Trách nhiệm tuân thủ pháp luật và các quy định của đơn vị được kiểm toán
Trách nhiệm tuân thủ pháp luật và các quy định
A1. Trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán, dưới sự giám sát của Ban quản trị đơn vị, là đảm bảo rằng các hoạt động của đơn vị được thực hiện theo pháp luật và các quy định. Pháp luật và các quy định có thể ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của đơn vị theo nhiều cách khác nhau: ví dụ, phần lớn là trực tiếp ảnh hưởng đến các thuyết minh cụ thể trên báo cáo tài chính của đơn vị hoặc đưa ra khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính. Pháp luật và các quy định này cũng có thể thiết lập các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của đơn vị, trong đó, một số quyền và nghĩa vụ này được ghi nhận trong báo cáo tài chính của đơn vị. Đồng thời, pháp luật và các quy định cũng có thể quy định các hình thức xử phạt trong trường hợp không tuân thủ.
A2. Một số chính sách và thủ tục dưới đây có thể giúp đơn vị ngăn ngừa, phát hiện hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định:
· Nắm bắt kịp thời yêu cầu của pháp luật và các quy định, đồng thời đảm bảo rằng các thủ tục hoạt động được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu đó;
· Thiết lập và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ thích hợp;
· Xây dựng, công bố và thực hiện các quy tắc hành xử trong hoạt động của đơn vị;
· Đảm bảo tất cả nhân viên của đơn vị đều được tập huấn và nắm rõ các quy tắc hành xử trong hoạt động của đơn vị;
· Theo dõi việc tuân thủ các quy tắc hành xử trong hoạt động và có hình thức kỷ luật phù hợp đối với các trường hợp vi phạm;
· Sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật để hỗ trợ việc nắm bắt các yêu cầu của pháp luật và các quy định;
· Lưu trữ đầy đủ các văn bản pháp luật và các quy định quan trọng mà đơn vị phải tuân thủ trong lĩnh vực hoạt động của đơn vị và những tài liệu về các khiếu nại tranh chấp.
Đối với một số đơn vị lớn, các chính sách và thủ tục này có thể được bổ sung bằng cách giao trách nhiệm phù hợp cho:
· Bộ phận kiểm toán nội bộ;
· Bộ phận quản lý việc tuân thủ pháp luật.
Trách nhiệm của kiểm toán viên
A3. Hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định của đơn vị có thể dẫn đến sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính. Việc phát hiện ra hành vi không tuân thủ, dù có trọng yếu hay không, có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của cuộc kiểm toán, như sự cân nhắc của kiểm toán viên về tính chính trực của Ban Giám đốc hoặc nhân viên đơn vị được kiểm toán.
A4. Thông thường, một hành vi có được coi là không tuân thủ pháp luật và các quy định hay không là do chuyên gia pháp luật xác định chứ không phải do kiểm toán viên xác định bằng năng lực chuyên môn của mình. Tuy nhiên, kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết của kiểm toán viên về đơn vị được kiểm toán và lĩnh vực kinh doanh có thể là những cơ sở để giúp kiểm toán viên nhận diện một số hành động có thể là không tuân thủ pháp luật và các quy định.
A5. Theo một số quy định của pháp luật, kiểm toán viên có thể phải báo cáo cụ thể về tính tuân thủ pháp luật và các quy định của đơn vị được kiểm toán như một phần của cuộc kiểm toán báo cáo tài chính. Trong trường hợp này, Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 700[8] và Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 800[9] quy định cách trình bày về trách nhiệm này trong báo cáo kiểm toán. Hơn nữa, nếu có các yêu cầu báo cáo đặc biệt theo pháp luật, kiểm toán viên có thể phải đưa vào kế hoạch kiểm toán các thủ tục kiểm tra thích hợp đối với việc tuân thủ pháp luật và các quy định.
Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công
A6. Trong lĩnh vực công, kiểm toán viên có thể có thêm trách nhiệm kiểm toán về tính tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính hoặc có thể mở rộng đến các mặt hoạt động khác của đơn vị.
Trả lời