Mục tiêu của kiểm toán nội bộ
Mục tiêu của kiểm toán nội bộ
A3. Mục tiêu của kiểm toán nội bộ tại các đơn vị rất đa dạng, tùy thuộc vào quy mô, cấu trúc của đơn vị và yêu cầu của Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị. Kiểm toán nội bộ có thể bao gồm một hoặc một số hoạt động sau:
· Giám sát kiểm soát nội bộ: Kiểm toán nội bộ có thể được giao trách nhiệm cụ thể trong việc soát xét các kiểm soát, giám sát hoạt động và đề xuất các cải tiến đối với kiểm soát nội bộ;
· Kiểm tra thông tin tài chính và hoạt động: Kiểm toán nội bộ có thể được giao chức năng đánh giá các phương pháp xác định, đo lường, phân loại và báo cáo thông tin tài chính và hoạt động, và đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với từng khoản mục, bao gồm kiểm tra chi tiết các giao dịch, số dư và thủ tục;
· Soát xét các hoạt động nghiệp vụ: Kiểm toán nội bộ có thể được giao việc soát xét tính kinh tế, hiệu quả và hiệu suất của hoạt động nghiệp vụ, bao gồm cả những hoạt động phi tài chính của đơn vị;
· Soát xét tính tuân thủ pháp luật và các quy định: Kiểm toán nội bộ có thể được giao việc soát xét tính tuân thủ pháp luật, các quy định và các yêu cầu bên ngoài khác, cũng như tuân thủ các chính sách, quy định của Ban Giám đốc và các yêu cầu nội bộ khác;
· Quản lý rủi ro: Kiểm toán nội bộ có thể hỗ trợ đơn vị trong việc xác định và đánh giá khả năng xảy ra rủi ro đáng kể và tham gia vào việc cải thiện hệ thống quản lý rủi ro và hệ thống kiểm soát;
· Quản trị: Kiểm toán nội bộ có thể đánh giá quy trình quản trị để đạt được mục tiêu về đạo đức và các giá trị, quản lý hiệu quả hoạt động và trách nhiệm giải trình, việc trao đổi thông tin về rủi ro và kiểm soát các bộ phận thích hợp trong đơn vị, tính hữu hiệu của việc trao đổi thông tin giữa Ban quản trị, kiểm toán viên độc lập, kiểm toán viên nội bộ và Ban Giám đốc.
Xác định sự cần thiết và mức độ sử dụng công việc của kiểm toán viên nội bộ
Xem xét sự đầy đủ, thích hợp của công việc của kiểm toán viên nội bộ đối với mục đích cuộc kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn 9)
A4. Khi xem xét sự đầy đủ, thích hợp của công việc của kiểm toán viên nội bộ đối với mục đích cuộc kiểm toán, các yếu tố có thể tác động đến quyết định của kiểm toán viên độc lập bao gồm:
Tính khách quan:
· Vị trí của kiểm toán nội bộ trong đơn vị được kiểm toán và khả năng mà vị trí này có thể tác động đến tính khách quan của kiểm toán viên nội bộ;
· Kiểm toán nội bộ có báo cáo với Ban quản trị hoặc cơ quan quản lý và kiểm toán nội bộ có được tiếp cận trực tiếp với Ban quản trị hay không;
· Kiểm toán viên nội bộ có bất kỳ mâu thuẫn nào về trách nhiệm hay không;
· Ban quản trị có giám sát quá trình tuyển dụng liên quan đến kiểm toán nội bộ không;
· Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị có gây cản trở hay giới hạn hoạt động đối với kiểm toán nội bộ không;
· Ban Giám đốc có làm theo những đề xuất của kiểm toán nội bộ hay không, ở mức độ nào và việc thực hiện đó được thể hiện ra sao.
Năng lực chuyên môn:
· Các kiểm toán viên nội bộ có phải là thành viên của các tổ chức nghề nghiệp có liên quan không;
· Các kiểm toán viên nội bộ có được đào tạo đầy đủ về chuyên môn và có thành thạo trong công việc hay không;
· Đơn vị được kiểm toán có những chính sách để tuyển dụng và đào tạo kiểm toán viên nội bộ hay không.
Sự thận trọng nghề nghiệp thích hợp:
· Công việc của kiểm toán nội bộ có được lập kế hoạch, giám sát, soát xét và lưu trữ hồ sơ một cách phù hợp không;
· Các sổ tay kiểm toán hay những tài liệu tương tự, chương trình làm việc, hồ sơ kiểm toán và mức độ đầy đủ của các tài liệu này.
Trao đổi thông tin:
Việc trao đổi thông tin giữa kiểm toán viên độc lập với kiểm toán viên nội bộ có thể đạt hiệu quả cao nhất nếu kiểm toán viên nội bộ được trao đổi đầy đủ với kiểm toán viên độc lập, và:
· Tổ chức các cuộc họp vào thời điểm phù hợp trong suốt thời gian kiểm toán;
· Kiểm toán viên độc lập được biết, được tiếp cận với những báo cáo kiểm toán nội bộ liên quan và được thông báo bất cứ vấn đề quan trọng nào mà kiểm toán viên nội bộ xét thấy có thể ảnh hưởng đến công việc của kiểm toán viên độc lập;
· Kiểm toán viên độc lập thông báo cho kiểm toán viên nội bộ những vấn đề quan trọng có thể ảnh hưởng đến kiểm toán nội bộ.
Ảnh hưởng dự kiến của công việc của kiểm toán viên nội bộ đến nội dung, lịch trình, phạm vi các thủ tục của kiểm toán viên độc lập (Tham chiếu: Đoạn 10)
A5. Khi công việc của kiểm toán viên nội bộ là một yếu tố để xác định nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục của kiểm toán viên độc lập, kiểm toán viên độc lập nên thỏa thuận trước với kiểm toán viên nội bộ về các vấn đề sau:
· Lịch trình công việc;
· Phạm vi kiểm toán;
· Mức trọng yếu tổng thể đối với báo cáo tài chính (và mức/các mức trọng yếu đối với các nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thuyết minh cụ thể, nếu có) và mức trọng yếu thực hiện;
· Các phương pháp chọn mẫu đã được lựa chọn;
· Lưu trữ hồ sơ về các công việc đã được thực hiện;
· Các thủ tục soát xét và lập báo cáo.
Sử dụng công việc cụ thể của kiểm toán viên nội bộ (Tham chiếu: Đoạn 11)
A6. Nội dung, lịch trình, phạm vi của các thủ tục kiểm toán thực hiện đối với công việc cụ thể của kiểm toán viên nội bộ sẽ dựa vào đánh giá của kiểm toán viên độc lập về rủi ro có sai sót trọng yếu, đánh giá về kiểm toán nội bộ và đánh giá về công việc cụ thể của kiểm toán viên nội bộ. Các thủ tục kiểm toán có thể bao gồm:
· Kiểm tra những khoản mục đã được kiểm toán viên nội bộ kiểm tra;
· Kiểm tra những khoản mục khác tương tự;
· Quan sát các thủ tục mà kiểm toán viên nội bộ thực hiện.
Trả lời