Hình thức và nội dung báo cáo kiểm toán khi ý kiến kiểm toán không phải ý kiến chấp nhận toàn phần
Hình thức và nội dung báo cáo kiểm toán khi ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần
Đoạn mô tả cơ sở của ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần
16. Khi kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính, ngoài những yếu tố cụ thể phải trình bày theo quy định của ISA 700, kiểm toán viên phải trình bày trong báo cáo kiểm toán một đoạn mô tả về vấn đề dẫn đến việc kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần. Kiểm toán viên phải đặt đoạn này ngay trước đoạn ý kiến kiểm toán trong báo cáo kiểm toán và phải sử dụng tiêu đề là “Cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ”, “Cơ sở của ý kiến kiểm toán trái ngược” hoặc “Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến” một cách thích hợp (Tham chiếu: Đoạn A17).
17. Nếu có một sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính liên quan đến những số liệu cụ thể của báo cáo tài chính (kể cả những thuyết minh mang tính định lượng), kiểm toán viên phải mô tả và định lượng ảnh hưởng về mặt tài chính của sai sót đó trong đoạn cơ sở của ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần, trừ khi điều đó là không thể thực hiện được. Nếu không thể định lượng được ảnh hưởng về mặt tài chính của sai sót, kiểm toán viên phải trình bày điều này trong đoạn cơ sở của ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần (Tham chiếu: Đoạn A18).
18. Nếu có một sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính liên quan đến các thuyết minh bằng lời trên báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải giải thích rõ thuyết minh đó bị sai sót như thế nào trong đoạn cơ sở của ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần.
19. Nếu có một sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính liên quan đến việc không thuyết minh thông tin cần phải được thuyết minh, kiểm toán viên phải:
(a) Thảo luận về việc không thuyết minh thông tin với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán;
(b) Mô tả trong đoạn cơ sở của ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần tính chất của thông tin bị bỏ sót;
(c) Trình bày thông tin bị bỏ sót – nếu có thể thực hiện được và nếu kiểm toán viên đã thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về thông tin bị bỏ sót, trừ khi pháp luật và các quy định không cho phép (Tham chiếu: Đoạn A19).
20. Nếu việc đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần là do kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, kiểm toán viên phải trình bày lý do của việc không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán trong đoạn cơ sở của ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần.
21. Kể cả trường hợp kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán dạng trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải mô tả trong đoạn cơ sở của ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần về lý do của bất kỳ vấn đề nào khác mà kiểm toán viên nhận thấy cần phải đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần và những ảnh hưởng của vấn đề đó (Tham chiếu: Đoạn A20 Chuẩn mực này).
Đoạn ý kiến kiểm toán
22. Khi kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần, kiểm toán viên phải sử dụng tiêu đề “Ý kiến kiểm toán ngoại trừ”, “Ý kiến kiểm toán trái ngược” hoặc “Từ chối đưa ra ý kiến”, tùy trường hợp (Tham chiếu: Đoạn A21, A23-A24).
23. Khi kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán dạng ngoại trừ do có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải nêu trong đoạn ý kiến kiểm toán rằng, theo ý kiến của kiểm toán viên, ngoại trừ ảnh hưởng của các vấn đề nêu trong đoạn cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ:
(a) Báo cáo tài chính trình bày hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu (hoặc phản ánh trung thực và hợp lý), phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, nếu báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về trình bày hợp lý; hoặc
(b) Báo cáo tài chính đã được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, nếu báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về tuân thủ.
Khi kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, kiểm toán viên phải sử dụng cụm từ “ngoại trừ những ảnh hưởng có thể có của những vấn đề …” trong đoạn ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần (Tham chiếu: Đoạn A22).
24. Khi kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán trái ngược, kiểm toán viên phải trình bày rõ trong đoạn ý kiến kiểm toán rằng, theo ý kiến của kiểm toán viên, do mức độ nghiêm trọng của những vấn đề mô tả trong đoạn “Cơ sở của ý kiến kiểm toán trái ngược”:
(a) Báo cáo tài chính không trình bày hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu (hoặc không phản ánh trung thực và hợp lý, theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, nếu báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về trình bày hợp lý; hoặc
(b) Báo cáo tài chính đã không được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, nếu báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về tuân thủ.
25. Khi kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, kiểm toán viên phải nêu trong đoạn ý kiến kiểm toán là:
(a) Do mức độ nghiêm trọng của vấn đề mô tả trong đoạn “Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến”, kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán và do đó,
(b) Kiểm toán viên không đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính.
Mô tả về trách nhiệm của kiểm toán viên khi kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ hoặc ý kiến kiểm toán trái ngược
26. Khi kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ hoặc ý kiến kiểm toán trái ngược, kiểm toán viên phải sửa đoạn mô tả về trách nhiệm của kiểm toán viên để thể hiện việc kiểm toán viên tin rằng đã thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ hoặc ý kiến kiểm toán trái ngược đó.
Mô tả về trách nhiệm của kiểm toán viên khi kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến
27. Khi kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, kiểm toán viên phải sửa đoạn giới thiệu của báo cáo kiểm toán để thể hiện việc kiểm toán viên đã chấp nhận thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính. Kiểm toán viên cũng phải sửa đoạn mô tả về trách nhiệm của kiểm toán viên và mô tả phạm vi kiểm toán như sau: “Trách nhiệm của chúng tôi là đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính trên cơ sở thực hiện kiểm toán theo các Chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Tuy nhiên, do những vấn đề mô tả tại đoạn “Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến”, chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở cho ý kiến kiểm toán”.
Trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán
28. Khi kiểm toán viên dự định sẽ đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần trên báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên phải trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về những trường hợp dẫn tới việc kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần và đề xuất cách thức diễn đạt ý kiến đó (Tham chiếu: Đoạn A25).
Trả lời