Thủ tục soát xét thông tin tài chính giữa niên độ

Thủ tục soát xét thông tin tài chính giữa niên độ

Hiểu biết về đơn vị và môi trường của đơn vị, bao gồm kiểm soát nội bộ

12. Kiểm toán viên phải tìm hiểu đầy đủ về đơn vị và môi trường của đơn vị, bao gồm kiểm soát nội bộ liên quan đến việc lập và trình bày thông tin tài chính năm và thông tin tài chính giữa niên độ để lập kế hoạch và thực hiện hợp đồng soát xét nhằm:

a) Xác định các dạng sai sót trọng yếu có thể xảy ra và xem xét khả năng xảy ra các sai sót đó;

b) Lựa chọn các thủ tục phỏng vấn, phân tích và thủ tục soát xét khác để bảo đảm cung cấp cho kiểm toán viên cơ sở để báo cáo xem liệu kiểm toán viên có nhận thấy vấn đề gì khiến kiểm toán viên cho rằng thông tin tài chính giữa niên độ không được lập và trình bày, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không.

13. Theo quy định của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315 – Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, kiểm toán viên đã kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị trong một hay nhiều kỳ kế toán năm sẽ có sự hiểu biết về đơn vị và môi trường của đơn vị, bao gồm kiểm soát nội bộ liên quan đến việc lập và trình bày thông tin tài chính năm, với mức hiểu biết đủ để thực hiện công việc kiểm toán. Khi lập kế hoạch soát xét thông tin tài chính giữa niên độ, kiểm toán viên cần cập nhật những hiểu biết này. Kiểm toán viên cũng phải có hiểu biết đầy đủ về kiểm soát nội bộ liên quan đến việc lập và trình bày thông tin tài chính giữa niên độ vì kiểm soát nội bộ này có thể khác với kiểm soát nội bộ liên quan đến báo cáo tài chính năm.

14. Kiểm toán viên sử dụng sự hiểu biết về đơn vị và môi trường của đơn vị, bao gồm kiểm soát nội bộ, để xác định các nội dung phỏng vấn sẽ thực hiện, các thủ tục phân tích và thủ tục soát xét khác sẽ áp dụng, cũng như xác định các sự kiện, giao dịch hoặc cơ sở dẫn liệu cụ thể mà nội dung phỏng vấn cần quan tâm hoặc các thủ tục phân tích, thủ tục soát xét có thể được áp dụng.

15. Các thủ tục do kiểm toán viên thực hiện để cập nhật hiểu biết về đơn vị và môi trường của đơn vị, bao gồm kiểm soát nội bộ, thường bao gồm:

(1) Xem xét các tài liệu cần thiết liên quan đến cuộc kiểm toán năm trước và các cuộc soát xét giữa niên độ của năm hiện tại đã thực hiện trước đó và giữa niên độ tương ứng của năm trước, để từ đó kiểm toán viên có thể xác định được các vấn đề có thể ảnh hưởng đến thông tin tài chính giữa niên độ của kỳ hiện tại;

(2) Xem xét các rủi ro đáng kể, bao gồm rủi ro do Ban Giám đốc đơn vị khống chế kiểm soát, đã được phát hiện trong cuộc kiểm toán báo cáo tài chính năm trước;

(3) Xem xét các thông tin tài chính năm trước và các thông tin tài chính giữa niên độ tương ứng của năm trước;

(4) Xem xét tính trọng yếu trên cơ sở khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng liên quan đến thông tin tài chính giữa niên độ để hỗ trợ việc xác định nội dung và phạm vi của các thủ tục sẽ thực hiện, cũng như đánh giá ảnh hưởng của các sai sót;

(5) Xem xét bản chất của các sai sót trọng yếu đã điều chỉnh và các sai sót không trọng yếu đã phát hiện được nhưng không điều chỉnh trong báo cáo tài chính của năm trước;

(6) Xem xét các vấn đề trọng yếu về kế toán và báo cáo tài chính trong năm trước hoặc các kỳ kế toán giữa niên độ trước mà có thể tiếp tục là vấn đề trọng yếu trong kỳ này, như các khiếm khuyết nghiêm trọng trong kiểm soát nội bộ;

(7) Xem xét kết quả của các thủ tục kiểm toán đã thực hiện cho mục đích kiểm toán báo cáo tài chính năm hiện tại (nếu có);

(8) Xem xét kết quả kiểm toán nội bộ và các công việc do Ban Giám đốc đơn vị đã thực hiện sau kiểm toán nội bộ;

(9) Phỏng vấn Ban Giám đốc đơn vị về kết quả đánh giá của Ban Giám đốc đối với rủi ro thông tin tài chính giữa niên độ có thể có sai sót trọng yếu do gian lận;

(10) Phỏng vấn Ban Giám đốc đơn vị về ảnh hưởng của các thay đổi trong hoạt động kinh doanh của đơn vị;

(11) Phỏng vấn Ban Giám đốc đơn vị về các thay đổi đáng kể trong kiểm soát nội bộ và ảnh hưởng (nếu có) của các thay đổi đó đối với việc lập và trình bày thông tin tài chính giữa niên độ;

(12) Phỏng vấn Ban Giám đốc đơn vị về quy trình lập và trình bày thông tin tài chính giữa niên độ và độ tin cậy của sổ, tài liệu kế toán được sử dụng để lập và trình bày thông tin tài chính giữa niên độ.

16. Kiểm toán viên cần xác định nội dung của các thủ tục soát xét (nếu có) sẽ được thực hiện đối với các đơn vị thành viên và thông báo cho các kiểm toán viên khác tham gia vào cuộc soát xét. Các yếu tố sẽ được xem xét bao gồm mức trọng yếu và rủi ro có sai sót của thông tin tài chính giữa niên độ của các đơn vị thành viên và sự hiểu biết của kiểm toán viên về mức độ kiểm soát tập trung hay phân tán của hệ thống kiểm soát nội bộ đối với việc lập và trình bày các thông tin tài chính đó.

17. Để lập kế hoạch và thực hiện một cuộc soát xét thông tin tài chính giữa niên độ, kiểm toán viên mới được chỉ định và chưa thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam phải tìm hiểu về đơn vị và môi trường của đơn vị, bao gồm kiểm soát nội bộ liên quan đến việc lập và trình bày cả thông tin tài chính năm và thông tin tài chính giữa niên độ.

18. Sự hiểu biết này giúp cho kiểm toán viên xác định trọng tâm các nội dung phỏng vấn sẽ thực hiện, các thủ tục phân tích và thủ tục soát xét khác sẽ áp dụng khi thực hiện soát xét thông tin tài chính giữa niên độ theo Chuẩn mực này. Trong quá trình tìm hiểu đó, kiểm toán viên thường phải tiến hành phỏng vấn kiểm toán viên tiền nhiệm và xem xét các tài liệu cần thiết liên quan đến cuộc kiểm toán năm trước và các cuộc soát xét giữa niên độ của năm hiện tại đã thực hiện trước đó do kiểm toán viên tiền nhiệm tiến hành. Khi thực hiện các công việc này, kiểm toán viên cần xem xét bản chất của các sai sót đã điều chỉnh, và các sai sót không điều chỉnh mà kiểm toán viên tiền nhiệm đã tổng hợp, các rủi ro đáng kể, bao gồm rủi ro Ban Giám đốc đơn vị khống chế kiểm soát, và các vấn đề trọng yếu về kế toán và báo cáo tài chính có thể tiếp tục là vấn đề trọng yếu, như các khiếm khuyết nghiêm trọng trong kiểm soát nội bộ.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *