Báo cáo về phát hiện hoặc nghi ngờ có hành vi không tuân thủ
Báo cáo về phát hiện hoặc nghi ngờ có hành vi không tuân thủ
Báo cáo với Ban quản trị đơn vị về hành vi không tuân thủ
22. Kiểm toán viên phải thông báo với Ban quản trị những vấn đề liên quan đến hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định mà kiểm toán viên nhận thấy trong quá trình kiểm toán, trừ khi các vấn đề đó rõ ràng là không đáng kể. Kiểm toán viên không cần thực hiện điều này nếu toàn bộ thành viên Ban quản trị đều là thành viên Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán, và do đó đã biết được những vấn đề liên quan đến việc phát hiện hoặc nghi ngờ có hành vi không tuân thủ được kiểm toán viên thông báo (theo quy định tại đoạn 13 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 260).
23. Nếu kiểm toán viên đánh giá những hành vi không tuân thủ đã nêu tại đoạn 22 Chuẩn mực này là do cố ý và trọng yếu, kiểm toán viên phải thông báo vấn đề này cho Ban quản trị ngay khi có thể.
24. Nếu kiểm toán viên nghi ngờ rằng Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị có liên quan đến hành vi không tuân thủ, kiểm toán viên phải thông báo vấn đề này cho cấp cao hơn trong đơn vị, như Đại hội đồng cổ đông, Ban kiểm soát. Khi không có cấp cao hơn hoặc nếu kiểm toán viên tin rằng việc thông báo có thể không được giải quyết hoặc không chắc chắn người có thẩm quyền nào nên báo cáo, kiểm toán viên cần cân nhắc sự cần thiết phải tham khảo ý kiến chuyên gia tư vấn pháp luật.
Báo cáo về hành vi không tuân thủ trong báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính
25. Nếu kiểm toán viên kết luận rằng hành vi không tuân thủ có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính nhưng không được phản ánh đúng trong báo cáo tài chính thì theo quy định tại đoạn 07 – 08 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 705, kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến kiểm toán dạng ngoại trừ hoặc ý kiến trái ngược về báo cáo tài chính.
26. Nếu Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị ngăn cản kiểm toán viên thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá xem liệu đã có, hoặc có thể có, hành vi không tuân thủ ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính hay không, kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến kiểm toán dạng ngoại trừ hoặc từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính do hạn chế phạm vi kiểm toán theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 705.
27. Nếu kiểm toán viên không thể xác định liệu có hành vi không tuân thủ xảy ra hay không do hạn chế phạm vi kiểm toán xuất phát từ hoàn cảnh thực tế hay do Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đặt ra, kiểm toán viên phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của vấn đề này đến ý kiến kiểm toán theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 705.
Báo cáo về hành vi không tuân thủ cho cơ quan có thẩm quyền
28. Nếu phát hiện có hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định, kiểm toán viên phải có trách nhiệm báo cáo những hành vi này với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thông báo với đại diện chủ sở hữu của đơn vị được kiểm toán (Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và đại diện chủ sở hữu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật) và các đối tượng bên ngoài đơn vị được kiểm toán (nếu có). Nếu nghi ngờ có hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định, kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung để làm rõ những nghi ngờ này, đồng thời phải xác định xem liệu kiểm toán viên có trách nhiệm báo cáo về các nghi ngờ này với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thông báo với đại diện chủ sở hữu và các đối tượng bên ngoài đơn vị được kiểm toán hay không (xem hướng dẫn tại đoạn A19 – A20 Chuẩn mực này).
Tài liệu, hồ sơ kiểm toán
29. Theo quy định tại đoạn 08 – 11 và hướng dẫn tại đoạn A6 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 230, kiểm toán viên phải lưu vào hồ sơ kiểm toán các tài liệu về những hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định đã được phát hiện hoặc nghi ngờ, cũng như kết quả thảo luận với Ban Giám đốc, Ban quản trị và các bên liên quan ngoài đơn vị được kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A21 Chuẩn mực này).
Mối quan hệ với kiểm toán viên khác
29VN. Trong trường hợp kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán tiền nhiệm rút khỏi hợp đồng kiểm toán khi phát hiện đơn vị được kiểm toán có hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định, nếu kiểm toán viên hiện tại yêu cầu cung cấp thông tin về đơn vị được kiểm toán thì kiểm toán viên tiền nhiệm phải có trách nhiệm:
(a) Nếu đơn vị được kiểm toán cho phép thảo luận về công việc của họ thì kiểm toán viên tiền nhiệm phải đưa ra những thông tin về hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định, lý do chấm dứt hợp đồng và các khuyến nghị (nếu có);
(b) Nếu đơn vị được kiểm toán không cho phép thảo luận về công việc của họ thì kiểm toán viên tiền nhiệm cũng phải thông báo về việc không cho phép này cho kiểm toán viên hiện tại.
Trả lời