Các giả định liên quan đến ước tính kế toán
Các giả định liên quan đến ước tính kế toán
A31. Các giả định là phần không thể tách rời của ước tính kế toán. Ví dụ về các vấn đề mà kiểm toán viên có thể xem xét khi tìm hiểu về các giả định được sử dụng để lập ước tính kế toán bao gồm:
· Nội dung của các giả định, bao gồm giả định nào là giả định quan trọng.
· Cách thức Ban Giám đốc đánh giá liệu các giả định có đầy đủ và phù hợp hay không (nghĩa là xem xét liệu tất cả các biến số có liên quan đã được tính đến hay chưa).
· Cách thức Ban Giám đốc xác định liệu các giả định được sử dụng có nhất quán với nhau hay không.
· Liệu các giả định có liên quan đến các vấn đề trong tầm kiểm soát của Ban Giám đốc (như giả định về kế hoạch bảo dưỡng có thể ảnh hưởng đến ước tính về thời gian sử dụng hữu ích của tài sản) và các giả định đó có phù hợp với kế hoạch kinh doanh và môi trường bên ngoài của đơn vị hay không; hay các giả định nằm ngoài tầm kiểm soát của Ban Giám đốc (như giả định về lãi suất, tỷ lệ tử vong, các phán quyết của tòa án, hay là sự biến động và thời điểm của các dòng tiền tương lai).
· Nội dung và phạm vi của tài liệu, hồ sơ, nếu có, dẫn chứng cho các giả định.
Các giả định có thể do một chuyên gia lập hoặc xác định nhằm hỗ trợ Ban Giám đốc trong việc lập ước tính kế toán. Các giả định này khi được Ban Giám đốc sử dụng trở thành giả định của Ban Giám đốc.
A32. Mặc dù thuật ngữ dữ liệu đầu vào thường được sử dụng để chỉ dữ liệu mà các giả định cụ thể được áp dụng cho dữ liệu đó nhưng trong một số trường hợp, các giả định cũng có thể được coi là dữ liệu đầu vào, ví dụ khi Ban Giám đốc sử dụng một mô hình để lập ước tính kế toán.
A33. Ban Giám đốc có thể chứng minh cho các giả định bằng nhiều loại thông tin được thu thập từ các nguồn bên trong và bên ngoài đơn vị mà tính thích hợp và độ tin cậy của các thông tin này sẽ khác nhau. Trong một số trường hợp, một giả định có thể dựa một cách đáng tin cậy vào thông tin từ các nguồn bên ngoài đơn vị (như lãi suất công bố hoặc các dữ liệu thống kê khác) hay từ các nguồn bên trong đơn vị (như thông tin quá khứ hoặc các điều kiện trước đây của đơn vị). Trong trường hợp khác, một giả định có thể mang tính chủ quan hơn, như khi đơn vị không có kinh nghiệm hoặc không có các nguồn bên ngoài để thu thập thông tin.
A34. Đối với ước tính kế toán về giá trị hợp lý, các giả định thường phản ánh hoặc nhất quán với thông tin mà các bên có hiểu biết, sẵn sàng tham gia vào giao dịch ngang giá (đôi khi gọi là “các bên tham gia thị trường” hoặc tương đương) sử dụng để xác định giá trị hợp lý khi trao đổi một tài sản hoặc thanh toán một khoản nợ phải trả. Các giả định cụ thể cũng thay đổi tùy thuộc vào đặc điểm của tài sản hoặc nợ phải trả được định giá, phương pháp định giá được sử dụng (ví dụ như phương pháp thị trường hoặc phương pháp thu nhập) và các quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.
A35. Đối với ước tính kế toán về giá trị hợp lý, các giả định hoặc dữ liệu đầu vào có thể thay đổi tùy thuộc vào nguồn và cơ sở của chúng như sau:
(a) Các giả định hoặc dữ liệu đầu vào phản ánh thông tin mà các bên tham gia thị trường sử dụng khi định giá tài sản hoặc nợ phải trả được xây dựng dựa trên dữ liệu về thị trường thu thập được từ các nguồn độc lập với đơn vị báo cáo (đôi khi được gọi là “dữ liệu đầu vào kiểm chứng được” hoặc tương đương).
(b) Các giả định hoặc dữ liệu đầu vào phản ánh xét đoán riêng của đơn vị về giả định mà các bên tham gia thị trường sử dụng khi định giá tài sản hoặc nợ phải trả được xây dựng dựa trên thông tin tốt nhất có được (đôi khi được gọi là “dữ liệu đầu vào không kiểm chứng được” hoặc tương đương).
Tuy nhiên, trên thực tế, sự phân biệt giữa (a) và (b) không phải lúc nào cũng rõ ràng. Hơn nữa, Ban Giám đốc có thể cần lựa chọn từ một số giả định khác nhau mà các bên khác nhau tham gia thị trường sử dụng.
A36. Mức độ chủ quan, như liệu một giả định hoặc một dữ liệu đầu vào có kiểm chứng được hay không, ảnh hưởng đến mức độ không chắc chắn trong ước tính và do đó ảnh hưởng đến đánh giá của kiểm toán viên về rủi ro có sai sót trọng yếu đối với một ước tính kế toán cụ thể.
Thay đổi trong phương pháp lập ước tính kế toán
A37. Khi đánh giá cách thức Ban Giám đốc lập ước tính kế toán, kiểm toán viên cần tìm hiểu liệu có hoặc phải có sự thay đổi trong phương pháp lập ước tính kế toán so với kỳ trước hay không. Phương pháp ước tính có thể cần thay đổi cho phù hợp với những thay đổi của môi trường hoặc hoàn cảnh ảnh hưởng đến đơn vị hoặc theo quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng. Nếu Ban Giám đốc đã thay đổi phương pháp lập ước tính kế toán thì Ban Giám đốc phải chứng minh được rằng phương pháp mới thích hợp hơn hoặc đáp ứng được những thay đổi đó. Ví dụ, nếu Ban Giám đốc thay đổi cơ sở lập ước tính kế toán từ phương pháp định giá trên giá thị trường sang phương pháp sử dụng mô hình, kiểm toán viên phải xem xét liệu các giả định của Ban Giám đốc về thị trường có phù hợp với hoàn cảnh kinh tế hay không.
Sự không chắc chắn trong ước tính kế toán (Tham chiếu: Đoạn 8(c)(vi))
A38. Ví dụ về các vấn đề mà kiểm toán viên có thể xem xét khi tìm hiểu liệu Ban Giám đốc có đánh giá ảnh hưởng của sự không chắc chắn trong ước tính hay không và nếu có thì đánh giá như thế nào bao gồm:
· Liệu Ban Giám đốc có xem xét hay không và nếu có thì xem xét như thế nào các giả định hoặc kết quả khác, bằng cách như tiến hành phân tích độ nhạy cảm để xác định ảnh hưởng của các thay đổi trong giả định đối với một ước tính kế toán.
· Cách thức Ban Giám đốc xác định ước tính kế toán khi việc phân tích đem lại một số kết quả khác nhau.
· Liệu Ban Giám đốc có theo dõi kết quả của các ước tính kế toán được lập trong kỳ trước hay không và liệu Ban Giám đốc có xử lý một cách thích hợp kết quả theo dõi hay không.
Trả lời