Phạm vi chuẩn mực mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên độc lập

Phạm vi chuẩn mực mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên độc lập

1. Chuẩn mực kiểm toán này quy định và hướng dẫn trách nhiệm tổng thể của kiểm toán viên độc lập khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Chuẩn mực kiểm toán này quy định mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên độc lập và hướng dẫn nội dung, phạm vi của một cuộc kiểm toán được thiết kế để kiểm toán viên đạt được các mục tiêu đó. Chuẩn mực này cũng quy định và hướng dẫn phạm vi áp dụng, kết cấu của các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, bao gồm các yêu cầu về trách nhiệm của kiểm toán viên trong tất cả các cuộc kiểm toán, kể cả trách nhiệm phải tuân thủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Trong chuẩn mực kiểm toán quốc tế, “kiểm toán viên” được hiểu là “kiểm toán viên độc lập”.

2. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế được áp dụng khi kiểm toán viên thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và nếu cần, cũng được vận dụng trong trường hợp kiểm toán thông tin tài chính khác trong quá khứ. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế không quy định và hướng dẫn các trách nhiệm của kiểm toán viên đã được quy định trong văn bản pháp luật và các quy định khác, hoặc có liên quan đến các vấn đề ví dụ như chào bán chứng khoán ra công chúng. Những trách nhiệm quy định trong văn bản pháp luật có thể khác với quy định và hướng dẫn trong chuẩn mực kiểm toán quốc tế, và mặc dù những quy định và hướng dẫn trong chuẩn mực kiểm toán quốc tế là hữu ích cho kiểm toán viên tham khảo nhưng kiểm toán viên phải có trách nhiệm trước hết là tuân thủ pháp luật và các quy định hoặc các nghĩa vụ nghề nghiệp có liên quan.

Kiểm toán báo cáo tài chính

3. Mục đích của kiểm toán là làm tăng độ tin cậy của người sử dụng đối với báo cáo tài chính, thông qua việc kiểm toán viên đưa ra ý kiến về việc liệu báo cáo tài chính có được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không. Đối với hầu hết các khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung, kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến về việc liệu báo cáo tài chính có được trình bày hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, hoặc có phản ánh trung thực và hợp lý, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không. Một cuộc kiểm toán được thực hiện theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan sẽ giúp kiểm toán viên hình thành ý kiến kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A1).

4. Báo cáo tài chính sử dụng để kiểm toán là báo cáo đã được Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán lập với sự giám sát của Ban quản trị đơn vị. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế không áp đặt các trách nhiệm đối với Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán và không có hiệu lực cao hơn so với pháp luật và các quy định khác chi phối trách nhiệm của họ. Tuy nhiên, một cuộc kiểm toán theo các chuẩn mực kiểm toán quốc tế được thực hiện với giả thiết rằng Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán đã thừa nhận những trách nhiệm nhất định làm cơ sở cho việc tiến hành cuộc kiểm toán. Việc kiểm toán báo cáo tài chính không làm giảm nhẹ trách nhiệm của Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A2-A11).

5. Để kiểm toán viên có cơ sở để đưa ra ý kiến kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán quốc tế yêu cầu kiểm toán viên đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc liệu báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc do nhầm lẫn hay không. Sự đảm bảo hợp lý là sự đảm bảo ở mức độ cao và chỉ đạt được khi kiểm toán viên đã thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nhằm làm giảm rủi ro kiểm toán (là rủi ro do kiểm toán viên đưa ra ý kiến không phù hợp khi báo cáo tài chính còn chứa đựngsai sót trọng yếu) tới một mức độ thấp có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, sự đảm bảo hợp lý không phải là đảm bảo tuyệt đối, do luôn tồn tại những hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán làm cho hầu hết bằng chứng kiểm toán mà kiểm toán viên dựa vào để đưa ra kết luận và ý kiến kiểm toán đều mang tính thuyết phục hơn là khẳng định (Tham chiếu: Đoạn A28-A52).

6. Khái niệm về tính trọng yếu được kiểm toán viên sử dụng trong cả giai đoạn lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán và trong việc đánh giá ảnh hưởng của những sai sót đã phát hiện trong quá trình kiểm toán, kể cả những sai sót chưa được điều chỉnh (nếu có) trong báo cáo tài chính.[1] Nhìn chung, các sai sót, bao gồm cả việc bỏ sót, được coi là trọng yếu nếu các sai sót đó, khi xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có thể gây ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính. Các xét đoán về mức trọng yếu cần được đưa ra tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, và tùy thuộc vào hiểu biết của kiểm toán viên về nhu cầu đối với thông tin tài chính của người sử dụng báo cáo tài chính, quy mô hoặc bản chất của sai sót, hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó. Trách nhiệm của kiểm toán viên là đưa ra ý kiến đối với tổng thể báo cáo tài chính, do đó, kiểm toán viên không có trách nhiệm phát hiện các sai sót không mang tính trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính.

7. Nội dung chuẩn mực kiểm toán quốc tế bao gồm mục tiêu, yêu cầu, hướng dẫn áp dụng và các giải thích khác nhằm giúp kiểm toán viên đạt được sự đảm bảo hợp lý. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế yêu cầu kiểm toán viên phải thực hiện xét đoán chuyên môn và luôn duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt quá trình lập kế hoạch cũng như thực hiện kiểm toán, và thực hiện một số công việc sau:

· Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn, dựa trên sự hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, kể cả kiểm soát nội bộ của đơn vị;

· Thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc liệu các sai sót trọng yếu có tồn tại hay không, thông qua việc thiết kế và thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp đối với rủi ro đã đánh giá;

· Hình thành ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính dựa trên kết luận về các bằng chứng kiểm toán đã thu thập được.

8. Dạng ý kiến mà kiểm toán viên đưa ra phụ thuộc vào khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng và phụ thuộc vào pháp luật và các quy định có liên quan (Tham chiếu: Đoạn A12-A13).

9. Theo quy định của chuẩn mực kiểm toán quốc tế hoặc pháp luật và các quy định khác có liên quan, kiểm toán viên cũng có thể có trách nhiệm trao đổi thông tin và báo cáo về một số vấn đề phát sinh từ cuộc kiểm toán với người sử dụng báo cáo tài chính, Ban Giám đốc, Ban quản trị hoặc các đối tượng khác ngoài đơn vị được kiểm toán.[2]

10. Chuẩn mực này có hiệu lực cho các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính cho kỳ bắt đầu vào hoặc sau ngày 15 tháng 12 năm 2009.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *