Mục tiêu, chiến lược và những rủi ro kinh doanh có liên quan

Mục tiêu, chiến lược và những rủi ro kinh doanh có liên quan

A29. Đơn vị hoạt động trong bối cảnh ngành nghề, các yếu tố liên quan đến quy định pháp luật và những yếu tố bên trong và bên ngoài khác. Để thích ứng với những yếu tố này, Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị phải đặt ra những mục tiêu để lập kế hoạch tổng thể cho đơn vị. Chiến lược là những phương pháp mà Ban Giám đốc dự định sử dụng để đạt được mục tiêu đề ra. Mục tiêu và chiến lược của đơn vị có thể thay đổi theo thời gian.

A30. Rủi ro kinh doanh thường rộng hơn và bao gồm cả rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính. Rủi ro kinh doanh có thể phát sinh từ những thay đổi trong đơn vị hoặc từ những hoạt động phức tạp của đơn vị. Việc không nhận biết được nhu cầu thay đổi cũng có thể làm phát sinh rủi ro kinh doanh. Rủi ro kinh doanh có thể phát sinh từ những vấn đề như:

· Việc phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ mới không thành công;

· Thị trường không đủ lớn để tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ (kể cả thị trường đó đã được phát triển thành công);

· Những sai sót của sản phẩm hoặc dịch vụ có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lý hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị.

A31. Hiểu biết về rủi ro kinh doanh của đơn vị sẽ làm tăng khả năng phát hiện rủi ro có sai sót trọng yếu, vì hầu hết những rủi ro kinh doanh sẽ gây ra hậu quả tài chính, do đó làm ảnh hưởng tới báo cáo tài chính của đơn vị. Tuy nhiên, kiểm toán viên không có trách nhiệm phải phát hiện hoặc đánh giá tất cả các loại rủi ro kinh doanh bởi vì không phải tất cả rủi ro kinh doanh đều làm phát sinh rủi ro có sai sót trọng yếu.

A32. Khi tìm hiểu về mục tiêu, chiến lược cũng như rủi ro kinh doanh liên quan có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính của đơn vị, kiểm toán viên có thể cần quan tâm đến những vấn đề như:

· Sự phát triển ngành nghề (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: đơn vị không có đủ tiềm lực về con người cũng như năng lực chuyên môn để thích ứng với những thay đổi trong ngành mình đang hoạt động);

· Sản phẩm hoặc dịch vụ mới (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: trách nhiệm đối với sản phẩm tăng lên);

· Mở rộng phạm vi kinh doanh (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: ước tính nhu cầu thị trường không chính xác);

· Những yêu cầu mới về kế toán (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: thực hiện không đầy đủ, không đúng những yêu cầu mới về kế toán hoặc chi phí thực hiện tăng thêm);

· Những quy định pháp lý (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: nghĩa vụ pháp lý sẽ tăng lên);

· Những yêu cầu về nguồn vốn của đơn vị trong thời điểm hiện tại và trong tương lai (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: mất nguồn tài trợ vốn do đơn vị không đáp ứng được những yêu cầu);

· Sử dụng công nghệ thông tin (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: hệ thống và các thủ tục không tương thích với nhau);

· Ảnh hưởng của việc thực hiện một chiến lược, đặc biệt là những ảnh hưởng dẫn đến những yêu cầu kế toán mới (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: việc thực hiện không đầy đủ hoặc không phù hợp).

A33. Một rủi ro kinh doanh có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu đối với các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thuyết minh ở cấp độ cơ sở dẫn liệu hoặc cấp độ báo cáo tài chính. Ví dụ, rủi ro kinh doanh xuất phát từ việc nguồn khách hàng bị thu hẹp có thể làm tăng rủi ro có sai sót trọng yếu trong việc đánh giá các khoản phải thu. Tuy nhiên, rủi ro này cũng có thể dẫn đến hậu quả dài hạn, nhất là trong một nền kinh tế suy thoái và kiểm toán viên phải cân nhắc khi đánh giá tính phù hợp của giả định đơn vị hoạt động liên tục. Do đó, để xác định một rủi ro kinh doanh có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu hay không, kiểm toán viên cần xem xét trong hoàn cảnh cụ thể của đơn vị. Phụ lục 2 của Chuẩn mực này cung cấp ví dụ về những tình huống và sự kiện có thể cho thấy rủi ro có sai sót trọng yếu.

A34. Thông thường, Ban Giám đốc xác định những rủi ro kinh doanh và đưa ra hướng giải quyết rủi ro. Quy trình đánh giá rủi ro như trên là một phần của kiểm soát nội bộ, được quy định tại đoạn 15 và hướng dẫn tại đoạn A79-A80 Chuẩn mực này.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công

A35. Khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công, những vấn đề liên quan đến trách nhiệm giải trình trước công luận có thể ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của Ban Giám đốc và mục tiêu của Ban Giám đốc có thể bao gồm cả những mục tiêu theo quy định của pháp luật và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Việc đo lường và đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị (Tham chiếu: Đoạn 11(e))

A36. Ban Giám đốc và những cá nhân khác sẽ đo lường và đánh giá những vấn đề được xác định là quan trọng. Việc đo lường kết quả, từ bên trong hay bên ngoài đơn vị, đều sẽ tạo ra những áp lực cho đơn vị. Những áp lực này có thể thúc đẩy Ban Giám đốc thực hiện những hành động nhằm cải thiện kết quả hoạt động hoặc làm sai lệch báo cáo tài chính. Do đó, hiểu biết về cách đo lường kết quả hoạt động của đơn vị sẽ giúp kiểm toán viên xem xét liệu các áp lực để đạt được mục tiêu hoạt động có thể dẫn đến các hành động của Ban Giám đốc làm tăng rủi ro có sai sót trọng yếu, kể cả sai sót do gian lận hay không. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 240 quy định và hướng dẫn về các rủi ro có gian lận.

A37. Việc đo lường và đánh giá kết quả hoạt động có thể có cùng mục đích, nhưng không hoàn toàn giống như việc giám sát các kiểm soát (một thành phần của kiểm soát nội bộ, trình bày tại đoạn A98-A104):

· Đo lường và đánh giá kết quả hoạt động là đo lường và đánh giá liệu hoạt động kinh doanh có đạt được mục tiêu Ban Giám đốc (hoặc bên thứ 3) đề ra hay không;

· Việc giám sát các kiểm soát đặc biệt tập trung vào giám sát hiệu quả của kiểm soát nội bộ.

Tuy nhiên trong một vài tình huống, các chỉ tiêu đánh giá cũng cung cấp thông tin giúp Ban Giám đốc phát hiện được những khiếm khuyết của kiểm soát nội bộ.

A38. Ví dụ về các thông tin nội bộ được Ban Giám đốc sử dụng để đo lường và đánh giá kết quả hoạt động mà kiểm toán viên có thể xem xét, bao gồm:

· Những chỉ tiêu đánh giá kết quả hoạt động chủ yếu (tài chính và phi tài chính), những tỉ suất quan trọng, những xu hướng và số liệu thống kê hoạt động;

· Phân tích kết quả hoạt động theo từng giai đoạn;

· Kế hoạch tài chính, dự báo, phân tích biến động, thông tin về các bộ phận và các báo cáo đánh giá hoạt động của các bộ phận, phòng ban hoặc các cấp khác;

· Đánh giá kết quả công việc của nhân viên và chính sách lương bổng ưu đãi;

· So sánh kết quả hoạt động của đơn vị với các đối thủ cạnh tranh.

A39. Các tổ chức, cá nhân bên ngoài cũng có thể đo lường và đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị. Ví dụ, thông tin bên ngoài như các báo cáo phân tích và báo cáo xếp hạng tín nhiệm có thể cung cấp cho kiểm toán viên những thông tin hữu ích. Những loại báo cáo này thường được thu thập từ đơn vị được kiểm toán.

A40. Việc đo lường và đánh giá nội bộ có thể cho thấy các kết quả hoặc xu hướng không mong đợi đòi hỏi Ban Giám đốc phải xác định nguyên nhân và tiến hành những biện pháp khắc phục (trong một số tình huống, phải phát hiện và sửa chữa sai sót một cách kịp thời). Việc đo lường và đánh giá kết quả hoạt động cũng có thể cho kiểm toán viên thấy các rủi ro có sai sót liên quan đến báo cáo tài chính là có thực. Ví dụ, qua việc đo lường và đánh giá kết quả hoạt động có thể cho thấy sự tăng trưởng nhanh hoặc lợi nhuận bất thường so với các đơn vị khác trong cùng ngành. Đặc biệt, những thông tin này khi kết hợp với các yếu tố khác như hình thức thưởng hoặc chế độ lương ưu đãi dựa trên kết quả công việc có thể cho thấy rủi ro tiềm tàng về sự thiên lệch của Ban Giám đốc khi lập báo cáo tài chính.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *