Đoạn “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán

Đoạn “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán

Các trường hợp có thể cần trình bày đoạn “Vấn đề khác”

“Vấn đề khác” thích hợp để người sử dụng hiểu rõ hơn về cuộc kiểm toán

A5. Trong rất ít trường hợp, do sự áp đặt của Ban Giám đốc làm giới hạn phạm vi kiểm toán dẫn đến việc kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp và điều này có thể có ảnh hưởng lan tỏa đối với báo cáo tài chính nhưng kiểm toán viên không thể rút khỏi hợp đồng kiểm toán (xem đoạn 13(b)(ii) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 705 về tình huống này). Khi đó, ngoài việc từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán theo quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 705, kiểm toán viên có thể thấy cần phải trình bày đoạn “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán để giải thích lý do của việc kiểm toán viên không thể rút khỏi hợp đồng kiểm toán.

“Vấn đề khác” thích hợp để người sử dụng hiểu rõ hơn về trách nhiệm của kiểm toán viên hoặc về báo cáo kiểm toán

A6. Pháp luật và các quy định có thể yêu cầu hoặc cho phép kiểm toán viên trình bày chi tiết về các vấn đề để giải thích thêm về trách nhiệm của kiểm toán viên trong cuộc kiểm toán báo cáo tài chính hoặc về báo cáo kiểm toán. Khi cần thiết, kiểm toán viên có thể sử dụng tiêu đề phụ để mô tả nội dung của đoạn “Vấn đề khác”.

A7. Đoạn “Vấn đề khác” không được sử dụng để trình bày về các trách nhiệm báo cáo khác trong trường hợp kiểm toán viên có các trách nhiệm báo cáo khác ngoài trách nhiệm đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính theo quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (xem “Các trách nhiệm báo cáo khác” quy định tại đoạn 38 – 39 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700), hoặc khi kiểm toán viên được yêu cầu phải thực hiện và báo cáo về các thủ tục bổ sung cụ thể, hay phải đưa ra ý kiến về các vấn đề cụ thể.

Báo cáo kiểm toán về hai báo cáo tài chính trở lên

A8. Một đơn vị có thể lập và trình bày một báo cáo tài chính theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung (ví dụ, theo chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán (doanh nghiệp)Việt Nam) và một báo cáo tài chính theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung khác (ví dụ, theo chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế). Đơn vị có thể yêu cầu kiểm toán viên kiểm toán cả hai bộ báo cáo tài chính này. Nếu kiểm toán viên xác định rằng các khuôn khổ về lập và trình bày các báo cáo tài chính đó là có thể chấp nhận được thì kiểm toán viên có thể trình bày đoạn “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán, trong đó nêu rõ đơn vị đã lập một báo cáo tài chính khác theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung khác và kiểm toán viên đã phát hành một báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính đó.

Hạn chế việc cung cấp hoặc sử dụng báo cáo kiểm toán

A9. Báo cáo tài chính được lập cho mục đích đặc biệt có thể được lập và trình bày theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung vì đối tượng sử dụng dự kiến đã xác định là báo cáo tài chính đó vẫn đáp ứng được các thông tin tài chính mà đối tượng sử dụng cần. Do báo cáo kiểm toán được sử dụng cho các đối tượng dự kiến cụ thể, nên kiểm toán viên cần trình bày thêm đoạn “Vấn đề khác”, trong đó nêu rõ là báo cáo kiểm toán chỉ đáp ứng yêu cầu của các đối tượng sử dụng dự kiến và không được cung cấp hoặc cho các bên khác sử dụng.

Trình bày đoạn “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán

A10. Nội dung đoạn “Vấn đề khác” cần thể hiện rõ là vấn đề đó không bắt buộc phải trình bày hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính. Đoạn “Vấn đề khác” không được bao gồm các thông tin mà kiểm toán viên bị cấm nêu ra theo yêu cầu của pháp luật và các quy định hoặc các chuẩn mực nghề nghiệp, ví dụ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp liên quan đến việc bảo mật thông tin. Đoạn “Vấn đề khác” cũng không bao gồm các thông tin mà Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán phải cung cấp theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.

A11. Vị trí của đoạn “Vấn đề khác” phụ thuộc vào nội dung của thông tin cần trình bày. Nếu việc trình bày đoạn “Vấn đề khác” là để thu hút sự chú ý của người sử dụng đối với vấn đề liên quan đến sự hiểu biết của người sử dụng về cuộc kiểm toán báo cáo tài chính thì đoạn này được đặt ngay sau đoạn “Ý kiến của kiểm toán viên” và đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” (nếu có). Nếu việc trình bày đoạn “Vấn đề khác” là để thu hút sự chú ý của người sử dụng đối với vấn đề liên quan đến các trách nhiệm báo cáo khác của kiểm toán viên được đề cập trong báo cáo kiểm toán thì đoạn này được đặt trong phần có tiêu đề “Báo cáo về các yêu cầu khác của pháp luật và các quy định”. Ngoài ra, khi liên quan đến tất cả các trách nhiệm của kiểm toán viên hoặc hiểu biết của người sử dụng về báo cáo kiểm toán, đoạn “Vấn đề khác” có thể được trình bày thành một phần riêng, sau phần “Báo cáo kiểm toán về Báo cáo tài chính” và phần “Báo cáo về các yêu cầu khác của pháp luật và các quy định”.

Trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán

A12. Việc trao đổi này giúp Ban quản trị đơn vị được kiểm toán biết được bản chất của các vấn đề cụ thể mà kiểm toán viên dự định sẽ làm nổi bật trong báo cáo kiểm toán và tạo cơ hội cho Ban quản trị nhận được thêm những giải thích rõ ràng từ kiểm toán viên, nếu cần thiết. Khi việc trình bày đoạn “Vấn đề khác” về một vấn đề cụ thể trong báo cáo kiểm toán được lặp lại trong cuộc kiểm toán tiếp theo, kiểm toán viên có thể không cần phải trao đổi lại với Ban quản trị về vấn đề đó trong cuộc kiểm toán sau.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *