Xác định dạng ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần

Xác định dạng ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần

Ý kiến kiểm toán ngoại trừ

7. Kiểm toán viên phải trình bày “ý kiến kiểm toán ngoại trừ” khi:

(a) Dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp đã thu thập được, kiểm toán viên kết luận là các sai sót, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với báo cáo tài chính; hoặc

(b) Kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán, nhưng kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện, nếu có, có thể trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với báo cáo tài chính.

Ý kiến kiểm toán trái ngược

8. Kiểm toán viên phải trình bày “ý kiến kiểm toán trái ngược” khi dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp đã thu thập được, kiểm toán viên kết luận là các sai sót, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu và lan tỏa đối với báo cáo tài chính.

Từ chối đưa ra ý kiến

9. Kiểm toán viên phải từ chối đưa ra ý kiến khi kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán và kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện, nếu có), có thể là trọng yếu và lan tỏa đối với báo cáo tài chính.

10. Trong một số rất ít trường hợp có nhiều yếu tố không chắc chắn, kiểm toán viên phải từ chối đưa ra ý kiến khi mặc dù đã thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến từng yếu tố không chắc chắn riêng biệt nhưng kiểm toán viên vẫn kết luận rằng không thể đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính do những ảnh hưởng tương tác có thể có của những yếu tố không chắc chắn và những ảnh hưởng lũy kế của những yếu tố này đến báo cáo tài chính.

Hậu quả của việc không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp bởi những hạn chế do Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán áp đặt sau khi kiểm toán viên đã chấp nhận hợp đồng kiểm toán

11. Sau khi đã chấp nhận hợp đồng kiểm toán, nếu kiểm toán viên nhận thấy Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán áp đặt giới hạn phạm vi kiểm toán khiến cho kiểm toán viên thấy cần phải đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ hoặc từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải đề nghị Ban Giám đốc đơn vị xóa bỏ các giới hạn đó.

12. Nếu Ban Giám đốc đơn vị từ chối xóa bỏ các giới hạn đã đề cập trong đoạn 11 nêu trên, kiểm toán viên phải trao đổi vấn đề này với Ban quản trị đơn vị, trừ khi tất cả các thành viên Ban quản trị đều là thành viên Ban Giám đốc đơn vị[2], và xác định xem liệu có thể thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp hay không.

13. Nếu kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, kiểm toán viên phải xác định ảnh hưởng như sau:

(a) Nếu kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện, nếu có, có thể là trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ; hoặc

(b) Nếu kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện, nếu có, có thể là trọng yếu và lan tỏa đối với báo cáo tài chính đến mức việc đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ là chưa đủ để thể hiện mức độ nghiêm trọng của tình huống thì kiểm toán viên phải:

(i) Rút khỏi cuộc kiểm toán, nếu có thể và phù hợp với pháp luật và các quy định (Tham chiếu: Đoạn A13-A14); hoặc

(ii) Từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính, nếu kiểm toán viên không thể hoặc pháp luật và các quy định không cho phép rút khỏi cuộc kiểm toán trước khi phát hành báo cáo kiểm toán.

14. Nếu kiểm toán viên rút khỏi cuộc kiểm toán như quy định tại đoạn 13(b)(i) nêu trên thì trước đó, kiểm toán viên phải trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về tất cả những vấn đề liên quan đến các sai sót đã phát hiện trong quá trình kiểm toán mà có thể dẫn đến việc đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần (Tham chiếu: Đoạn A15).

Những vấn đề khác cần xem xét liên quan đến ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến

15. Khi kiểm toán viên thấy cần đưa ra ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến về tổng thể báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán không được trình bày ý kiến kiểm toán dạng chấp nhận toàn phần đối với một báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc đối với một hoặc một số yếu tố, tài khoản, khoản mục cụ thể của một báo cáo tài chính được lập theo cùng khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng cho tổng thể báo cáo tài chính. Trong những trường hợp như vậy, việc đưa ra ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần trong cùng một báo cáo kiểm toán[3] sẽ mâu thuẫn với ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến của kiểm toán viên đối với tổng thể báo cáo tài chính (Tham chiếu: Đoạn A16).

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *