Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán là 2 năm.

2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là 1 năm.

3. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được quy định như sau:

a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;

b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

4. Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

5. Trong thời hạn được quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính

1. Các hình thức xử phạt chính:

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Các hình thức xử phạt bổ sung:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán trong thời gian từ 03 tháng đến 06 tháng;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán trong thời gian từ 01 tháng đến 12 tháng;

c) Đình chỉ việc tổ chức cập nhật kiến thức trong thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng;

d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính.

Các biện pháp khắc phục hậu quả

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt quy định tại Điều 4 Nghị định này còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

1. Bổ sung các yếu tố chưa đầy đủ của chứng từ;

2. Buộc hủy các chứng từ kế toán bị khai man, giả mạo;

3. Buộc lập bổ sung chứng từ chưa được lập khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

4. Buộc hủy các chứng từ kế toán đã được lập nhiều lần cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

5. Buộc bổ sung các yếu tố chưa đầy đủ của sổ kế toán;

6. Buộc sửa chữa sổ kế toán cho khớp đúng với thực tế trong trường hợp không có chứng từ kế toán chứng minh các thông tin số liệu trên sổ kế toán hoặc số liệu trên sổ kế toán không đúng với chứng từ kế toán;

7. Buộc sửa chữa sổ kế toán cho khớp đúng với thực tế trong trường hợp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm thực hiện không kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm trước liền kề;

8. Buộc bổ sung vào sổ kế toán đối với các hành vi để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị;

9. Buộc khôi phục lại sổ kế toán;

10. Buộc lập và trình bày báo cáo tài chính theo đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán;

11. Buộc nộp và công khai báo cáo kiểm toán đính kèm báo cáo tài chính;

12. Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;

13. Bổ nhiệm hoặc thuê người làm kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định;

14. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *