Thủ tục phỏng vấn, thủ tục phân tích và các thủ tục soát xét khác

Thủ tục phỏng vấn, thủ tục phân tích và các thủ tục soát xét khác

19. Kiểm toán viên phải thực hiện các cuộc phỏng vấn, chủ yếu là phỏng vấn những người chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính kế toán, và thực hiện thủ tục phân tích và các thủ tục soát xét khác để giúp cho kiểm toán viên đưa ra kết luận, căn cứ trên các thủ tục đã thực hiện, xem kiểm toán viên có nhận thấy vấn đề gì khiến kiểm toán viên cho rằng thông tin tài chính giữa niên độ không được lập và trình bày, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.

20. Thông thường, công việc soát xét không đòi hỏi phải thực hiện các thủ tục kiểm tra, quan sát hoặc xác nhận đối với sổ, tài liệu kế toán. Thủ tục để thực hiện một cuộc soát xét thông tin tài chính giữa niên độ thường được giới hạn ở việc phỏng vấn, chủ yếu là phỏng vấn những người chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính kế toán, và áp dụng thủ tục phân tích và các thủ tục soát xét khác, mà không bao gồm thủ tục chứng thực các thông tin về các vấn đề kế toán trọng yếu liên quan đến thông tin tài chính giữa niên độ. Sự hiểu biết của kiểm toán viên về đơn vị và môi trường của đơn vị, bao gồm kiểm soát nội bộ, các kết quả đánh giá rủi ro liên quan đến cuộc kiểm toán trước và xét đoán của kiểm toán viên về mức trọng yếu liên quan đến thông tin tài chính giữa niên độ sẽ ảnh hưởng đến nội dung và phạm vi các cuộc phỏng vấn, các thủ tục phân tích và các thủ tục soát xét khác sẽ thực hiện.

21. Kiểm toán viên thường thực hiện các thủ tục sau:

(1) Xem xét biên bản các cuộc họp cổ đông, họp Ban quản trị, Ban Giám đốc đơn vị và các ban liên quan khác để xác định các vấn đề có thể ảnh hưởng đến thông tin tài chính giữa niên độ, và phỏng vấn về các vấn đề đã được xử lý tại các cuộc họp không có biên bản có thể ảnh hưởng đến thông tin tài chính giữa niên độ;

(2) Xem xét ảnh hưởng (nếu có) của các vấn đề làm phát sinh ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần trong báo cáo kiểm toán hoặc kết luận không phải là kết luận chấp nhận toàn phần trong báo cáo soát xét, các điều chỉnh kế toán hoặc các sai sót chưa điều chỉnh trong các cuộc kiểm toán hoặc các cuộc soát xét trước;

(3) Trao đổi, nếu cần, với các kiểm toán viên khác đang thực hiện công việc soát xét thông tin tài chính giữa niên độ của các đơn vị thành viên quan trọng;

(4) Phỏng vấn các thành viên Ban Giám đốc đơn vị chịu trách nhiệm về tài chính, kế toán, và các đối tượng liên quan khác về nội dung sau:

(i) Thông tin tài chính giữa niên độ có được lập và trình bày phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không;

(ii) Có thay đổi nào về chính sách kế toán hoặc thay đổi về việc áp dụng chính sách đó hay không;

(iii) Có giao dịch mới nào đòi hỏi phải áp dụng một chính sách kế toán mới hay không;

(iv) Thông tin tài chính giữa niên độ có chứa đựng sai sót đã phát hiện nhưng chưa được điều chỉnh hay không;

(v) Các tình huống bất thường hoặc phức tạp có thể đã ảnh hưởng đến thông tin tài chính giữa niên độ, như hợp nhất kinh doanh hay thanh lý một bộ phận kinh doanh;

(vi) Các giả định quan trọng liên quan đến việc đo lường hoặc thuyết minh giá trị hợp lý và ý định cũng như khả năng của Ban Giám đốc đơn vị trong việc thực hiện các hành động cụ thể thay mặt cho đơn vị liên quan đến việc đo lường hoặc thuyết minh giá trị hợp lý đó;

(vii) Các giao dịch với bên liên quan đã được hạch toán và thuyết minh phù hợp trong thông tin tài chính giữa niên độ hay chưa;

(viii)Các thay đổi đáng kể trong các cam kết và nghĩa vụ hợp đồng;

(ix) Các thay đổi đáng kể trong nợ tiềm tàng bao gồm các vụ kiện tụng hoặc khiếu nại;

(x) Tình hình tuân thủ các thỏa thuận nợ;

(xi) Các vấn đề gây nghi vấn trong quá trình thực hiện các thủ tục soát xét;

(xii) Các giao dịch quan trọng phát sinh trong những ngày liền kề trước hoặc sau ngày kết thúc kỳ kế toán giữa niên độ;

(xiii)Thông tin về bất kỳ gian lận hay nghi ngờ gian lận nào ảnh hưởng đến đơn vị có liên quan đến:

a. Ban Giám đốc đơn vị;

b. Các nhân viên có vai trò quan trọng trong kiểm soát nội bộ; hoặc

c. Các đối tượng khác có thể có gian lận ảnh hưởng trọng yếu đến thông tin tài chính giữa niên độ.

(xiv) Thông tin về các cáo buộc gian lận hay nghi ngờ gian lận, ảnh hưởng đến thông tin tài chính giữa niên độ của đơn vị do các nhân viên, cựu nhân viên, chuyên gia phân tích, cơ quan quản lý hoặc các đối tượng khác cung cấp;

(xv) Thông tin về các vụ vi phạm pháp luật và các quy định đã xảy ra hoặc có thể xảy ra có thể ảnh hưởng trọng yếu đến thông tin tài chính giữa niên độ.

(5) Thực hiện thủ tục phân tích đối với thông tin tài chính giữa niên độ nhằm xác định các quan hệ và các khoản mục riêng lẻ có dấu hiệu bất thường và có thể phản ánh sai sót trọng yếu trong thông tin tài chính giữa niên độ. Thủ tục phân tích có thể bao gồm phân tích tỷ lệ và phân tích dựa trên kỹ thuật thống kê như phân tích xu hướng hoặc phân tích hồi quy, có thể được thực hiện bằng phương pháp thủ công hoặc các kỹ thuật được máy tính trợ giúp. Phụ lục 02 Chuẩn mực này hướng dẫn các ví dụ về các thủ tục phân tích mà kiểm toán viên có thể xem xét khi thực hiện soát xét thông tin tài chính giữa niên độ;

(6) Xem xét thông tin tài chính giữa niên độ, xem liệu có vấn đề gì khiến kiểm toán viên cho rằng thông tin tài chính giữa niên độ không được lập và trình bày, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không.

22. Kiểm toán viên có thể thực hiện nhiều thủ tục soát xét trước hoặc cùng thời gian đơn vị lập thông tin tài chính giữa niên độ. Ví dụ, kiểm toán viên có thể cập nhật hiểu biết về đơn vị và môi trường của đơn vị, bao gồm kiểm soát nội bộ, và xem xét các biên bản liên quan trước khi kết thúc kỳ kế toán giữa niên độ. Việc thực hiện một số thủ tục soát xét trước khi kết thúc kỳ kế toán giữa niên độ cho phép phát hiện và xem xét sớm các vấn đề trọng yếu về kế toán ảnh hưởng đến thông tin tài chính giữa niên độ.

23. Vì kiểm toán viên thực hiện việc soát xét thông tin tài chính giữa niên độ cũng được chỉ định thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm của đơn vị nên để thuận tiện và hiệu quả, kiểm toán viên có thể quyết định thực hiện một số thủ tục kiểm toán đồng thời với thủ tục soát xét thông tin tài chính giữa niên độ. Ví dụ, các thông tin thu thập được từ việc xem xét các biên bản họp Ban Giám đốc đơn vị liên quan đến việc soát xét thông tin tài chính giữa niên độ cũng có thể được sử dụng cho cuộc kiểm toán năm. Tại thời điểm thực hiện soát xét thông tin tài chính giữa niên độ, kiểm toán viên cũng có thể quyết định thực hiện các thủ tục kiểm toán để phục vụ mục đích kiểm toán báo cáo tài chính năm, ví dụ thực hiện các thủ tục kiểm toán đối với các giao dịch quan trọng hoặc giao dịch bất thường phát sinh trong kỳ, như hợp nhất kinh doanh, tái cơ cấu hoặc các giao dịch quan trọng liên quan đến doanh thu.

24. Một cuộc soát xét thông tin tài chính giữa niên độ thường không đòi hỏi phải chứng thực các phỏng vấn tìm hiểu thông tin về các vụ kiện tụng và khiếu nại. Do đó, thông thường không cần thiết phải gửi thư tham vấn đến luật sư của đơn vị. Tuy nhiên, việc liên hệ trực tiếp với luật sư để trao đổi về các vụ kiện tụng hoặc khiếu nại là cần thiết nếu kiểm toán viên nhận thấy có vấn đề nghi vấn về việc thông tin tài chính giữa niên độ không được lập và trình bày, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, và kiểm toán viên tin rằng luật sư của đơn vị có thể có các thông tin phù hợp đối với vấn đề đó.

25. Kiểm toán viên phải thu thập bằng chứng chứng minh thông tin tài chính giữa niên độ là phù hợp hoặc đúng với sổ, tài liệu kế toán liên quan. Kiểm toán viên có thể thu thập bằng chứng chứng minh thông tin tài chính giữa niên độ phù hợp và đúng với sổ, tài liệu kế toán liên quan bằng cách kiểm tra đối chiếu thông tin tài chính giữa niên độ với:

(a) Các sổ kế toán, như sổ Cái, sổ chi tiết hoặc bảng số liệu hợp nhất có thể đối chiếu khớp với sổ kế toán;

(b) Các số liệu liên quan trong sổ, tài liệu khác của đơn vị khi cần thiết.

26. Kiểm toán viên phải phỏng vấn để tìm hiểu xem Ban Giám đốc đơn vị đã xác định được tất cả các sự kiện tính đến ngày lập báo cáo soát xét cần phải điều chỉnh hoặc thuyết minh trong thông tin tài chính giữa niên độ hay chưa. Kiểm toán viên không phải thực hiện các thủ tục khác để xác định các sự kiện phát sinh sau ngày lập báo cáo soát xét.

27. Kiểm toán viên phải phỏng vấn để tìm hiểu xem Ban Giám đốc đơn vị có thay đổi đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị hay không. Nếu từ kết quả của việc phỏng vấn này hoặc các thủ tục soát xét khác kiểm toán viên nhận thấy các sự kiện hoặc các điều kiện có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị, thì kiểm toán viên cần:

(a) Phỏng vấn Ban Giám đốc đơn vị về các kế hoạch hành động trong tương lai dựa trên đánh giá của họ về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị, tính khả thi của các kế hoạch này, và xem Ban Giám đốc đơn vị có tin tưởng rằng kết quả thực hiện các kế hoạch này sẽ cải thiện tình hình hay không;

(b) Xem xét tính đầy đủ của thuyết minh về các vấn đề nêu trên trong thông tin tài chính giữa niên độ.

28. Các sự kiện hoặc các điều kiện có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị có thể đã tồn tại tại ngày lập báo cáo tài chính năm hoặc có thể được phát hiện sau các cuộc phỏng vấn với Ban Giám đốc đơn vị hoặc trong quá trình thực hiện các thủ tục soát xét khác. Khi kiểm toán viên phát hiện các sự kiện hoặc các điều kiện đó, kiểm toán viên phải phỏng vấn Ban Giám đốc đơn vị về các kế hoạch hành động trong tương lai của Ban Giám đốc đơn vị, như các kế hoạch thanh lý tài sản, vay tiền hoặc tái cơ cấu nợ, giảm hoặc trì hoãn các khoản chi tiêu, hoặc tăng vốn. Kiểm toán viên cũng phải phỏng vấn về tính khả thi của các kế hoạch của Ban Giám đốc đơn vị và xem Ban Giám đốc đơn vị có tin tưởng rằng kết quả thực hiện các kế hoạch này sẽ cải thiện tình hình hay không. Tuy nhiên, thông thường kiểm toán viên không cần phải chứng thực tính khả thi của các kế hoạch cũng như chứng thực liệu kết quả thực hiện các kế hoạch này có cải thiện tình hình hay không.

29. Khi kiểm toán viên nhận thấy một vấn đề để cho kiểm toán viên đặt ra nghi vấn xem có nên thực hiện một điều chỉnh trọng yếu để thông tin tài chính giữa niên độ được lập và trình bày, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, thì kiểm toán viên phải phỏng vấn thêm hoặc thực hiện các thủ tục khác để có thể đưa ra kết luận trong báo cáo soát xét. Ví dụ, nếu các thủ tục soát xét khiến cho kiểm toán viên đặt ra nghi vấn về việc liệu một giao dịch bán hàng quan trọng đã được ghi nhận có phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không, thì kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục bổ sung đủ để loại bỏ các nghi vấn đó, như trao đổi về các điều khoản của giao dịch với người phụ trách kinh doanh và kế toán, hoặc xem xét hợp đồng bán hàng.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *