Thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan đến khả năng hoạt động liên tục
Thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan đến khả năng hoạt động liên tục
10. Khi thực hiện thủ tục đánh giá rủi ro theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 315[3], kiểm toán viên phải xem xét liệu còn có các sự kiện hoặc điều kiện có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán hay không. Đồng thời, kiểm toán viên phải xác định xem Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đã đánh giá sơ bộ về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị hay chưa, và (Tham chiếu: Đoạn A2-A5):
(a) Nếu Ban Giám đốc đã đánh giá, kiểm toán viên phải thảo luận với Ban Giám đốc về đánh giá đó và xác định xem Ban Giám đốc có nhận thấy các sự kiện hoặc điều kiện, xét riêng lẻ hay kết hợp lại, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị hay không, và nếu có phải xem xét kế hoạch của Ban Giám đốc đối với vấn đề này; hoặc
(b) Nếu Ban Giám đốc chưa đánh giá, kiểm toán viên phải thảo luận với Ban Giám đốc về cơ sở của dự định sử dụng giả định hoạt động liên tục và phỏng vấn Ban Giám đốc liệu có các sự kiện hoặc điều kiện, xét riêng lẻ hay kết hợp lại, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị hay không.
11. Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên phải luôn cảnh giác với những bằng chứng kiểm toán về các sự kiện hoặc điều kiện có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A6).
Xem xét các đánh giá của Ban Giám đốc
12. Kiểm toán viên phải xem xét các đánh giá của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị (Tham chiếu: Đoạn A7-A9; A11-A12).
13. Khi xem xét các đánh giá của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị, kiểm toán viên phải xem xét trong cùng giai đoạn mà Ban Giám đốc đơn vị đã sử dụng để đánh giá theo yêu cầu của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, hoặc theo pháp luật và các quy định – nếu pháp luật và các quy định yêu cầu một giai đoạn dài hơn. Nếu đánh giá của Ban Giám đốc về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được thực hiện cho giai đoạn ít hơn 12 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán như quy định tại Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 560[4], kiểm toán viên phải yêu cầu Ban Giám đốc kéo dài giai đoạn đánh giá tới ít nhất là 12 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán (Tham chiếu: Đoạn A10-A12).
14. Khi xem xét các đánh giá của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán, kiểm toán viên phải xem xét liệu các đánh giá của Ban Giám đốc có bao gồm tất cả các thông tin liên quan mà kiểm toán viên biết được từ kết quả của cuộc kiểm toán hay không.
Giai đoạn sau khi Ban Giám đốc đánh giá
15. Kiểm toán viên phải phỏng vấn Ban Giám đốc về các hiểu biết của Ban Giám đốc về các sự kiện hoặc điều kiện phát sinh sau giai đoạn đã được Ban Giám đốc đánh giá mà các sự kiện hoặc điều kiện này có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A13-A14).
Thủ tục kiểm toán bổ sung khi các sự kiện hoặc điều kiện được phát hiện
16. Khi nhận thấy các sự kiện hoặc điều kiện có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán, kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nhằm xác định xem có hay không có yếu tố không chắc chắn trọng yếu, kể cả việc xem xét các yếu tố giảm nhẹ. Các thủ tục này phải bao gồm (Tham chiếu: Đoạn A15):
(a) Nếu Ban Giám đốc chưa thực hiện đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị, kiểm toán viên phải yêu cầu Ban Giám đốc thực hiện đánh giá.
(b) Xem xét các kế hoạch hành động trong tương lai của Ban Giám đốc có liên quan đến đánh giá của Ban Giám đốc về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị, đánh giá khả năng cải thiện tình hình cũng như tính khả thi của những kế hoạch này (Tham chiếu: Đoạn A16).
(c) Nếu đơn vị được kiểm toán đã lập kế hoạch dòng tiền và việc phân tích kế hoạch này là yếu tố quan trọng trong việc xem xét kết quả tương lai của các sự kiện hoặc điều kiện, khi đánh giá các kế hoạch hành động trong tương lai của Ban Giám đốc (Tham chiếu: Đoạn A17-A18):
(i) Đánh giá độ tin cậy của dữ liệu cơ bản được tạo ra để lập kế hoạch dòng tiền; và
(ii) Xác định liệu có đủ bằng chứng củng cố cho các giả định dùng để lập kế hoạch dòng tiền.
(d) Xem xét liệu còn có thông tin hay sự kiện bổ sung nào kể từ sau ngày Ban Giám đốc đưa ra đánh giá hay không.
(e) Yêu cầu Ban Giám đốc và Ban quản trị, khi thích hợp, giải trình bằng văn bản về các kế hoạch hành động trong tương lai của họ và tính khả thi của các kế hoạch đó.
Kết luận kiểm toán và báo cáo kiểm toán
17. Dựa vào những bằng chứng kiểm toán thu thập được, kiểm toán viên phải sử dụng xét đoán của mình để kết luận liệu có yếu tố không chắc chắn trọng yếu liên quan đến các sự kiện hoặc điều kiện, xét riêng lẻ hay kết hợp lại, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị hay không. Yếu tố không chắc chắn trọng yếu tồn tại khi khả năng xảy ra cũng như ảnh hưởng tiềm tàng của yếu tố đó lớn tới mức mà kiểm toán viên xét thấy cần phải trình bày rõ ràng về bản chất cũng như ảnh hưởng của yếu tố đó để đảm bảo (Tham chiếu: Đoạn A19):
(a) Báo cáo tài chính được trình bày hợp lý, theo khuôn khổ về trình bày hợp lý; hoặc
(b) Báo cáo tài chính không bị sai lệch, theo khuôn khổ về tuân thủ.
Việc sử dụng giả định hoạt động liên tục là phù hợp nhưng có yếu tố không chắc chắn trọng yếu
18. Trường hợp kiểm toán viên kết luận rằng việc sử dụng giả định hoạt động liên tục là phù hợp nhưng có yếu tố không chắc chắn trọng yếu, kiểm toán viên phải xác định xem báo cáo tài chính có đảm bảo các yêu cầu sau hay không:
(a) Trình bày đầy đủ các sự kiện hoặc điều kiện chủ yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán và kế hoạch của Ban Giám đốc đối với các sự kiện hoặc điều kiện này; và
(b) Trình bày rõ rằng có yếu tố không chắc chắn trọng yếu liên quan đến sự kiện hoặc điều kiện đó có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán và do đó, đơn vị có thể sẽ không thực hiện được giá trị tài sản và thanh toán các khoản nợ phải trả của mình trong điều kiện kinh doanh bình thường (Tham chiếu: Đoạn A20).
19. Nếu báo cáo tài chính của đơn vị đã trình bày đầy đủ các nội dung, kiểm toán viên phải đưa ra báo cáo kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần có đoạn Nhấn mạnh vấn đề nhằm:
(a) Nêu bật sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu liên quan đến sự kiện hoặc điều kiện có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán; và
(b) Lưu ý người đọc tới thuyết minh trong báo cáo tài chính về các vấn đề được quy định tại đoạn 18 (xem Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 706[5]. Tham chiếu: Đoạn A21-A22).
20. Nếu báo cáo tài chính của đơn vị không trình bày đầy đủ các nội dung, kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến ngoại trừ hoặc ý kiến trái ngược tùy theo từng trường hợp theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 705[6]. Kiểm toán viên phải nêu rõ trong báo cáo kiểm toán về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A23-A24).
Việc sử dụng giả định hoạt động liên tục là không phù hợp
21. Nếu báo cáo tài chính được lập trên cơ sở hoạt động liên tục nhưng theo xét đoán của kiểm toán viên, việc Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán sử dụng giả định này là không phù hợp thì kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến kiểm toán trái ngược (Tham chiếu: Đoạn A25-A26).
Ban Giám đốc không thực hiện hoặc không mở rộng đánh giá
22. Nếu Ban Giám đốc không thực hiện hoặc không mở rộng đánh giá theo yêu cầu của kiểm toán viên thì kiểm toán viên phải cân nhắc ảnh hưởng của vấn đề này đối với báo cáo kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A27).
Trao đổi với Ban quản trị
23. Trừ khi toàn bộ thành viên Ban quản trị đều là thành viên Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán[7], kiểm toán viên phải trao đổi với Ban quản trị về các sự kiện hoặc điều kiện đã xác định là có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán. Việc trao đổi với Ban quản trị phải bao gồm các nội dung sau:
(a) Liệu các sự kiện hoặc điều kiện đó có tạo ra yếu tố không chắc chắn trọng yếu hay không;
(b) Liệu việc sử dụng giả định hoạt động liên tục có phù hợp trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính hay không; và
(c) Tính đầy đủ của các thuyết minh có liên quan trong báo cáo tài chính.
Sự chậm trễ đáng kể trong việc phê duyệt báo cáo tài chính
24. Khi Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị có sự chậm trễ đáng kể trong việc phê duyệt báo cáo tài chính sau ngày kết thúc kỳ kế toán, kiểm toán viên phải tìm hiểu lý do của sự chậm trễ đó. Nếu kiểm toán viên tin rằng sự chậm trễ có thể do tác động của các sự kiện hoặc điều kiện liên quan đến việc đánh giá khả năng hoạt động liên tục của đơn vị thì kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung cần thiết như đã quy định tại đoạn 16, cũng như xem xét ảnh hưởng đến kết luận của kiểm toán viên về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu như đã quy định tại đoạn 17.
Trả lời