *