Thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan ước tính kế toán

Thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan

8. Theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 315[4], khi thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan nhằm tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, trong đó có kiểm soát nội bộ của đơn vị, kiểm toán viên phải tìm hiểu các vấn đề sau để có cơ sở xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu đối với các ước tính kế toán (Tham chiếu: Đoạn A12):

(a) Các quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng đối với các ước tính kế toán, kể cả các thuyết minh liên quan (Tham chiếu: Đoạn A13-A15).

(b) Cách thức Ban Giám đốc xác định các giao dịch, sự kiện và điều kiện có thể dẫn đến sự cần thiết phải ghi nhận hoặc thuyết minh các ước tính kế toán trong báo cáo tài chính. Khi tìm hiểu vấn đề này, kiểm toán viên phải phỏng vấn Ban Giám đốc về những thay đổi của hoàn cảnh có thể dẫn đến sự cần thiết phải đưa ra ước tính kế toán mới hoặc phải sửa đổi ước tính kế toán đã có (Tham chiếu: Đoạn A16-A21).

(c) Cách thức Ban Giám đốc lập ước tính kế toán, và hiểu biết về các dữ liệu làm cơ sở lập các ước tính đó, bao gồm (Tham chiếu: Đoạn A22-A23):

(i) Phương pháp, kể cả mô hình, nếu có, được sử dụng để lập ước tính kế toán (Tham chiếu: Đoạn A24-A26);

(ii) Các kiểm soát liên quan (Tham chiếu: Đoạn A27-A28);

(iii) Việc Ban Giám đốc có sử dụng chuyên gia hay không (Tham chiếu: Đoạn A29-A30);

(iv) Các giả định được sử dụng để lập ước tính kế toán (Tham chiếu: Đoạn A31-A36);

(v) Có hoặc phải có sự thay đổi trong các phương pháp lập ước tính kế toán so với kỳ trước hay không và nếu có thì tại sao (Tham chiếu: Đoạn A37); và

(vi) Việc Ban Giám đốc có đánh giá ảnh hưởng của sự không chắc chắn trong ước tính hay không và nếu có thì đánh giá như thế nào (Tham chiếu: Đoạn A38).

9. Kiểm toán viên phải soát xét kết quả các ước tính kế toán trong báo cáo tài chính kỳ trước và nếu phù hợp, soát xét việc thực hiện lại các ước tính đó cho mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính kỳ hiện tại. Nội dung và phạm vi soát xét của kiểm toán viên có tính đến bản chất của các ước tính kế toán và việc liệu thông tin thu thập được từ việc soát xét có phù hợp để xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong các ước tính kế toán được lập trong báo cáo tài chính kỳ hiện tại hay không. Tuy nhiên, mục đích của việc soát xét không phải do nghi vấn về các xét đoán được đưa ra trong các kỳ trước dựa vào thông tin có tại thời điểm đó (Tham chiếu: Đoạn A39-A44).

Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu

10. Theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 315[5], khi xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu, kiểm toán viên phải đánh giá mức độ không chắc chắn trong ước tính kế toán (Tham chiếu: Đoạn A45-A46).

11. Kiểm toán viên phải dựa vào xét đoán của mình để xác định xem có ước tính kế toán nào được đánh giá là có mức độ không chắc chắn cao làm phát sinh rủi ro đáng kể hay không (Tham chiếu: Đoạn A47-A51).

Biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu đã đánh giá

12. Căn cứ vào rủi ro có sai sót trọng yếu đã đánh giá, kiểm toán viên phải xác định (Tham chiếu: Đoạn A52):

(a) Liệu Ban Giám đốc đã áp dụng một cách thích hợp các quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng liên quan đến ước tính kế toán hay chưa (Tham chiếu: Đoạn A53-A56); và

(b) Liệu các phương pháp lập ước tính kế toán có thích hợp và đã được áp dụng nhất quán hay chưa và liệu các thay đổi, nếu có, trong các ước tính kế toán hoặc trong phương pháp lập ước tính kế toán so với kỳ trước có phù hợp với hoàn cảnh hay không (Tham chiếu: Đoạn A57-A58).

13. Theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 330[6], khi xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu đã đánh giá, kiểm toán viên phải thực hiện một hoặc một số các biện pháp sau đây, trong đó có tính đến bản chất của các ước tính kế toán: (Tham chiếu: Đoạn A59-A61)

(a) Xác định xem các sự kiện phát sinh cho đến ngày ký báo cáo kiểm toán có cung cấp bằng chứng kiểm toán liên quan đến ước tính kế toán hay không (Tham chiếu: Đoạn A62-A67).

(b) Kiểm tra cách thức Ban Giám đốc lập ước tính kế toán và các dữ liệu làm cơ sở cho việc lập ước tính kế toán. Khi kiểm tra, kiểm toán viên phải đánh giá liệu (Tham chiếu: Đoạn A68-A70):

(i) Phương pháp đo lường được sử dụng có phù hợp với hoàn cảnh hay không (Tham chiếu: Đoạn A71-A76);

(ii) Các giả định mà Ban Giám đốc sử dụng có hợp lý theo mục tiêu đo lường của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không (Tham chiếu: Đoạn A77-A83).

(c) Kiểm tra tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát đối với cách thức Ban Giám đốc lập ước tính kế toán, cùng với các thử nghiệm cơ bản thích hợp (Tham chiếu: Đoạn A84-A86).

(d) Xây dựng giá trị ước tính hoặc khoảng giá trị ước tính để đánh giá giá trị ước tính của Ban Giám đốc. Vì mục đích này (Tham chiếu: Đoạn A87-A91):

(i) Nếu kiểm toán viên sử dụng các giả định hoặc phương pháp khác với các giả định và phương pháp của Ban Giám đốc, kiểm toán viên phải tìm hiểu đầy đủ về các giả định và phương pháp của Ban Giám đốc để đảm bảo rằng kiểm toán viên đã tính đến tất cả các biến số có liên quan khi đưa ra giá trị ước tính hoặc khoảng giá trị ước tính của mình và để đánh giá bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào so với giá trị ước tính của Ban Giám đốc (Tham chiếu: Đoạn A92).

(ii) Nếu kiểm toán viên kết luận rằng việc sử dụng một khoảng giá trị ước tính là thích hợp thì kiểm toán viên phải dựa vào các bằng chứng kiểm toán đã có để thu hẹp khoảng giá trị ước tính cho đến khi tất cả các kết quả trong khoảng giá trị ước tính đó được coi là hợp lý (Tham chiếu: Đoạn A93-A95).

14. Khi xác định các vấn đề nêu trong đoạn 12 hoặc xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu đã đánh giá theo đoạn 13, kiểm toán viên phải xem xét liệu có cần phải có kiến thức hoặc kỹ năng chuyên sâu liên quan đến một hay nhiều khía cạnh của các ước tính kế toán để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp hay không (Tham chiếu: Đoạn A96-A101).

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *