Các yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận gắn với một bên liên quan có ảnh hưởng chi phối

Các yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận gắn với một bên liên quan có ảnh hưởng chi phối

A29. Sự tập trung quyền quản lý vào một cá nhân hoặc một nhóm người mà không có các kiểm soát để làm giảm ảnh hưởng chi phối đó chính là một yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận.[24] Các dấu hiệu về ảnh hưởng chi phối của một bên liên quan bao gồm:

· Bên liên quan đã bác bỏ các quyết định kinh doanh quan trọng mà Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán đưa ra;

· Các giao dịch quan trọng được trình cho bên liên quan phê duyệt lần cuối;

· Có rất ít hoặc không có sự tranh luận nào giữa Ban quản trị và Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về các đề xuất kinh doanh của bên liên quan;

· Các giao dịch có sự tham gia của bên liên quan (hoặc một thành viên gia đình thân thuộc của bên liên quan) ít khi được rà soát và chấp thuận một cách độc lập.

Ảnh hưởng chi phối cũng có thể tồn tại trong một số trường hợp nếu bên liên quan đã giữ vai trò chính trong việc thành lập đơn vị và tiếp tục đóng vai trò chính trong việc quản lý đơn vị.

A30. Cùng với các yếu tố khác dẫn đến rủi ro, sự tồn tại của một bên liên quan có ảnh hưởng chi phối có thể cho thấy những rủi ro đáng kể có sai sót trọng yếu do gian lận. Ví dụ:

· Mức độ thay đổi nhiều bất thường của các thành viên Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán hoặc các chuyên gia tư vấn có thể cho thấy hành vi kinh doanh phi đạo đức hoặc gian lận để phục vụ mục đích của các bên liên quan;

· Việc sử dụng các cơ sở kinh doanh trung gian để thực hiện các giao dịch quan trọng không có căn cứ rõ ràng có thể cho thấy các bên liên quan có lợi ích trong các giao dịch đó thông qua việc kiểm soát các cơ sở kinh doanh trung gian đó vì mục đích gian lận;

· Bằng chứng về sự tham gia quá mức, hoặc gây ảnh hưởng, của các bên liên quan vào việc lựa chọn chính sách kế toán hoặc quyết định các ước tính quan trọng có thể cho thấy khả năng báo cáo tài chính bị gian lận.

Biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan (Tham chiếu: Đoạn 20)

A31. Nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo mà kiểm toán viên có thể lựa chọn để xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu đã đánh giá gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan phụ thuộc vào bản chất của rủi ro đó và hoàn cảnh của đơn vị.[25]

A32. Khi kiểm toán viên đánh giá có rủi ro đáng kể là Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đã không hạch toán hoặc thuyết minh hợp lý về các giao dịch cụ thể với các bên liên quan theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng (cho dù do nhầm lẫn hay gian lận), ví dụ về các thủ tục kiểm toán cơ bản mà kiểm toán viên có thể thực hiện bao gồm:

· Xác nhận hoặc thảo luận về các khía cạnh cụ thể của các giao dịch với các bên trung gian như ngân hàng, công ty luật, tổ chức bảo lãnh, hoặc đại lý (nếu có thể) và không bị pháp luật, các quy định hoặc các quy tắc đạo đức ngăn cấm;

· Xác nhận về mục đích, điều khoản hoặc giá trị cụ thể của các giao dịch với các bên liên quan (thủ tục kiểm toán này có thể kém hiệu quả nếu kiểm toán viên đánh giá rằng đơn vị có thể gây ảnh hưởng tới các bên liên quan để đối phó với kiểm toán viên);

· Đọc báo cáo tài chính hoặc các thông tin tài chính khác của các bên liên quan, khi có thể, để tìm bằng chứng về việc hạch toán các giao dịch trong sổ kế toán của các bên liên quan.

A33. Nếu kiểm toán viên đánh giá một rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận là kết quả của sự tồn tại của bên liên quan có ảnh hưởng chi phối, ngoài các quy định chung của Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 240, kiểm toán viên có thể tiến hành các thủ tục kiểm toán như sau để hiểu được các mối quan hệ kinh doanh mà bên liên quan đó có thể đã thiết lập trực tiếp hoặc gián tiếp với đơn vị và để quyết định tiến hành thêm các thủ tục kiểm toán cơ bản thích hợp:

· Phỏng vấn và thảo luận với Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán;

· Phỏng vấn bên liên quan;

· Kiểm tra các hợp đồng quan trọng với bên liên quan;

· Tìm hiểu thông tin thích hợp, như thông qua internet hoặc các cơ sở dữ liệu thông tin kinh doanh bên ngoài cụ thể;

· Soát xét các báo cáo của nhân viên cung cấp thông tin sai phạm, nếu có.

A34. Tuỳ thuộc vào kết quả của các thủ tục đánh giá rủi ro, kiểm toán viên có thể cân nhắc chỉ cần thu thập bằng chứng kiểm toán mà không phải kiểm tra các kiểm soát của đơn vị đối với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kiểm toán viên có thể không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nếu chỉ thực hiện các thủ tục kiểm toán cơ bản liên quan tới rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan. Ví dụ, khi có nhiều giao dịch nội bộ giữa đơn vị được kiểm toán và các đơn vị thành viên và một lượng thông tin đáng kể liên quan tới các giao dịch này được tạo lập, ghi chép, xử lý hoặc lập báo cáo một cách tự động thông qua hệ thống tích hợp, kiểm toán viên có thể xác định rằng không thể thiết lập các thủ tục kiểm toán cơ bản có hiệu quả để giảm rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các giao dịch này xuống mức thấp có thể chấp nhận được. Trong trường hợp đó, để đáp ứng quy định tại Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 330 là thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về tính hữu hiệu của các hoạt động kiểm soát có liên quan,[26] kiểm toán viên cần kiểm tra các kiểm soát của đơn vị đối với tính đầy đủ và độ chính xác của việc ghi chép các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan.

Xác định các bên liên quan hoặc các giao dịch quan trọng với các bên liên quan chưa được Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán xác định hay thông báo trước đó

Trao đổi thông tin với nhóm kiểm toán về các bên liên quan mới được xác định

A35. Việc trao đổi kịp thời với các thành viên nhóm kiểm toán về các bên liên quan mới được xác định sẽ giúp các thành viên xác định ảnh hưởng của thông tin này tới kết quả và kết luận rút ra từ các thủ tục đánh giá rủi ro đã thực hiện, từ đó xác định sự cần thiết phải đánh giá lại rủi ro có sai sót trọng yếu.

Các thủ tục kiểm toán cơ bản đối với các bên liên quan hoặc các giao dịch quan trọng với các bên liên quan mới được xác định (Tham chiếu: Đoạn 22(c))

A36. Ví dụ về các thủ tục kiểm toán cơ bản mà kiểm toán viên có thể thực hiện đối với các bên liên quan hoặc các giao dịch quan trọng với các bên liên quan mới được xác định, bao gồm:

· Phỏng vấn về bản chất của các mối quan hệ của đơn vị với các bên liên quan mới được xác định, bao gồm (nếu được và không bị pháp luật, các quy định hoặc các quy tắc đạo đức ngăn cấm) phỏng vấn các bên không thuộc đơn vị, những người được cho là có hiểu biết đáng kể về đơn vị và môi trường kinh doanh của đơn vị, như cố vấn pháp lý, các đại lý giao dịch chính, các đại diện chính, các chuyên gia tư vấn, đơn vị bảo lãnh, hoặc các đối tác kinh doanh thân thiết;

· Tiến hành phân tích các ghi chép kế toán về các giao dịch với các bên liên quan mới được xác định. Việc phân tích đó có dễ dàng được thực hiện nhờ các kỹ thuật kiểm toán được máy tính trợ giúp;

· Xác minh các điều khoản và điều kiện của các giao dịch với các bên liên quan mới được xác định, và đánh giá xem các giao dịch có được hạch toán và thuyết minh hợp lý theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không.

Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán cố ý không thông báo

A37. Các quy định và hướng dẫn trong Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 240 về các trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến gian lận trong một cuộc kiểm toán báo cáo tài chính là phù hợp trong trường hợp Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán cố ý không thông báo về các bên liên quan hoặc các giao dịch quan trọng với bên liên quan cho kiểm toán viên. Kiểm toán viên cũng có thể xem xét sự cần thiết phải đánh giá lại độ tin cậy của các câu trả lời của Ban Giám đốc đơn vị với các câu hỏi phỏng vấn của kiểm toán viên và giải trình của Ban Giám đốc đơn vị với kiểm toán viên.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *