Xem xét các đánh giá của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về hoạt động liên tục
Xem xét các đánh giá của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán
Các đánh giá, phân tích hỗ trợ của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán và việc xem xét của kiểm toán viên (hướng dẫn đoạn 12 Chuẩn mực này)
A7. Đánh giá của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị là yếu tố quan trọng để kiểm toán viên xem xét việc sử dụng giả định hoạt động liên tục của Ban Giám đốc.
A8. Kiểm toán viên không có trách nhiệm sửa đổi bổ sung việc Ban Giám đốc chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục phân tích cần thiết. Trong một số trường hợp, kiểm toán viên vẫn có thể đưa ra kết luận về tính hợp lý của việc Ban Giám đốc sử dụng giả định hoạt động liên tục ngay cả khi Ban Giám đốc không thực hiện đầy đủ các phân tích chi tiết để hỗ trợ cho đánh giá của mình. Ví dụ, nếu đơn vị được kiểm toán hoạt động liên tục có lãi và có khả năng tiếp cận dễ dàng với các nguồn lực tài chính, Ban Giám đốc có thể đánh giá mà không cần thực hiện các phân tích chi tiết. Trường hợp này, nếu các thủ tục kiểm toán khác đã cung cấp đủ căn cứ để kiểm toán viên kết luận về tính hợp lý của việc Ban Giám đốc sử dụng giả định hoạt động liên tục để lập và trình bày báo cáo tài chính thì kiểm toán viên có thể xem xét tính thích hợp của các đánh giá của Ban Giám đốc mà không cần thực hiện các thủ tục xem xét chi tiết khác.
A9. Trong các trường hợp khác, để xem xét các đánh giá của Ban Giám đốc về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị theo quy định tại đoạn 12 Chuẩn mực này, kiểm toán viên có thể xem xét các vấn đề như quy trình mà Ban Giám đốc đưa ra đánh giá, các giả định đã được sử dụng làm cơ sở để đánh giá, kế hoạch hành động của Ban Giám đốc trong tương lai và tính khả thi của các kế hoạch đó.
Giai đoạn Ban Giám đốc đánh giá (hướng dẫn đoạn 13 Chuẩn mực này)
A10. Hầu hết các khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính đều yêu cầu việc đánh giá của Ban Giám đốc phải chỉ rõ giai đoạn mà Ban Giám đốc phải xem xét tất cả các thông tin sẵn có. Ví dụ, Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 21 (năm 2003) quy định giai đoạn mà Ban Giám đốc phải xem xét phải tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán.
Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (hướng dẫn đoạn 12 – 13 Chuẩn mực này)
A11. Trong nhiều trường hợp, Ban Giám đốc của các đơn vị nhỏ có thể không lập bản đánh giá chi tiết về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị, thay vào đó Ban Giám đốc có thể dựa vào kiến thức chuyên sâu về công việc kinh doanh và dự báo triển vọng trong tương lai. Tuy nhiên, theo quy định của Chuẩn mực này, kiểm toán viên cần xem xét các đánh giá của Ban Giám đốc về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị. Đối với các đơn vị nhỏ, kiểm toán viên có thể thảo luận với Ban Giám đốc đơn vị về các nguồn tài chính trung và dài hạn của đơn vị, với điều kiện là luận điểm của Ban Giám đốc được chứng thực đầy đủ bởi các bằng chứng bằng văn bản và nhất quán với hiểu biết của kiểm toán viên về đơn vị. Do đó, để thực hiện quy định tại đoạn 13 Chuẩn mực này về việc kiểm toán viên phải yêu cầu Ban Giám đốc mở rộng các đánh giá, kiểm toán viên có thể thảo luận, phỏng vấn và kiểm tra các tài liệu hỗ trợ, ví dụ xác minh hoặc xem xét tính khả thi của các đơn đặt hàng đã nhận để cung cấp hàng trong tương lai.
A12. Đối với các đơn vị nhỏ, sự hỗ trợ liên tục của chủ sở hữu kiêm Giám đốc đơn vị thường có vai trò quan trọng đối với khả năng hoạt động liên tục của đơn vị. Khi một đơn vị nhỏ có nguồn tài trợ vốn chủ yếu từ một khoản vay của chủ sở hữu kiêm Giám đốc, điều quan trọng là nguồn tài trợ này sẽ không bị rút ra. Ví dụ, việc một đơn vị nhỏ có thường xuyên gặp phải các khó khăn về tài chính hay không có thể phụ thuộc vào việc chủ sở hữu kiêm Giám đốc chấp nhận cho đơn vị vay vốn với thứ tự ưu tiên hoàn trả sau các khoản vay ngân hàng và các khoản nợ khác, hay chủ sở hữu kiêm Giám đốc sẽ dùng tài sản cá nhân để bảo lãnh cho các khoản vay của đơn vị. Trong những trường hợp như vậy, kiểm toán viên có thể thu thập các bằng chứng thích hợp bằng các tài liệu về việc cho vay hoặc bảo lãnh của chủ sở hữu kiêm Giám đốc. Khi một đơn vị nhận được các hỗ trợ bổ sung từ chủ sở hữu kiêm Giám đốc, kiểm toán viên có thể cần xem xét khả năng thực hiện các nghĩa vụ trong cam kết hỗ trợ của chủ sở hữu kiêm Giám đốc. Bên cạnh đó, kiểm toán viên có thể yêu cầu xác nhận bằng văn bản về các điều kiện và điều khoản đi kèm với sự hỗ trợ và về chủ ý hoặc cách hiểu của chủ sở hữu kiêm Giám đốc.
Trả lời