Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu

Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu

25. Để làm cơ sở cho việc thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo, kiểm toán viên phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở các cấp độ sau:

(a) Cấp độ báo cáo tài chính (xem hướng dẫn tại đoạn A105 – A108 Chuẩn mực này);

(b) Cấp độ cơ sở dẫn liệu của các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh (xem hướng dẫn tại đoạn A109 – A113 Chuẩn mực này).

26. Để đạt được yêu cầu tại đoạn 25 Chuẩn mực này, kiểm toán viên phải:

(a) Xác định rủi ro thông qua quá trình tìm hiểu về đơn vị và môi trường của đơn vị, bao gồm tìm hiểu các kiểm soát phù hợp liên quan đến rủi ro và xác định rủi ro thông qua xem xét các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh trong báo cáo tài chính (xem hướng dẫn tại đoạn A114 – A115 Chuẩn mực này);

(b) Đánh giá những rủi ro đã xác định và đánh giá liệu chúng có ảnh hưởng lan tỏa đến tổng thể báo cáo tài chính và ảnh hưởng tiềm tàng đến nhiều cơ sở dẫn liệu hay không;

(c) Liên hệ những rủi ro đã xác định với các sai sót có thể xảy ra ở cấp độ cơ sở dẫn liệu và cân nhắc xem những kiểm soát nào kiểm toán viên dự định kiểm tra (xem hướng dẫn tại đoạn A116 – A118 Chuẩn mực này);

(d) Cân nhắc khả năng xảy ra sai sót, kể cả khả năng xảy ra nhiều sai sót, và liệu sai sót tiềm tàng đó có dẫn đến sai sót trọng yếu hay không.

Rủi ro phải đặc biệt lưu ý khi kiểm toán

27. Khi thực hiện quy trình đánh giá rủi ro quy định tại đoạn 25 Chuẩn mực này, kiểm toán viên phải dựa vào xét đoán chuyên môn để quyết định xem liệu rủi ro đã xác định có phải là rủi ro đáng kể hay không. Khi xét đoán, kiểm toán viên phải loại trừ ảnh hưởng của các kiểm soát đã được xác định liên quan đến rủi ro đó.

28. Khi xét đoán xem rủi ro nào được coi là rủi ro đáng kể, kiểm toán viên phải xem xét những nội dung tối thiểu sau:

(a) Rủi ro đó có phải là rủi ro do gian lận hay không;

(b) Rủi ro đó có liên quan tới những thay đổi lớn gần đây trong nền kinh tế, trong lĩnh vực kế toán và các lĩnh vực khác, do đó, cần phải đặc biệt lưu ý hay không;

(c) Mức độ phức tạp của các giao dịch;

(d) Rủi ro đó có gắn liền với các giao dịch quan trọng với các bên liên quan hay không;

(e) Mức độ chủ quan trong việc định lượng thông tin tài chính liên quan tới rủi ro, đặc biệt là những thông tin mà việc định lượng còn yếu tố chưa chắc chắn;

(f) Rủi ro đó có liên quan tới những giao dịch lớn nằm ngoài phạm vi hoạt động kinh doanh bình thường của đơn vị, hoặc có liên quan tới giao dịch có dấu hiệu bất thường hay không (xem hướng dẫn tại đoạn A119 – A123 Chuẩn mực này).

29. Khi đã xác định có rủi ro đáng kể, kiểm toán viên phải tìm hiểu các kiểm soát của đơn vị, kể cả các hoạt động kiểm soát, có liên quan đến rủi ro đó (xem hướng dẫn tại đoạn A124 – A126 Chuẩn mực này).

Những rủi ro mà nếu chỉ thực hiện các thử nghiệm cơ bản sẽ không cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp

30. Đối với một số loại rủi ro, kiểm toán viên có thể xét đoán rằng nếu chỉ thực hiện các thử nghiệm cơ bản sẽ không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp. Những rủi ro này liên quan tới việc ghi chép không chính xác hoặc không đầy đủ các nhóm giao dịch và số dư tài khoản có tính chất thường xuyên và quan trọng mà thường được xử lý tự động, có ít hoặc không có sự can thiệp thủ công. Trong trường hợp này, các kiểm soát của đơn vị đối với các rủi ro này được coi là có liên quan đến cuộc kiểm toán và kiểm toán viên phải tìm hiểu về các kiểm soát đó (xem hướng dẫn tại đoạn A127 – A129 Chuẩn mực này).

Xem xét lại đánh giá rủi ro

31. Đánh giá của kiểm toán viên về rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu có thể thay đổi trong quá trình kiểm toán khi kiểm toán viên thu thập được thêm bằng chứng kiểm toán. Trường hợp các bằng chứng kiểm toán thu thập được từ việc thực hiện thủ tục kiểm toán tiếp theo hoặc các thông tin mới thu thập được không nhất quán với những bằng chứng kiểm toán ban đầu mà kiểm toán viên đã dựa vào đó để đánh giá rủi ro thì kiểm toán viên phải xem xét lại những đánh giá trước đó và từ đó sửa đổi các thủ tục kiểm toán tiếp theo đã đề ra (xem hướng dẫn tại đoạn A130 Chuẩn mực này).

Tài liệu, hồ sơ kiểm toán

32. Kiểm toán viên phải lưu lại trong hồ sơ kiểm toán (xem đoạn 08 – 11 và A6 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 230):

(a) Những trao đổi giữa các thành viên nhóm kiểm toán theo quy định tại đoạn 10 Chuẩn mực này, và tất cả các quyết định quan trọng đã thống nhất;

(b) Những nội dung chính tìm hiểu được về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị theo quy định tại đoạn 11 Chuẩn mực này và từng thành phần của kiểm soát nội bộ theo quy định tại đoạn 14 – 24 Chuẩn mực này, các nguồn thông tin mà kiểm toán viên đã sử dụng để thu thập các hiểu biết và các thủ tục đánh giá rủi ro đã thực hiện;

(c) Những rủi ro có sai sót trọng yếu đã được xác định và đánh giá ở cấp độ báo cáo tài chính và cấp độ cơ sở dẫn liệu theo quy định tại đoạn 25 Chuẩn mực này;

(d) Những rủi ro đã xác định và các kiểm soát liên quan mà kiểm toán viên đã tìm hiểu, theo quy định tại đoạn 27 – 30 Chuẩn mực này (xem hướng dẫn tại đoạn A131 – A134 Chuẩn mực này).

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *