Các vấn đề cần lưu ý khi xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể
Các vấn đề cần lưu ý khi xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể
Phụ lục này trình bày các ví dụ về các vấn đề kiểm toán viên cần lưu ý khi xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể. Một số vấn đề này cũng ảnh hưởng đến kế hoạch kiểm toán chi tiết của kiểm toán viên. Một số điểm trong phụ lục này có thể áp dụng cho nhiều cuộc kiểm toán. Mặc dù một số vấn đề được nêu dưới đây có thể được quy định tại các chuẩn mực kiểm toán khác nhưng không phải là tất cả các vấn đề áp dụng cho mọi cuộc kiểm toán và danh mục dưới đây cũng không hoàn toàn đầy đủ.
Đặc điểm của cuộc kiểm toán
· Khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được sử dụng làm cơ sở cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính được kiểm toán, bao gồm sự cần thiết phải đối chiếu với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính khác;
· Các yêu cầu về lập báo cáo tài chính theo quy định của ngành;
· Phạm vi kiểm toán dự kiến, bao gồm số lượng và địa điểm của các đơn vị thành viên trong tập đoàn;
· Bản chất của mối quan hệ kiểm soát giữa công ty mẹ và các đơn vị thành viên, ảnh hưởng đến cách thức hợp nhất báo cáo tài chính của tập đoàn;
· Phạm vi kiểm toán của các kiểm toán viên khác đối với đơn vị các đơn vị thành viên;
· Đặc điểm bộ phân kinh doanh của đơn vị được kiểm toán, bao gồm sự cần thiết phải có kiến thức chuyên ngành;
· Đồng tiền kế toán được sử dụng, bao gồm sự cần thiết phải chuyển đổi đồng tiền cho báo cáo tài chính được kiểm toán;
· Sự cần thiết phải kiểm toán bắt buộc các báo cáo tài chính riêng lẻ ngoài kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất;
· Tình hình kiểm toán nội bộ và mức độ tin tưởng của kiểm toán viên đối với công việc của kiểm toán nội bộ;
· Việc đơn vị được kiểm toán sử dụng dịch vụ từ các tổ chức khác và cách thức kiểm toán viên thu thập bằng chứng liên quan đến việc thiết kế và vận hành các kiểm soát do các tổ chức này thực hiện;
· Sử dụng các bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước, như bằng chứng kiểm toán liên quan đến thủ tục đánh giá rủi ro và thử nghiệm kiểm soát;
· Ảnh hưởng của công nghệ thông tin đến các thủ tục kiểm toán, bao gồm mức độ sẵn có của dữ liệu và việc sử dụng các kỹ thuật kiểm toán bằng máy tính;
· Sự phối hợp giữa phạm vi và lịch trình kiểm toán với việc soát xét thông tin tài chính giữa kỳ nào và sự ảnh hưởng của các thông tin thu thập được từ công việc soát xét đó đối với cuộc kiểm toán;
· Mức độ sẵn có của dữ liệu và nhân sự của đơn vị được kiểm toán.
Mục tiêu báo cáo, thời gian kiểm toán và nội dung trao đổi thông tin
· Thời gian lập báo cáo tài chính giữa kỳ và cuối năm của đơn vị được kiểm toán;
· Tổ chức các buổi họp với Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán để thảo luận về nội dung, lịch trình và phạm vi của cuộc kiểm toán;
· Thảo luận với Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về loại báo cáo, thời gian phát hành và các nội dung trao đổi khác, bằng lời và bằng văn bản, bao gồm báo cáo kiểm toán, thư quản lý và các thông tin trao đổi với Ban quản trị đơn vị;
· Thảo luận với Ban Giám đốc đơn vị về nội dung trao đổi dự kiến về tình hình thực hiện công việc kiểm toán trong suốt cuộc kiểm toán;
· Trao đổi với kiểm toán viên đơn vị thành viên về loại báo cáo, thời gian phát hành báo cáo kiểm toán và các vấn đề khác liên quan đến việc kiểm toán các đơn vị thành viên;
· Thời gian và nội dung trao đổi giữa các thành viên trong nhóm kiểm toán, bao gồm thời gian và nội dung của cuộc họp và thời gian soát xét công việc đã thực hiện;
· Các nội dung trao đổi khác với bên thứ ba, bao gồm trách nhiệm báo cáo bắt buộc hoặc theo quy định trong hợp đồng kiểm toán.
Các yếu tố quan trọng, các thủ tục ban đầu của cuộc kiểm toán, và kiến thức thu thập được từ các cuộc kiểm toán khác
· Xác định mức trọng yếu theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 320[11] và:
o Xác định mức trọng yếu đối với đơn vị thành viên và trao đổi về mức trọng yếu này với kiểm toán viên đơn vị thành viên theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 600;[12]
o Xác định sơ bộ các đơn vị thành viên quan trọng và các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thuyết minh trọng yếu.
· Xác định sơ bộ các vùng có thể có rủi ro có sai sót trọng yếu cao;
· Ảnh hưởng của các rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá ở cấp độ tổng thể báo cáo tài chính đến việc chỉ đạo, giám sát và soát xét cuộc kiểm toán;
· Cách thức kiểm toán viên nhấn mạnh với các thành viên nhóm kiểm toán về sự cần thiết phải luôn giữ thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong quá trình thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán;
· Kết quả các cuộc kiểm toán trước trong việc đánh giá tính hiệu quả của kiểm soát nội bộ, bao gồm nội dung của các khiếm khuyết phát hiện được và biện pháp khắc phục các khiếm khuyết đó;
· Thảo luận với những cá nhân cùng doanh nghiệp kiểm toán có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ khác cho đơn vị được kiểm toán về các vấn đề có thể ảnh hưởng tới cuộc kiểm toán;
· Bằng chứng về cam kết của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về việc thiết kế, thực hiện và duy trì kiểm soát nội bộ, bao gồm bằng chứng được thể hiện trong hồ sơ về kiểm soát nội bộ đó;
· Khối lượng các giao dịch, từ đó kiểm toán viên có thể xác định tính hiệu quả của việc dựa vào kiểm soát nội bộ;
· Tầm quan trọng của kiểm soát nội bộ đối với hoạt động thành công của đơn vị được kiểm toán;
· Những phát triển kinh doanh quan trọng ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán, bao gồm những thay đổi về công nghệ thông tin và các quy trình kinh doanh, thay đổi nhân sự quản lý chủ chốt, và hoạt động mua, bán, hợp nhất;
· Những phát triển quan trọng trong ngành như thay đổi các quy định của ngành và các yêu cầu mới về báo cáo;
· Những thay đổi quan trọng trong khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính, như thay đổi chuẩn mực kế toán;
· Các phát triển quan trọng khác có liên quan, như thay đổi môi trường pháp lý có ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán.
Nội dung, lịch trình và phạm vi của các nguồn lực
· Bố trí nhóm kiểm toán (kể cả người soát xét việc kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán) và phân công công việc kiểm toán cho các thành viên trong nhóm, kể cả việc phân công người có kinh nghiệm thích hợp cho các vùng có thể có rủi ro có sai sót trọng yếu cao;
· Bố trí các nguồn lực cho cuộc kiểm toán, kể cả việc bố trí thời gian thích hợp cho các vùng kiểm toán có thể có rủi ro có sai sót trọng yếu cao.
Trả lời