Thỏa thuận về các điều khoản của hợp đồng kiểm toán
Thỏa thuận về các điều khoản của hợp đồng kiểm toán
Thỏa thuận về các điều khoản của hợp đồng kiểm toán
A21. Vai trò của Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị trong việc thỏa thuận các điều khoản của hợp đồng kiểm toán tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức của đơn vị, pháp luật và các quy định có liên quan.
Hợp đồng kiểm toán hoặc các hình thức thỏa thuận khác bằng văn bản[16] (Tham chiếu: Đoạn 10-11)
A22. Vì lợi ích của cả đơn vị được kiểm toán và kiểm toán viên, hợp đồng kiểm toán phải được ký kết trước khi thực hiện cuộc kiểm toán để tránh những hiểu lầm liên quan đến cuộc kiểm toán. Tuy nhiên, tại một số nước, pháp luật đã quy định về mục tiêu, phạm vi của cuộc kiểm toán và trách nhiệm của Ban Giám đốc, của kiểm toán viên, bao gồm cả các quy định tại đoạn 10 Chuẩn mực này. Trong trường hợp này, theo quy định tại đoạn 11, trong hợp đồng kiểm toán, kiểm toán viên được tham chiếu đến luật hoặc các quy định có liên quan và Ban Giám đốc hiểu và thừa nhận các trách nhiệm của họ như quy định tại đoạn 6(b). Tuy nhiên, kiểm toán viên vẫn có thể cân nhắc để đưa các quy định tại đoạn 10 vào hợp đồng kiểm toán để thỏa thuận với Ban Giám đốc.
Hình thức và nội dung của hợp đồng kiểm toán
A23. Hình thức và nội dung của hợp đồng kiểm toán có thể thay đổi theo từng đơn vị được kiểm toán. Trong hợp đồng kiểm toán, trách nhiệm của kiểm toán viên được thỏa thuận trên cơ sở Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 200[17]; trách nhiệm của Ban Giám đốc được thỏa thuận trên cơ sở quy định tại đoạn 6(b) và đoạn 12 Chuẩn mực này. Ngoài việc trình bày các vấn đề theo quy định tại đoạn 10, hợp đồng kiểm toán còn có thể bao gồm các nội dung sau:
· Phạm vi của cuộc kiểm toán, có tham chiếu đến các luật và quy định có liên quan, các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, các quy định về đạo đức nghề nghiệp và các quy định của hội nghề nghiệp mà kiểm toán viên phải tuân thủ;
· Hình thức thông báo kết quả của cuộc kiểm toán;
· Do những hạn chế vốn có của kiểm toán cũng như của kiểm soát nội bộ, có rủi ro khó tránh khỏi là kiểm toán viên có thể không phát hiện được hết các sai sót trọng yếu, mặc dù cuộc kiểm toán đã được lập kế hoạch và thực hiện theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế;
· Các thỏa thuận về kế hoạch kiểm toán, về việc thực hiện kiểm toán, kể cả thành phần nhóm kiểm toán;
· Yêu cầu có được các giải trình bằng văn bản của Ban Giám đốc (xem đoạn A13);
· Thỏa thuận với Ban Giám đốc đơn vị về trách nhiệm cung cấp cho kiểm toán viên báo cáo tài chính và các tài liệu có liên quan đúng thời hạn để giúp kiểm toán viên hoàn thành cuộc kiểm toán trong thời gian dự kiến;
· Thỏa thuận với Ban Giám đốc đơn vị về trách nhiệm thông báo cho kiểm toán viên các sự kiện có thể ảnh hưởng đến báo cáo tài chính mà Ban Giám đốc biết được trong giai đoạn từ ngày ký báo cáo kiểm toán đến ngày công bố báo cáo tài chính;
· Cơ sở tính phí kiểm toán, mức phí kiểm toán và cách thức phát hành hóa đơn, thanh toán tiền;
· Đề nghị Ban Giám đốc xác nhận là họ đã nhận được hợp đồng kiểm toán và đồng ý với các điều khoản của hợp đồng đó.
A24. Khi cần thiết, hợp đồng kiểm toán còn có thể bao gồm các nội dung sau:
· Các điều khoản liên quan đến việc tham gia của kiểm toán viên khác và chuyên gia vào một số công việc trong quá trình kiểm toán;
· Các điều khoản liên quan đến việc tham gia của kiểm toán viên nội bộ và nhân sự khác của đơn vị được kiểm toán;
· Những thỏa thuận với kiểm toán viên tiền nhiệm (nếu có), trong trường hợp kiểm toán năm đầu tiên;
· Các giới hạn về trách nhiệm của kiểm toán viên (nếu có);
· Tham chiếu đến các thoả thuận khác giữa kiểm toán viên với đơn vị được kiểm toán (nếu có);
· Nghĩa vụ cung cấp hồ sơ kiểm toán cho các bên khác.
Phụ lục 1 của Chuẩn mực này hướng dẫn mẫu hợp đồng kiểm toán.
Kiểm toán đơn vị thành viên
A25. Khi kiểm toán viên của công ty mẹ đồng thời là kiểm toán viên của đơn vị thành viên, các yếu tố sau đây có thể ảnh hưởng đến quyết định liệu có cần gửi hợp đồng kiểm toán riêng cho đơn vị thành viên hay không:
· Ai là người chịu trách nhiệm bổ nhiệm kiểm toán viên đơn vị thành viên;
· Có yêu cầu phát hành báo cáo kiểm toán riêng cho đơn vị thành viên hay không;
· Yêu cầu của pháp luật liên quan đến việc chỉ định cuộc kiểm toán;
· Mức độ sở hữu của công ty mẹ;
· Mức độ độc lập của Ban Giám đốc đơn vị thành viên đối với công ty mẹ.
Trách nhiệm của Ban Giám đốc theo pháp luật và các quy định (Tham chiếu: Đoạn 11-12)
A26. Trong các trường hợp hướng dẫn tại đoạn A22 và A27, nếu kiểm toán viên kết luận rằng một số điều khoản không cần thiết phải đưa vào hợp đồng kiểm toán, kiểm toán viên vẫn phải tuân thủ quy định tại đoạn 11 trong việc thu thập giải trình bằng văn bản của Ban Giám đốc đơn vị về việc Ban Giám đốc hiểu và thừa nhận trách nhiệm của họ như quy định tại đoạn 6(b). Tuy nhiên, theo quy định tại đoạn 12, giải trình bằng văn bản này có thể sử dụng ngôn ngữ của pháp luật và các quy định nếu như pháp luật và các quy định có yêu cầu về trách nhiệm của Ban Giám đốc tương tự như trong đoạn 6(b). Hội nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán, tổ chức soạn thảo chuẩn mực kiểm toán, hoặc cơ quan quản lý nhà nước về kiểm toán có thể hướng dẫn về sự phù hợp của các yêu cầu của pháp luật và các quy định.
Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công
A27. Pháp luật và các quy định về kiểm toán đối với lĩnh vực công thường có các quy định về việc bổ nhiệm kiểm toán viên trong lĩnh vực công, trách nhiệm và quyền hạn của kiểm toán viên lĩnh vực công, kể cả quyền được tiếp cận với chứng từ kế toán, sổ kế toán và các thông tin khác của đơn vị. Khi pháp luật và các quy định có quy định đầy đủ về các điều khoản chi tiết của hợp đồng kiểm toán, kiểm toán viên lĩnh vực công vẫn có thể cân nhắc lợi ích của việc phát hành một hợp đồng kiểm toán đầy đủ hơn so với các quy định tại đoạn 11.
Các cuộc kiểm toán nhiều năm
A28. Kiểm toán viên có thể quyết định không cần lập hợp đồng kiểm toán mới hoặc văn bản thỏa thuận khác cho từng giai đoạn. Tuy nhiên, kiểm toán viên có thể cần sửa đổi, bổ sung các điều khoản hợp đồng kiểm toán hoặc nhắc lại cho đơn vị được kiểm toán về các điều khoản của hợp đồng kiểm toán hiện tại khi phát sinh các trường hợp sau:
· Có dấu hiệu cho thấy đơn vị được kiểm toán hiểu sai về mục đích và phạm vi kiểm toán;
· Có bất kỳ sự thay đổi nào trong các điều khoản của hợp đồng kiểm toán;
· Có sự thay đổi mới trong thành phần ban quản lý cấp cao của đơn vị;
· Có sự thay đổi lớn về quyền sở hữu;
· Có sự thay đổi lớn về bản chất hoặc quy mô hoạt động kinh doanh của đơn vị được kiểm toán;
· Có sự thay đổi về pháp luật hoặc các quy định;
· Có sự thay đổi trong khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính mà đơn vị áp dụng để lập báo cáo tài chính;
· Có sự thay đổi trong các quy định về báo cáo khác.
Chấp nhận thay đổi điều khoản hợp đồng kiểm toán
Yêu cầu thay đổi điều khoản hợp đồng kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn 14)
A29. Việc đơn vị được kiểm toán yêu cầu kiểm toán viên thay đổi các điều khoản của hợp đồng kiểm toán có thể xuất phát từ các lý do như: có thay đổi về hoàn cảnh thực tế làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với dịch vụ kiểm toán, có sự hiểu nhầm về nội dung kiểm toán so với yêu cầu ban đầu, hoặc có giới hạn về phạm vi kiểm toán do Ban Giám đốc đơn vị đặt ra hoặc do hoàn cảnh. Theo quy định tại đoạn 14, kiểm toán viên phải xem xét kỹ lưỡng lý do dẫn đến yêu cầu thay đổi điều khoản hợp đồng kiểm toán, đặc biệt là đối với những yêu cầu làm giới hạn phạm vi kiểm toán.
A30. Yêu cầu thay đổi điều khoản hợp đồng kiểm toán có thể được coi là hợp lý nếu xuất phát từ thay đổi về hoàn cảnh thực tế làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với dịch vụ kiểm toán hoặc xuất phát từ sự hiểu nhầm về nội dung kiểm toán so với yêu cầu ban đầu.
A31. Ngược lại, yêu cầu thay đổi điều khoản hợp đồng kiểm toán không được coi là hợp lý nếu xuất phát từ những thông tin không chính xác, không đầy đủ hoặc không thỏa đáng. Ví dụ khi kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến khoản nợ phải thu và đơn vị được kiểm toán yêu cầu chuyển đổi dịch vụ kiểm toán thành dịch vụ soát xét để tránh báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ hoặc từ chối đưa ra ý kiến.
Yêu cầu chuyển đổi từ dịch vụ kiểm toán thành dịch vụ soát xét hoặc một dịch vụ liên quan khác (Tham chiếu: Đoạn 15)
A32. Trước khi đồng ý chuyển đổi từ dịch vụ kiểm toán thành dịch vụ soát xét hoặc một dịch vụ liên quan khác, nếu kiểm toán viên thực hiện cuộc kiểm toán theo các chuẩn mực kiểm toán quốc tế thì ngoài việc phải thực hiện các hướng dẫn tại đoạn A29-A31, kiểm toán viên có thể cần đánh giá các ảnh hưởng về mặt pháp lý đối với sự chuyển đổi đó.
A33. Nếu xét thấy lý do của việc chuyển đổi dịch vụ kiểm toán thành dịch vụ soát xét hoặc một dịch vụ liên quan khác là hợp lý, kiểm toán viên có thể sử dụng kết quả công việc kiểm toán đã thực hiện cho đến ngày chuyển đổi để phục vụ cho việc thực hiện dịch vụ mới đó, tuy nhiên, các công việc cần thực hiện và báo cáo phát hành phải phù hợp với dịch vụ mới chuyển đổi. Để tránh hiểu nhầm cho người sử dụng báo cáo, báo cáo của dịch vụ mới chuyển đổi này không được tham chiếu đến:
(a) Hợp đồng kiểm toán ban đầu; hoặc
(b) Bất kỳ thủ tục nào đã được thực hiện theo hợp đồng kiểm toán ban đầu, trừ khi hợp đồng kiểm toán được thay đổi thành hợp đồng thực hiện các thủ tục thỏa thuận trước và việc tham chiếu đến các thủ tục đã thực hiện là yêu cầu bắt buộc của báo cáo.
Trả lời