Giải trình bằng văn bản bổ sung về báo cáo tài chính

Giải trình bằng văn bản bổ sung về báo cáo tài chính

A10. Ngoài giải trình bằng văn bản theo quy định tại đoạn 10, kiểm toán viên có thể xem xét sự cần thiết phải yêu cầu các giải trình bằng văn bản khác về báo cáo tài chính. Các giải trình này có thể bổ sung, nhưng không phải là một phần của giải trình theo quy định tại đoạn 10. Các giải trình này có thể bao gồm:

· Liệu việc lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán có thích hợp hay không; và

· Liệu các vấn đề sau có được ghi nhận, đánh giá, trình bày hoặc thuyết minh theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không:

o Các kế hoạch hoặc dự định có thể ảnh hưởng tới giá trị ghi sổ hoặc phân loại tài sản và nợ phải trả;

o Nợ phải trả, kể cả nợ thực tế và nợ tiềm tàng;

o Quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát đối với tài sản, quyền nắm giữ hoặc các hạn chế đối với tài sản, các tài sản thế chấp; và

o Các khía cạnh của pháp luật và các quy định và các thỏa thuận của hợp đồng có thể ảnh hưởng đến báo cáo tài chính, kể cả hành vi không tuân thủ.

Giải trình bằng văn bản bổ sung về thông tin cung cấp cho kiểm toán viên

A11. Ngoài giải trình bằng văn bản theo quy định tại đoạn 11, kiểm toán viên có thể xem xét sự cần thiết phải yêu cầu Ban Giám đốc giải trình bằng văn bản rằng họ đã trao đổi với kiểm toán viên về tất cả các khiếm khuyết trong kiểm soát nội bộ mà họ biết.

Giải trình bằng văn bản về các cơ sở dẫn liệu cụ thể

A12. Khi thu thập bằng chứng hoặc đánh giá về các xét đoán và dự định, kiểm toán viên cần xem xét một trong những vấn đề sau:

· Tình hình thực hiện các ý định đề ra của đơn vị trong quá khứ.

· Lý do đơn vị lựa chọn một hành động cụ thể.

· Khả năng đơn vị thực hiện một hành động cụ thể.

· Sự tồn tại hoặc thiếu bất kỳ thông tin nào khác có thể được thu thập trong quá trình kiểm toán mà các thông tin này có thể không nhất quán với xét đoán hoặc dự định của Ban Giám đốc.

A13. Ngoài ra, kiểm toán viên có thể xem xét sự cần thiết phải yêu cầu Ban Giám đốc cung cấp giải trình bằng văn bản về các cơ sở dẫn liệu cụ thể trong báo cáo tài chính, đặc biệt là để bổ sung cho hiểu biết mà kiểm toán viên thu được từ bằng chứng kiểm toán khác về xét đoán hoặc dự định của Ban Giám đốc có liên quan đến một cơ sở dẫn liệu cụ thể hoặc tính đầy đủ của cơ sở dẫn liệu đó. Ví dụ, nếu dự định của Ban Giám đốc là quan trọng để làm cơ sở đánh giá các khoản đầu tư, thì kiểm toán viên có thể không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nếu không có văn bản giải trình của Ban Giám đốc về các ý định của họ. Mặc dù các bản giải trình đó cung cấp bằng chứng kiểm toán cần thiết, nhưng có thể chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp cho cơ sở dẫn liệu đó.

Trao đổi về mức giá trị

A14. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 450 quy định kiểm toán viên phải tổng hợp tất cả các sai sót đã được phát hiện trong quá trình kiểm toán, trừ những sai sót không đáng kể[6]. Kiểm toán viên có thể xác định mức giá trị cụ thể mà các sai sót dưới mức này được coi là sai sót không đáng kể. Tương tự, kiểm toán viên có thể xem xét việc trao đổi với Ban Giám đốc về mức giá trị cụ thể cho mục đích giải trình bằng văn bản.

Ngày ký văn bản giải trình và (các) giai đoạn được giải trình (Tham chiếu: Đoạn 14)

A15. Vì giải trình bằng văn bản là bằng chứng kiểm toán cần thiết nên kiểm toán viên không thể đưa ra ý kiến kiểm toán và ký báo cáo kiểm toán trước ngày ký văn bản giải trình. Hơn nữa, do kiểm toán viên quan tâm đến các sự kiện xảy ra trước ngày ký báo cáo kiểm toán có thể yêu cầu phải điều chỉnh hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính, nên ngày ký văn bản giải trình phải càng gần với ngày ký báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính càng tốt nhưng không được sau ngày ký báo cáo kiểm toán.

A16. Trong một số trường hợp, kiểm toán viên có thể cần thu thập giải trình bằng văn bản về một cơ sở dẫn liệu cụ thể trong báo cáo tài chính trong quá trình kiểm toán. Khi đó, kiểm toán viên có thể cần yêu cầu một bản giải trình cập nhật.

A17. Giai đoạn được giải trình phải là tất cả các giai đoạn được đề cập trong báo cáo kiểm toán vì Ban Giám đốc cần phải xác nhận lại rằng các bản giải trình của Ban Giám đốc vào các kỳ trước đó vẫn thích hợp. Kiểm toán viên và Ban Giám đốc có thể thống nhất về hình thức văn bản giải trình trong đó cập nhật các giải trình liên quan đến các kỳ trước đó bằng việc nêu rõ liệu có thay đổi nào đối với các bản giải trình đó hay không, và nếu có thì thay đổi đó là gì.

A18. Có thể có trường hợp Ban Giám đốc đương nhiệm không giữ chức vụ đó trong tất cả các kỳ được đề cập trong báo cáo kiểm toán. Họ có thể khẳng định rằng họ không có trách nhiệm cung cấp một số hoặc tất cả các văn bản giải trình vì họ không giữ chức vụ hiện tại này trong các kỳ trước đó. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không làm giảm bớt trách nhiệm của họ đối với báo cáo tài chính xét trên phương diện tổng thể. Do đó, quy định về việc kiểm toán viên phải yêu cầu Ban Giám đốc cung cấp bản giải trình về tất cả các giai đoạn có liên quan vẫn được áp dụng.

Hình thức của văn bản giải trình

A19. Bản giải trình cần được bao gồm trong thư giải trình gửi cho kiểm toán viên. Tuy nhiên, ở một số nước, pháp luật hoặc các quy định có thể yêu cầu Ban Giám đốc lập báo cáo giải trình công khai về trách nhiệm của họ. Mặc dù báo cáo đó mang tính chất giải trình cho người sử dụng báo cáo tài chính, hoặc cơ quan có thẩm quyền thích hợp, kiểm toán viên có thể xác định rằng đây là hình thức văn bản giải trình thích hợp đối với một số hoặc tất cả các vấn đề cần giải trình theo quy định tại đoạn 10 hoặc 11. Do đó, những vấn đề liên quan được giải trình trong báo cáo đó không cần phải được đề cập lại trong thư giải trình. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định của kiểm toán viên bao gồm:

· Báo cáo có bao gồm xác nhận về việc Ban Giám đốc đã hoàn thành các trách nhiệm của mình theo quy định tại đoạn 10 hoặc 11hay không.

· Báo cáo đã được những người có vai trò thích hợp mà kiểm toán viên yêu cầu cung cấp hoặc phê duyệt hay chưa.

· Báo cáo có được cung cấp cho kiểm toán viên gần với ngày ký báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính, nhưng không được sau ngày ký báo cáo kiểm toán hay không (xem đoạn 14).

A20. Một báo cáo chính thức về tính tuân thủ pháp luật và các quy định hoặc về việc phê duyệt báo cáo tài chính sẽ không chứa đựng đầy đủ thông tin để cho phép kiểm toán viên hài lòng rằng tất cả các giải trình cần thiết đã được thực hiện một cách có ý thức. Việc trình bày các trách nhiệm của Ban Giám đốc theo pháp luật hoặc các quy định không thay thế cho giải trình bằng văn bản.

A21. Phụ lục 2 cung cấp ví dụ minh họa về thư giải trình.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *