Ban quản trị đơn vị được kiểm toán
Ban quản trị đơn vị được kiểm toán
11. Kiểm toán viên cần xác định thành viên nào phù hợp trong Ban quản trị đơn vị được kiểm toán mà kiểm toán viên cần trao đổi thông tin khi thực hiện kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A1-A4).
Trao đổi với một bộ phận trong Ban quản trị đơn vị được kiểm toán
12. Khi trao đổi các vấn đề với một bộ phận , ví dụ Ủy ban kiểm toán, hoặc một cá nhân trong Ban quản trị, kiểm toán viên phải xác định xem có cần trao đổi lại với toàn bộ Ban quản trị hay không (Tham chiếu: Đoạn A5- A7).
Trường hợp toàn bộ Ban quản trị đều là thành viên Ban Giám đốc của đơn vị
13. Có trường hợp toàn bộ thành viên Ban quản trị đều là thành viên Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán như tại doanh nghiệp nhỏ mà chủ sở hữu đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp và không ai giữ vai trò quản trị. Trong trường hợp này, nếu các vấn đề cần trao đổi theo đoạn 16(c) chuẩn mực này đã được trao đổi với một thành viên trong Ban Giám đốc mà người đó đồng thời cũng có trong Ban quản trị thì kiểm toán viên không cần phải trao đổi lại các vấn đề trên với người đó đó trên cương vị là Ban quản trị nữa. Tuy nhiên, kiểm toán viên cần chắc chắn rằng các nội dung đã trao đổi với Ban Giám đốc đã được thông báo đầy đủ tới các thành viên có vai trò là Ban quản trị trong đơn vị (Tham chiếu: Đoạn A8).
Các vấn đề cần trao đổi
Trách nhiệm của kiểm toán viên đối với cuộc kiểm toán báo cáo tài chính
14. Kiểm toán viên cần trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về trách nhiệm của kiểm toán viên đối với cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, gồm:
(a) Kiểm toán viên có trách nhiệm đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính do Ban Giám đốc đơn vị chịu trách nhiệm lập và trình bày dưới sự giám sát của Ban quản trị đơn vị được kiểm toán; và
(b) Việc thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính không làm giảm trách nhiệm của Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A9-A10).
Phạm vi và lịch trình kiểm toán theo kế hoạch
15. Kiểm toán viên cần trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán các về phạm vi và lịch trình kiểm toán dự kiến (Tham chiếu: Đoạn A11-A15).
Các phát hiện quan trọng khi thực hiện kiểm toán
16. Kiểm toán viên phải trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán các vấn đề sau (Tham chiếu: Đoạn A16):
(a) Nhận xét của kiểm toán viên về khía cạnh định tính của thông lệ kế toán của đơn vị, bao gồm chính sách kế toán, ước tính kế toán và các thông tin công bố trong báo cáo tài chính. Nếu cần thiết, kiểm toán viên cần giải thích cho Ban quản trị đơn vị được kiểm toán biết lý do tại sao kiểm toán viên cho rằng một thông lệ kế toán quan trọng được coi là chấp nhận được theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính nhưng chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị (Tham chiếu: Đoạn A17);
(b) Những khó khăn (nếu có) phát sinh trong quá trình kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A18);
(c) Trừ khi toàn bộ Ban quản trị đồng thời là thành viên Ban Giám đốc:
(i) Các vấn đề quan trọng (nếu có) phát sinh trong quá trình kiểm toán được kiểm toán viên trực tiếp trao đổi hay lập thành văn bản gửi Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A19);
(ii) Thư giải trình của Ban Giám đốc theo đề nghị của kiểm toán viên.
(d) Các vấn đề khác (nếu có) phát sinh trong quá trình kiểm toán mà theo xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên là quan trọng đối với việc giám sát quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính của đơn vị (Tham chiếu: Đoạn A20).
Tính độc lập của kiểm toán viên
17. Trường hợp đơn vị được kiểm toán là tổ chức niêm yết, kiểm toán viên phải trao đổi với Ban quản trị đơn vị các vấn đề sau đây:
(a) Sự tuân thủ các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan đến tính độc lập của nhóm kiểm toán và các cá nhân khác trong doanh nghiệp kiểm toán, của doanh nghiệp kiểm toán và các công ty mạng lưới; và
(b) (i) Tất cả các mối quan hệ và các vấn đề liên quan giữa doanh nghiệp kiểm toán, công ty mạng lưới và đơn vị được kiểm toán, theo xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên, có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên. Trong đó có tổng số phí dịch vụ kiểm toán và phi kiểm toán trong kỳ kế toán do doanh nghiệp kiểm toán và công ty mạng lưới cung cấp cho đơn vị được kiểm toán và các đơn vị thành viên chịu sự kiểm soát của đơn vị. Số phí này phải được phân loại phù hợp theo từng loại dịch vụ nhằm hỗ trợ Ban quản trị đơn vị đánh giá ảnh hưởng của các dịch vụ đó đối với tính độc lập của kiểm toán viên; và
(ii) Các biện pháp bảo vệ đã được áp dụng để hạn chế nguy cơ đe doạ đến tính độc lập của kiểm toán viên hoặc để giảm thiểu nguy cơ này xuống mức có thể chấp nhận được (Tham chiếu: Đoạn A21-A23).
Quá trình trao đổi
Thiết lập quá trình trao đổi
18. Kiểm toán viên phải trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về hình thức, thời gian và nội dung dự kiến trao đổi (Tham chiếu: Đoạn A28-A36).
Hình thức trao đổi
19. Kiểm toán viên phải trao đổi bằng văn bản với Ban quản trị đơn vị về những phát hiện quan trọng trong quá trình kiểm toán mà theo xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên thì việc trao đổi bằng lời là không thích hợp. Kiểm toán viên không nhất thiết phải trao đổi bằng văn bản về mọi vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A37-A39).
20. Kiểm toán viên phải trao đổi bằng văn bản với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về tính độc lập của kiểm toán viên theo quy định tại đoạn 17 Chuẩn mực này.
Thời điểm trao đổi
21. Kiểm toán viên phải kịp thời trao đổi các vấn đề nêu trên với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A40-A41).
Tính đầy đủ và phù hợp của quy trình trao đổi
22. Kiểm toán viên phải đánh giá xem nội dung trao đổi 2 chiều giữa kiểm toán viên với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán đã đầy đủ cho mục đích của cuộc kiểm toán hay chưa. Nếu thấy nội dung trao đổi chưa đủ, kiểm toán viên cần đánh giá mức độ ảnh hưởng (nếu có) đến đánh giá của kiểm toán viên về rủi ro có sai sót trọng yếu và khả năng thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, đồng thời thực hiện thêm các biện pháp khắc phục phù hợp (Tham chiếu: Đoạn A42-A44).
Tài liệu, hồ sơ kiểm toán
23. Khi trao đổi bằng lời về các vấn đề quan trọng theo quy định của Chuẩn mực này, kiểm toán viên phải ghi lại nội dung của các vấn đề đã trao đổi, thời gian trao đổi và những người tham gia trao đổi. Trường hợp trao đổi bằng văn bản, kiểm toán viên phải lưu trong hồ sơ kiểm toán văn bản trao đổi[2] (Tham chiếu: Đoạn A45).
Trả lời