Định nghĩa các bên liên quan

Trách nhiệm của kiểm toán viên

Các khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính thiết lập các quy định tối thiểu về các bên liên quan (hướng dẫn đoạn 04 Chuẩn mực này)

A1. Một khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng thiết lập các quy định tối thiểu về bên liên quan là một khuôn khổ định nghĩa về một bên liên quan nhưng hẹp hơn nhiều so với định nghĩa tại đoạn 10(b)(ii) của Chuẩn mực này, làm cho quy định phải thông báo các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan theo khuôn khổ đó sẽ chỉ áp dụng đối với rất ít mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan.

Khuôn khổ về trình bày hợp lý

A2. Khi áp dụng khuôn khổ về trình bày hợp lý (đoạn 13(a) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200), các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan có thể làm cho báo cáo tài chính không được trình bày trung thực và hợp lý, ví dụ thực trạng kinh tế của các mối quan hệ và giao dịch đó không được phản ánh phù hợp trong báo cáo tài chính. Ví dụ báo cáo tài chính không thể đạt được sự trình bày trung thực và hợp lý nếu đơn vị ghi nhận vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh một giao dịch bán tài sản cho một cổ đông nắm quyền kiểm soát với giá bán cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thị trường của tài sản đó, trong khi giao dịch này có thể tạo nên một khoản góp vốn, hoàn vốn hoặc chi trả cổ tức.

Khuôn khổ về tuân thủ

A3. Khi áp dụng khuôn khổ về tuân thủ, việc các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan có làm cho báo cáo tài chính bị gây hiểu sai hay không phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của cuộc kiểm toán. Ví dụ, kể cả khi đơn vị không thuyết minh các giao dịch với các bên liên quan trong báo cáo tài chính là theo quy định của khuôn khổ về tuân thủ, theo pháp luật và các quy định liên quan, thì báo cáo tài chính vẫn có thể bị gây hiểu sai nếu phần lớn doanh thu của đơn vị có nguồn gốc từ các giao dịch với các bên liên quan và thực tế đó không được trình bày trong báo cáo tài chính. Tuy nhiên, theo quy định tại đoạn A12 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700, rất ít khi kiểm toán viên coi báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về tuân thủ là gây hiểu sai nếu kiểm toán viên đã xác định rằng khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính đó là có thể chấp nhận được như quy định tại đoạn 06(a) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 210.

Định nghĩa về các bên liên quan

A4. Nhiều khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo cáo tài chính đã nêu ra các khái niệm về quyền kiểm soát và ảnh hưởng đáng kể. Mặc dù các khuôn khổ này có thể sử dụng các thuật ngữ khác nhau khi đề cập đến các khái niệm này nhưng nhìn chung, có thể định nghĩa như sau:

(a) Kiểm soát: Là quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của một đơn vị nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động của đơn vị đó;

(b) Ảnh hưởng đáng kể (có thể đạt được thông qua hình thức sở hữu cổ phần, quy chế hoặc thoả thuận): Là quyền tham gia vào việc đưa ra quyết định về chính sách tài chính và hoạt động của một đơn vị, nhưng không kiểm soát các chính sách đó.

A5. Sự tồn tại của các mối quan hệ sau đây có thể là dấu hiệu của kiểm soát hoặc ảnh hưởng đáng kể:

(a) Nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp vốn chủ sở hữu hoặc các lợi ích tài chính khác trong đơn vị;

(b) Đơn vị nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp vốn chủ sở hữu hoặc các lợi ích tài chính khác trong các đơn vị khác;

(c) Là thành viên Ban quản trị hoặc thành viên quản lý chủ chốt của đơn vị được kiểm toán (nghĩa là, các thành viên Ban Giám đốc hoặc cấp quản lý phù hợp trong đơn vị được kiểm toán, có quyền và trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và kiểm soát các hoạt động của đơn vị);

(d) Là một thành viên mật thiết trong gia đình của bất kỳ cá nhân nào được nêu trong đoạn (c) ở trên;

(e) Có mối quan hệ kinh doanh quan trọng với bất kỳ cá nhân nào được nêu trong đoạn (c) ở trên.

Các bên liên quan có ảnh hưởng chi phối

A6. Do có khả năng thực hiện quyền kiểm soát hoặc tầm ảnh hưởng đáng kể, các bên liên quan có thể có ảnh hưởng chi phối đối với đơn vị được kiểm toán hoặc đối với Ban Giám đốc đơn vị. Kiểm toán viên cần xem xét hành vi đó khi xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận, như giải thích tại đoạn A29 – A30 Chuẩn mực này.

Đơn vị có mục đích đặc biệt được coi xà bên liên quan

A7. Trong một số trường hợp, đơn vị có mục đích đặc biệt (đoạn A26 – A27 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315 hướng dẫn về đặc điểm của đơn vị có mục đích đặc biệt) có thể là bên liên quan của đơn vị được kiểm toán vì có thể chịu sự kiểm soát của đơn vị được kiểm toán trên thực tế, kể cả khi đơn vị được kiểm toán chỉ sở hữu một phần rất nhỏ hoặc không sở hữu phần vốn nào trong đơn vị có mục đích đặc biệt.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *