Các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp liên quan đến kiểm toán tập đoàn

Các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp liên quan đến kiểm toán tập đoàn

A37. Khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị thành viên cho mục đích kiểm toán tập đoàn, kiểm toán viên đơn vị thành viên phải tuân theo các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp liên quan đến kiểm toán tập đoàn. Các yêu cầu đó có thể khác biệt hoặc có bổ sung thêm so với những yêu cầu áp dụng cho kiểm toán viên đơn vị thành viên khi thực hiện kiểm toán theo luật định tại quốc gia của kiểm toán viên đơn vị thành viên. Vì thế, nhóm kiểm toán tập đoàn có thể tìm hiểu liệu kiểm toán viên đơn vị thành viên có hiểu và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp liên quan đến kiểm toán tập đoàn để hoàn thành trách nhiệm của mình trong cuộc kiểm toán tập đoàn hay không.

Năng lực chuyên môn của kiểm toán viên đơn vị thành viên

A38. Hiểu biết của nhóm kiểm toán tập đoàn về năng lực chuyên môn của kiểm toán viên đơn vị thành viên có thể bao gồm liệu kiểm toán viên đơn vị thành viên:

· Có hiểu biết đầy đủ về các chuẩn mực kiểm toán và các chuẩn mực khác áp dụng cho kiểm toán tập đoàn để hoàn thành trách nhiệm của mình trong cuộc kiểm toán tập đoàn hay không;

· Có các kỹ năng đặc biệt (ví dụ: kiến thức về ngành đặc thù) cần thiết để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của một đơn vị thành viên đặc thù hay không;

· Có hiểu biết đầy đủ về khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng để hoàn thành trách nhiệm của mình trong cuộc kiểm toán tập đoàn hay không (hướng dẫn của Ban Giám đốc tập đoàn cho các đơn vị thành viên thường mô tả các đặc điểm của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng).

Sử dụng hiểu biết của nhóm kiểm toán tập đoàn về kiểm toán viên đơn vị thành viên (Tham chiếu: Đoạn 20)
A39. Việc nhóm kiểm toán tập đoàn tham gia vào công việc của kiểm toán viên đơn vị thành viên hoặc thực hiện thủ tục đánh giá rủi ro bổ sung hoặc thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo đối với báo cáo tài chính của đơn vị thành viên cũng không thể khắc phục được thực tế là kiểm toán viên đơn vị thành viên không đảm bảo được tính độc lập.

A40. Tuy nhiên, nhóm kiểm toán tập đoàn có thể khắc phục được những lo ngại về năng lực chuyên môn của kiểm toán viên đơn vị thành viên (ví dụ: thiếu kiến thức về ngành đặc thù), hoặc kiểm toán viên đơn vị thành viên không hoạt động trong môi trường có thể giám sát tích cực các kiểm toán viên, bằng việc tham gia vào công việc của kiểm toán viên đơn vị thành viên hoặc thực hiện thủ tục đánh giá rủi ro bổ sung hoặc thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo đối với báo cáo tài chính của đơn vị thành viên.

A41. Khi pháp luật và các quy định không cho phép tiếp cận với các phần liên quan của tài liệu, hồ sơ kiểm toán của kiểm toán viên đơn vị thành viên, nhóm kiểm toán tập đoàn có thể yêu cầu kiểm toán viên đơn vị thành viên khắc phục vấn đề này bằng cách lập biên bản có chứa đựng các thông tin liên quan.

Mức trọng yếu

A42. Kiểm toán viên phải[21]:

(a) Khi xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể, kiểm toán viên phải xác định:

(i) Mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính; và

(ii) Mức hoặc các mức trọng yếu chi tiết áp dụng cho các nhóm giao dịch, số dư tài khoản hoặc thuyết minh nếu, trong những trường hợp cụ thể của đơn vị được kiểm toán, các nhóm giao dịch, số dư các tài khoản hoặc thuyết minh đó có sai sót với mức thấp hơn mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính nhưng có thể ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính; và

(b) Xác định mức trọng yếu thực hiện.

Trong trường hợp kiểm toán tập đoàn, nhóm kiểm toán tập đoàn phải xác định mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính của tập đoàn và đối với báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên. Mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính tập đoàn được sử dụng khi xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể của tập đoàn.

A43. Để giảm thiểu khả năng do tổng hợp các sai sót chưa được điều chỉnh và chưa được phát hiện trong báo cáo tài chính tập đoàn vượt quá mức trọng yếu tổng thể đối với báo cáo tài chính tập đoàn, mức trọng yếu đối với báo cáo tài chính các đơn vị thành viên phải thấp hơn mức trọng yếu tổng thể đối với báo cáo tài chính tập đoàn. Có thể xác lập mức trọng yếu khác nhau đối với báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên khác nhau. Mức trọng yếu đối với báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên không nhất thiết phải bằng một phần số học của mức trọng yếu tổng thể đối với báo cáo tài chính tập đoàn, và vì thế tổng hợp mức trọng yếu đối với báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên khác nhau có thể vượt quá mức trọng yếu tổng thể đối với báo cáo tài chính tập đoàn. Mức trọng yếu đối với báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên được sử dụng khi xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể cho đơn vị thành viên.

A44. Mức trọng yếu đối với đơn vị thành viên được xác định cho các đơn vị thành viên có báo cáo tài chính được kiểm toán hoặc soát xét như một phần của cuộc kiểm toán tập đoàn theo đoạn 26, 27(a) và 29 Chuẩn mực này. Mức trọng yếu đối với đơn vị thành viên được kiểm toán viên đơn vị thành viên sử dụng để đánh giá liệu từng sai sót hoặc tổng hợp các sai sót được phát hiện nhưng chưa được điều chỉnh, có trọng yếu hay không.

A45. Ngoài mức trọng yếu đối với đơn vị thành viên, cần xác định mức giá trị cho các sai sót. Các sai sót được phát hiện trong báo cáo tài chính của đơn vị thành viên cao hơn mức giá trị đó phải được trao đổi với nhóm kiểm toán tập đoàn.

A46. Trường hợp kiểm toán báo cáo tài chính của một đơn vị thành viên, kiểm toán viên đơn vị thành viên (hoặc nhóm kiểm toán tập đoàn) cần xác định mức trọng yếu thực hiện đối với báo cáo tài chính của đơn vị thành viên. Việc này là cần thiết để giảm khả năng tổng hợp các sai sót chưa được điều chỉnh và chưa được phát hiện trong báo cáo tài chính của đơn vị thành viên vượt quá mức trọng yếu đối với đơn vị thành viên tới mức độ thấp hợp lý. Trong thực tế, nhóm kiểm toán tập đoàn có thể đặt mức trọng yếu đối với đơn vị thành viên ở mức thấp này. Khi đó, kiểm toán viên đơn vị thành viên sử dụng mức trọng yếu đối với đơn vị thành viên để đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính của đơn vị thành viên và thiết kế các thủ tục kiểm toán tiếp theo để xử lý các rủi ro đã đánh giá và đánh giá xem liệu từng sai sót hoặc tổng hợp các sai sót đã được phát hiện có trọng yếu hay không.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *