Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu về môi trường đơn vị

Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu về môi trường đơn vị

Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ báo cáo tài chính

A105. Rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ báo cáo tài chính là những rủi ro có ảnh hưởng rộng đến tổng thể báo cáo tài chính và có ảnh hưởng tiềm tàng đến nhiều cơ sở dẫn liệu. Các rủi ro này có thể không phải là rủi ro có thể phát hiện được với các cơ sở dẫn liệu cụ thể tại các nhóm giao dịch, số dư tài khoản hoặc thuyết minh. Các rủi ro này đại diện cho các tình huống có thể làm tăng rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu, ví dụ, Ban Giám đốc khống chế kiểm soát nội bộ. Kiểm toán viên có thể cần đặc biệt lưu ý đến các rủi ro ở cấp độ báo cáo tài chính khi xem xét các rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận.

A106. Rủi ro ở cấp độ báo cáo tài chính có thể xuất phát từ khiếm khuyết của môi trường kiểm soát (mặc dù các rủi ro này cũng có thể liên quan đến các yếu tố khác, như tình hình kinh tế suy giảm). Ví dụ, sự thiếu năng lực của Ban Giám đốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đối với báo cáo tài chính, do vậy, kiểm toán viên cần phải có biện pháp xử lý toàn diện.

A107. Hiểu biết của kiểm toán viên về kiểm soát nội bộ có thể dẫn đến nghi ngờ đối với khả năng có thể thực hiện kiểm toán được báo cáo tài chính của đơn vị hay không. Ví dụ:

· Lo ngại nghiêm trọng về tính chính trực của Ban Giám đốc đơn vị dẫn đến việc kiểm toán viên kết luận rằng rủi ro do Ban Giám đốc trình bày sai các thông tin trên báo cáo tài chính lớn tới mức không thể thực hiện được cuộc kiểm toán;

· Lo ngại về điều kiện và độ tin cậy của hồ sơ, tài liệu của đơn vị khiến kiểm toán viên kết luận rằng khó có thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính.

A108. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 705[12] quy định và hướng dẫn kiểm toán viên xác định liệu có cần đưa ra ý kiến kiểm toán dạng ngoại trừ hoặc từ chối đưa ra ý kiến, hoặc trong một vài tình huống, rút khỏi cuộc kiểm toán nếu pháp luật và các quy định cho phép.

Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu

A109. Kiểm toán viên cần xem xét rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu đối với các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thuyết minh vì điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho việc xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo ở cấp độ cơ sở dẫn liệu cần thiết để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp. Khi xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu, kiểm toán viên có thể kết luận rằng rủi ro đã xác định có ảnh hưởng rộng hơn đến tổng thể báo cáo tài chính và ảnh hưởng tiềm tàng đến nhiều cơ sở dẫn liệu.

Sử dụng các cơ sở dẫn liệu

A110. Để khẳng định rằng báo cáo tài chính tuân thủ khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, Ban Giám đốc cần khẳng định rõ ràng hoặc ngầm định các cơ sở dẫn liệu về việc ghi nhận, đo lường, trình bày và công bố các thành phần của báo cáo tài chính và các thuyết minh liên quan.

A111. Các cơ sở dẫn liệu được kiểm toán viên sử dụng để xem xét các loại sai sót tiềm tàng có thể xảy ra được chia thành ba loại và có thể có những dạng sau:

(a) Các cơ sở dẫn liệu đối với các nhóm giao dịch và sự kiện trong kỳ được kiểm toán:

(i) Tính phát sinh: các giao dịch và các sự kiện được ghi nhận đã xảy ra và liên quan đến đơn vị;

(ii) Tính đầy đủ: tất cả các giao dịch và sự kiện cần ghi nhận đã được ghi nhận;

(iii) Tính chính xác: số liệu và dữ liệu liên quan đến các giao dịch và sự kiện đã ghi nhận được phản ánh một cách phù hợp;

(iv) Đúng kỳ: các giao dịch và sự kiện được ghi nhận đúng kỳ kế toán;

(v) Phân loại: các giao dịch và sự kiện được ghi nhận vào đúng tài khoản.

(b) Các cơ sở dẫn liệu đối với số dư tài khoản vào cuối kỳ:

(i) Tính hiện hữu: tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu thực sự tồn tại;

(ii) Quyền và nghĩa vụ: đơn vị nắm giữ các quyền liên quan đến tài sản của đơn vị và có nghĩa vụ với các khoản nợ phải trả của đơn vị;

(iii) Tính đầy đủ: tất cả các tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu cần ghi nhận đã được ghi nhận đầy đủ;

(iv) Đánh giá và phân bổ: tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu được thể hiện trên báo cáo tài chính theo giá trị phù hợp và những điều chỉnh liên quan đến đánh giá hoặc phân bổ đã được ghi nhận phù hợp.

(c) Các cơ sở dẫn liệu đối với các trình bày và thuyết minh:

(i) Tính hiện hữu, quyền và nghĩa vụ: các sự kiện, giao dịch và các vấn đề khác được thuyết minh thực sự đã xảy ra và có liên quan đến đơn vị;

(ii) Tính đầy đủ: tất cả các thuyết minh cần trình bày trên báo cáo tài chính đã được trình bày;

(iii) Phân loại và tính dễ hiểu: các thông tin tài chính được trình bày, diễn giải và thuyết minh hợp lý, rõ ràng, dễ hiểu;

(iv) Tính chính xác và đánh giá: thông tin tài chính và thông tin khác được trình bày hợp lý và theo giá trị phù hợp.

A112. Kiểm toán viên có thể sử dụng các cơ sở dẫn liệu được mô tả ở trên hoặc có thể diễn đạt theo cách khác với điều kiện là tất cả các nội dung nêu trên đều được đề cập tới. Ví dụ, kiểm toán viên có thể kết hợp các cơ sở dẫn liệu đối với các giao dịch và sự kiện với các cơ sở dẫn liệu đối với số dư tài khoản.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công

A113. Khi giải trình về các cơ sở dẫn liệu đối với báo cáo tài chính của các đơn vị trong lĩnh vực công, ngoài những cơ sở dẫn liệu được liệt kê ở đoạn A111, Ban Giám đốc thường phải khẳng định rằng các giao dịch và sự kiện đã được thực hiện tuân thủ pháp luật và các quy định. Các cơ sở dẫn liệu này cũng có thể thuộc phạm vi kiểm toán báo cáo tài chính.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *