Thử nghiệm cơ bản tiếp theo để xử lý rủi ro đáng kể các ước tính kế toán
Thử nghiệm cơ bản tiếp theo để xử lý rủi ro đáng kể
Sự không chắc chắn trong ước tính
15. Đối với các ước tính kế toán làm phát sinh rủi ro đáng kể, ngoài việc thực hiện các thử nghiệm cơ bản theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 330[7], kiểm toán viên phải đánh giá (Tham chiếu: Đoạn A102):
(a) Ban Giám đốc đã xem xét các giả định hoặc kết quả khác như thế nào và lý do Ban Giám đốc không chọn các giả định hoặc kết quả đó, hoặc Ban Giám đốc đã xử lý sự không chắc chắn trong ước tính như thế nào khi lập ước tính kế toán (Tham chiếu: Đoạn A103-A106).
(b) Các giả định quan trọng được Ban Giám đốc sử dụng có hợp lý hay không (Tham chiếu: Đoạn A107-A109).
(c) Dự định và khả năng thực hiện các hành động cụ thể của Ban Giám đốc, khi kiểm toán viên xem xét tính hợp lý của các giả định quan trọng mà Ban Giám đốc sử dụng hoặc việc áp dụng thích hợp khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng (Tham chiếu: Đoạn A110).
16. Nếu theo xét đoán của kiểm toán viên, Ban Giám đốc chưa xử lý thích đáng các ảnh hưởng của sự không chắc chắn trong các ước tính kế toán làm phát sinh rủi ro đáng kể, kiểm toán viên phải đặt ra một khoảng giá trị ước tính, nếu cần thiết, để đánh giá tính hợp lý của ước tính kế toán (Tham chiếu: Đoạn A111-A112).
Tiêu chí ghi nhận và đo lường
17. Đối với các ước tính kế toán làm phát sinh rủi ro đáng kể, kiểm toán viên phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc liệu:
(a) quyết định của Ban Giám đốc về việc ghi nhận hay không ghi nhận các ước tính kế toán trong báo cáo tài chính (Tham chiếu: Đoạn A113-A114); và
(b) cơ sở đo lường được chọn cho các ước tính kế toán (Tham chiếu: Đoạn A115),
có tuân theo các quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không.
Đánh giá tính hợp lý của ước tính kế toán và xác định sai sót
18. Dựa vào các bằng chứng kiểm toán, kiểm toán viên phải đánh giá các ước tính kế toán trong báo cáo tài chính là hợp lý theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay bị sai sót (Tham chiếu: Đoạn A116-A119).
Các thuyết minh liên quan đến ước tính kế toán
19. Kiểm toán viên phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc liệu các thuyết minh trong báo cáo tài chính liên quan đến các ước tính kế toán có tuân theo các quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không (Tham chiếu: Đoạn A120-A121 Chuẩn mực này).
20. Đối với các ước tính kế toán làm phát sinh rủi ro đáng kể, kiểm toán viên cũng phải đánh giá tính đầy đủ của thuyết minh về sự không chắc chắn của ước tính trong báo cáo tài chính theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng (Tham chiếu: Đoạn A122-A123).
Các dấu hiệu về sự thiên lệch của Ban Giám đốc
21. Kiểm toán viên phải xem xét các xét đoán và quyết định của Ban Giám đốc khi lập ước tính kế toán nhằm xác định liệu có dấu hiệu về sự thiên lệch của Ban Giám đốc hay không. Khi kết luận về tính hợp lý của từng ước tính kế toán thì bản thân các dấu hiệu về sự thiên lệch của Ban Giám đốc không phải là sai sót (Tham chiếu: Đoạn A124-A125).
Giải trình bằng văn bản
22. Kiểm toán viên phải thu thập giải trình bằng văn bản của Ban Giám đốc và Ban quản trị, khi cần thiết, về việc liệu họ có tin tưởng rằng các giả định quan trọng được sử dụng khi lập ước tính kế toán là hợp lý hay không (Tham chiếu: Đoạn A126-A127).
Tài liệu, hồ sơ kiểm toán
23. Kiểm toán viên phải lưu tài liệu, hồ sơ kiểm toán về[8]:
(a) Cơ sở kết luận của kiểm toán viên về tính hợp lý của các ước tính kế toán và các thuyết minh liên quan làm phát sinh rủi ro đáng kể; và
(b) Các dấu hiệu về sự thiên lệch của Ban Giám đốc, nếu có (Tham chiếu: Đoạn A128).
Trả lời