Kiểm toán viên đánh giá bằng chứng kiểm toán
Đánh giá bằng chứng kiểm toán
21. Kiểm toán viên phải đánh giá các thủ tục phân tích được thực hiện ở giai đoạn cuối cuộc kiểm toán khi đưa ra kết luận tổng thể (nhằm xác định xem báo cáo tài chính có nhất quán với hiểu biết của kiểm toán viên về đơn vị được kiểm toán hay không) xem có dấu hiệu cho thấy có rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận mà chưa được phát hiện trước đó hay không (Tham chiếu: Đoạn A50).
22. Nếu phát hiện ra sai sót, kiểm toán viên phải đánh giá xem sai sót đó có phải là biểu hiện của gian lận hay không. Nếu có biểu hiện gian lận thì kiểm toán viên phải đánh giá tác động của sai sót đến các mặt khác của cuộc kiểm toán, đặc biệt là độ tin cậy của các giải trình của Ban Giám đốc, và phải nhận thức được rằng gian lận thường không phải là cá biệt (Tham chiếu: Đoạn A51 Chuẩn mực này).
23. Nếu phát hiện ra sai sót, bất kể có trọng yếu hay không, mà kiểm toán viên có lý do để tin rằng sai sót đó xuất phát từ gian lận hoặc có thể xuất phát từ gian lận và có sự tham gia của Ban Giám đốc (đặc biệt là lãnh đạo cấp cao), thì kiểm toán viên phải xem xét lại đánh giá của mình về rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận và ảnh hưởng của sai sót đó tới nội dung, lịch trình, phạm vi của các thủ tục kiểm toán để xử lý rủi ro đã đánh giá. Khi xem xét lại độ tin cậy của các bằng chứng đã thu thập được trước đó, kiểm toán viên cũng phải cân nhắc xem các tình huống hoặc điều kiện có biểu hiện hành vi thông đồng liên quan đến các nhân viên, Ban Giám đốc hoặc các bên thứ ba hay không (Tham chiếu: Đoạn A52).
24. Khi kiểm toán viên khẳng định rằng báo cáo tài chính có chứa đựng sai sót trọng yếu, hoặc không thể đưa ra kết luận được rằng báo cáo tài chính có chứa đựng sai sót trọng yếu do gian lận hay không thì kiểm toán viên phải đánh giá các tác động đối với cuộc kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A53).
Kiểm toán viên không thể tiếp tục hợp đồng kiểm toán
25. Do kết quả của một sai sót do gian lận hoặc nghi ngờ có gian lận, nếu gặp phải tình huống dẫn đến yêu cầu xem xét lại khả năng tiếp tục thực hiện công việc kiểm toán thì kiểm toán viên phải:
(a) Xác định trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm pháp lý áp dụng trong tình huống đó, bao gồm trách nhiệm phải báo cáo với người chỉ định thực hiện cuộc kiểm toán hoặc trong một số trường hợp, báo cáo với các cơ quan quản lý có thẩm quyền;
(b) Cân nhắc việc rút khỏi hợp đồng kiểm toán nếu pháp luật hoặc các quy định liên quan cho phép;
(c) Nếu rút khỏi hợp đồng thì kiểm toán viên phải:
(i) Trao đổi với cấp quản lý thích hợp và Ban quản trị của đơn vị được kiểm toán về việc rút khỏi hợp đồng kiểm toán và lý do rút khỏi hợp đồng kiểm toán; và
(ii) Xác định trách nhiệm nghề nghiệp hoặc trách nhiệm pháp lý yêu cầu phải báo cáo với người chỉ định thực hiện cuộc kiểm toán hoặc trong một số trường hợp, báo cáo với các cơ quan quản lý có thẩm quyền về việc kiểm toán viên rút khỏi hợp đồng kiểm toán và lý do rút khỏi hợp đồng kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A54-A57).
Giải trình bằng văn bản
26. Kiểm toán viên phải thu thập giải trình bằng văn bản của Ban Giám đốc hoặc/và Ban quản trị về việc:
(a) Ban Giám đốc hoặc/và Ban quản trị thừa nhận trách nhiệm thiết kế, thực hiện và duy trì kiểm soát nội bộ nhằm ngăn ngừa và phát hiện gian lận;
(b) Ban Giám đốc hoặc/và Ban quản trị đã cung cấp cho kiểm toán viên kết quả đánh giá của họ về rủi ro có thể có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính do gian lận;
(c) Ban Giám đốc hoặc/và Ban quản trị đã cung cấp cho kiểm toán viên các thông tin mà họ biết về gian lận hoặc nghi ngờ có gian lận ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán, liên quan đến:
(i) Ban Giám đốc ;
(ii) Các nhân viên giữ vai trò quan trọng trong kiểm soát nội bộ; hoặc
(iii) Các vấn đề khác, trong trường hợp hành vi gian lận có thể có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính; và
(d) Ban Giám đốc hoặc/và Ban quản trị đã cung cấp cho kiểm toán viên các thông tin mà họ biết về bất kỳ cáo buộc gian lận, hoặc nghi ngờ gian lận nào có ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán do các nhân viên hiện đang công tác tại đơn vị, các nhân viên đã từng công tác tại đơn vị, các chuyên gia phân tích, các cơ quan quản lý hoặc các đối tượng khác thông báo (Tham chiếu: Đoạn A58-A59).
Trao đổi với Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán
27. Nếu kiểm toán viên xác định được hành vi gian lận hoặc thu thập được thông tin cho thấy có thể có hành vi gian lận thì kiểm toán viên phải kịp thời trao đổi các vấn đề này với cấp quản lý phù hợp của đơn vị nhằm thông báo với những người có trách nhiệm chính trong việc ngăn ngừa và phát hiện gian lận về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của họ (Tham chiếu: Đoạn A60).
28. Nếu kiểm toán viên xác định được hoặc nghi ngờ rằng hành vi gian lận có liên quan đến:
(a) Ban Giám đốc ;
(b) Các nhân viên giữ vai trò quan trọng trong kiểm soát nội bộ; hoặc
(c) Những người khác trong trường hợp hành vi gian lận dẫn đến sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính
thì kiểm toán viên phải kịp thời trao đổi vấn đề này với Ban quản trị, trừ khi tất cả thành viên Ban quản trị đều tham gia quản lý và điều hành đơn vị được kiểm toán. Nếu kiểm toán viên nghi ngờ hành vi gian lận có liên quan đến Ban Giám đốc thì kiểm toán viên phải trao đổi vấn đề này với Ban quản trị và thảo luận với Ban quản trị về nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán cần thiết để hoàn tất cuộc kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A61-A63).
29. Kiểm toán viên phải trao đổi với Ban quản trị về bất cứ vấn đề nào khác liên quan đến hành vi gian lận mà kiểm toán viên đánh giá là liên quan đến trách nhiệm của Ban quản trị (Tham chiếu: Đoạn A64).
Trao đổi với các cơ quan quản lý và cơ quan hành pháp có liên quan
30. Nếu xác định được hành vi gian lận hoặc nghi ngờ có hành vi gian lận thì kiểm toán viên phải xác định liệu có trách nhiệm phải báo cáo về hành vi gian lận hoặc nghi ngờ có hành vi gian lận đó với bên thứ ba ngoài đơn vị hay không. Mặc dù trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng có thể không cho phép kiểm toán viên thực hiện việc báo cáo đó nhưng trong một số trường hợp, trách nhiệm pháp lý của kiểm toán viên có thể cao hơn trách nhiệm bảo mật đó (Tham chiếu: Đoạn A65-A67).
Tài liệu, hồ sơ kiểm toán
31. Kiểm toán viên phải lưu trong hồ sơ kiểm toán các tài liệu sau[11] để thể hiện những hiểu biết của kiểm toán viên về đơn vị được kiểm toán, môi trường hoạt động của đơn vị và kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 315[12]:
(a) Các quyết định quan trọng trong quá trình thảo luận của nhóm kiểm toán về khả năng báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán có sai sót trọng yếu do gian lận; và
(b) Các rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận đã được xác định và đánh giá ở cấp độ báo cáo tài chính và cấp độ cơ sở dẫn liệu.
32. Kiểm toán viên phải lưu trong hồ sơ kiểm toán các tài liệu sau để thể hiện biện pháp xử lý của kiểm toán viên đối với rủi ro có sai sót trọng yếu đã đánh giá theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 330[13]:
(a) Biện pháp xử lý tổng thể đối với rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận đã đánh giá ở cấp độ báo cáo tài chính và nội dung, lịch trình, phạm vi các thủ tục kiểm toán, và mối liên hệ giữa các thủ tục đó với các rủi ro có sai sót trọng yếu đã đánh giá do gian lận ở cấp độ cơ sở dẫn liệu; và
(b) Kết quả của các thủ tục kiểm toán, kể cả các thủ tục được thiết lập nhằm xử lý rủi ro Ban Giám đốc khống chế kiểm soát.
33. Kiểm toán viên phải ghi chép và lưu lại trong hồ sơ kiểm toán các thông tin về hành vi gian lận đã trao đổi với Ban Giám đốc, Ban quản trị, cơ quan quản lý và các đối tượng khác.
34. Khi kết luận rằng giả định rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận liên quan đến việc ghi nhận doanh thu là không phù hợp với thực tế của cuộc kiểm toán, kiểm toán viên phải lưu trong hồ sơ kiểm toán các cơ sở dẫn đến kết luận đó.
Trả lời