Thực hiện cuộc kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế

Thực hiện cuộc kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế

Nội dung của các chuẩn mực kiểm toán

A53. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế đặt ra các tiêu chuẩn cho công việc của kiểm toán viên để đạt được mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế quy định và hướng dẫn các trách nhiệm chung của kiểm toán viên, cũng như những vấn đề mà kiểm toán viên cần quan tâm khi thực hiện các trách nhiệm của mình trong từng hoàn cảnh cụ thể.

A54. Phạm vi áp dụng, ngày có hiệu lực và giới hạn áp dụng của từng chuẩn mực kiểm toán quốc tế được quy định và hướng dẫn trong từng chuẩn mực. Trừ khi chuẩn mực kiểm toán quốc tế có quy định khác, kiểm toán viên được phép áp dụng một chuẩn mực kiểm toán quốc tế trước ngày hiệu lực được quy định.

A55. Khi thực hiện cuộc kiểm toán, kiểm toán viên có thể phải tuân thủ các yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan ngoài quy định của chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế có hiệu lực không cao hơn pháp luật và các quy định có liên quan đến cuộc kiểm toán báo cáo tài chính. Trong trường hợp pháp luật và các quy định có những yêu cầu khác với chuẩn mực kiểm toán quốc tế, một cuộc kiểm toán được thực hiện chỉ tuân thủ pháp luật và các quy định sẽ không đương nhiên tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán.

A56. Kiểm toán viên có thể tiến hành cuộc kiểm toán đồng thời theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế và các chuẩn mực kiểm toán của quốc gia. Trong trường hợp như vậy, ngoài việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán quốc tế có liên quan đến cuộc kiểm toán, kiểm toán viên cần thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán của quốc gia đó.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công

A57. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế cũng có thể được áp dụng đối với cuộc kiểm toán đơn vị trong lĩnh vực công. Trong trường hợp này, trách nhiệm của kiểm toán viên có thể bị ảnh hưởng bởi các quy định của Kiểm toán Nhà nước, yêu cầu của pháp luật, các quy định của cơ quan chức năng đối với đơn vị trong lĩnh vực công (như hướng dẫn của các Bộ, chính sách của chính phủ, hoặc thông tư hướng dẫn), tạo ra phạm vi kiểm toán rộng hơn so với cuộc kiểm toán báo cáo tài chính theo quy định của chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế không quy định và hướng dẫn đối với các trách nhiệm bổ sung này. Các trách nhiệm này có thể được quy định trong chuẩn mực kiểm toán của Tổ chức quốc tế của các cơ quan kiểm toán tối cao hoặc tổ chức soạn thảo chuẩn mực quốc gia, hoặc trong hướng dẫn của cơ quan kiểm toán nhà nước.

Kết cấu của chuẩn mực kiểm toán

A58. Ngoài phần mục tiêu và yêu cầu (phần yêu cầu đưa ra các quy định “phải” thực hiện), một chuẩn mực kiểm toán quốc tế đưa ra các hướng dẫn trong phần hướng dẫn áp dụng. Có thể có thêm phần giới thiệu về bối cảnh liên quan để giúp hiểu đúng về chuẩn mực và các thuật ngữ. Do đó, toàn bộ nội dung chính của một chuẩn mực kiểm toán giúp người đọc hiểu các mục tiêu mà chuẩn mực đưa ra và cách thức thực hiện các yêu cầu của chuẩn mực.

A59. Khi cần thiết, phần hướng dẫn áp dụng cũng đưa ra những diễn giải cụ thể hơn về các yêu cầu của chuẩn mực và hướng dẫn cách thực hiện các yêu cầu đó, cụ thể như sau:

· Diễn giải rõ ràng, chi tiết hơn ý nghĩa của mỗi yêu cầu hoặc vấn đề mà yêu cầu đó hướng tới;

· Đưa ra các ví dụ về các thủ tục kiểm toán phù hợp trong từng tình huống.

Hướng dẫn nói trên không phải là bắt buộc hoàn toàn mà chỉ giúp cho việc lựa chọn cách thực hiện các yêu cầu của một chuẩn mực kiểm toán. Phần hướng dẫn áp dụng cũng đưa ra những thông tin cơ sở cho các vấn đề đã quy định trong phần nội dung của chuẩn mực kiểm toán.

A60. Các phụ lục là một bộ phận của phần hướng dẫn áp dụng. Mục đích và tác dụng của mỗi phụ lục được giải thích trong phần nội dung chuẩn mực hoặc trong tiêu đề và phần giới thiệu của phụ lục đó.

A61. Phần giới thiệu có thể bao gồm các vấn đề như giải thích về:

· Mục tiêu và phạm vi áp dụng của một chuẩn mực kiểm toán quốc tế, bao gồm cả mối liên hệ giữa chuẩn mực kiểm toán quốc tế này với các chuẩn mực kiểm toán khác quốc tế;

· Chủ đề của chuẩn mực kiểm toán;

· Trách nhiệm của kiểm toán viên và các đối tượng khác có liên quan đến chủ đề của chuẩn mực kiểm toán;

· Hoàn cảnh xây dựng chuẩn mực kiểm toán.

A62. Một chuẩn mực kiểm toán quốc tế có thể có phần giải thích chi tiết về ý nghĩa của một số thuật ngữ khi sử dụng trong các chuẩn mực kiểm toán, được đặt trong một phần riêng với tiêu đề là “Giải thích thuật ngữ”. Phần này giúp đảm bảo tính nhất quán khi áp dụng và diễn giải các chuẩn mực kiểm toán, không thay thế cho thuật ngữ được xây dựng vì các mục đích khác, như các thuật ngữ trong văn bản pháp luật khác. Các thuật ngữ được giải thích trong từng chuẩn mực kiểm toán sẽ có cùng ý nghĩa khi nhắc đến ở các chuẩn mực kiểm toán khác, trừ khi có lưu ý khác. Danh sách các thuật ngữ liên quan đến chuẩn mực kiểm toán quốc tế được tập hợp trong phần cuối cuốn sách “Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế” khi phát hành. Danh sách này cũng bao gồm các thuật ngữ khác được sử dụng trong các chuẩn mực kiểm toán quốc tế để giúp việc diễn giải được nhất quán.

A63. Trong một số trường hợp, phần hướng dẫn áp dụng của chuẩn mực kiểm toán còn đưa ra các lưu ý khi kiểm toán đơn vị nhỏ và đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công. Các lưu ý này giúp kiểm toán viên thực hiện các yêu cầu của một chuẩn mực kiểm toán nhất định trong cuộc kiểm toán tại các đơn vị đó, nhưng không giới hạn hay làm giảm trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc áp dụng và tuân thủ yêu cầu của các chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ

A64. Để xác định các vấn đề bổ sung cần lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ, cần hiểu “đơn vị nhỏ” là đơn vị có những đặc điểm sau:

(a) … Quyền sở hữu và quyền quản lý tập trung vào một số ít người (thường là một người – có thể là một người hoặc một doanh nghiệp khác sở hữu đơn vị với điều kiện chủ sở hữu có các đặc điểm định tính phù hợp);

(b) … Có một hoặc một số đặc điểm sau đây:

(i) Các giao dịch rõ ràng hoặc không phức tạp;

(ii) Cách ghi chép, lưu trữ tài liệu kế toán đơn giản;

(iii) Có ít hoạt động sản xuất, kinh doanh: chỉ sản xuất hoặc kinh doanh một số loại sản phẩm, hàng hóa;

(iv) Có ít kiểm soát nội bộ;

(v) Có ít cấp độ quản lý mà mỗi cấp có trách nhiệm kiểm soát rộng;

(vi) Có ít nhân sự và thường phải kiêm nhiệm.

Những đặc điểm nêu trên chưa phải là tất cả và cũng không phải chỉ là những đặc điểm riêng có của các đơn vị nhỏ. Các đơn vị nhỏ không nhất thiết phải có tất cả các đặc điểm nêu trên.

A65. Các chuẩn mực kiểm toán đưa ra các lưu ý khi kiểm toán đơn vị nhỏ với chủ ý là áp dụng cho các tổ chức không niêm yết. Tuy nhiên, một số lưu ý cũng có thể vận dụng khi kiểm toán các tổ chức niêm yết nhỏ.

A66. Các chuẩn mực kiểm toán có sử dụng thuật ngữ “Chủ sở hữu đồng thời là Giám đốc” trong trường hợp chủ sở hữu của một đơn vị nhỏ đồng thời chịu trách nhiệm điều hành hoạt động hàng ngày của đơn vị.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *