Bản chất các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan
Bản chất các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan
2. Nhiều giao dịch với các bên liên quan là những giao dịch kinh doanh thông thường. Trong trường hợp này các giao dịch với các bên liên quan có thể chứa đựng rủi ro có sai sót trọng yếu đối với báo cáo tài chính không cao hơn so với các giao dịch tương tự với các bên không liên quan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bản chất của các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu đối với báo cáo tài chính cao hơn so với các giao dịch với các bên không liên quan. Ví dụ:
· Các bên liên quan có thể hoạt động thông qua các mối quan hệ và cơ cấu tổ chức phức tạp làm cho độ phức tạp của các giao dịch với các bên liên quan tăng lên tương ứng;
· Hệ thống thông tin có thể không hiệu quả trong việc xác định hoặc tóm tắt các giao dịch và số dư chưa thanh toán giữa một đơn vị và các bên liên quan;
· Các giao dịch với bên liên quan có thể không thực hiện được theo các điều khoản và điều kiện bình thường của thị trường, ví dụ, một số giao dịch với bên liên quan có thể được thực hiện mà không có sự trao đổi về lợi ích kinh tế.
Trách nhiệm của kiểm toán viên
3. Do các bên liên quan không độc lập với nhau, nhiều khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng đưa ra các quy định về hạch toán và thuyết minh cụ thể đối với các mối quan hệ, giao dịch và số dư với bên liên quan để người sử dụng báo cáo tài chính hiểu được bản chất và những ảnh hưởng tiềm tàng hoặc ảnh hưởng thực tế đối với báo cáo tài chính. Khi khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có các quy định đó, kiểm toán viên có trách nhiệm thực hiện các thủ tục kiểm toán để xác định, đánh giá và đưa ra biện pháp xử lý đối với các rủi ro có sai sót trọng yếu phát sinh từ việc đơn vị được kiểm toán không thể hạch toán hoặc thuyết minh phù hợp về các mối quan hệ, giao dịch hoặc số dư với các bên liên quan theo các quy định đó.
4. Thậm chí nếu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có rất ít hoặc không có quy định nào về các bên liên quan, kiểm toán viên vẫn cần phải hiểu đầy đủ về các mối quan hệ và giao dịch của đơn vị được kiểm toán với các bên liên quan có ảnh hưởng đến báo cáo tài chính, để có thể kết luận liệu báo cáo tài chính có (Tham chiếu: Đoạn A1):
(a) Đạt được sự trình bày hợp lý (theo khuôn khổ về trình bày hợp lý) (Tham chiếu: Đoạn A2); hoặc
(b) Không đưa ra thông tin sai lệch (theo khuôn khổ về tuân thủ) (Tham chiếu: Đoạn A3).
5. Ngoài ra, hiểu được các mối quan hệ và giao dịch của đơn vị với các bên liên quan giúp kiểm toán viên đánh giá xem liệu có một hay nhiều yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 240[4] hay không, vì gian lận có thể dễ dàng được thực hiện thông qua các bên liên quan.
6. Do những hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán, có rủi ro không tránh khỏi là kiểm toán viên có thể không phát hiện được một số sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính, mặc dù cuộc kiểm toán đã được lập kế hoạch và thực hiện một cách hợp lý theo các chuẩn mực kiểm toán quốc tế.[5] Đối với các bên liên quan, những ảnh hưởng tiềm tàng của các hạn chế vốn có về khả năng của kiểm toán viên trong việc phát hiện các sai sót trọng yếu là lớn hơn vì các lý do sau:
· Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán có thể không biết về sự tồn tại của tất cả các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt nếu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng không đưa ra quy định về các bên liên quan;
· Các mối quan hệ với các bên liên quan có thể mang lại cơ hội lớn hơn cho Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán để thực hiện hành vi thông đồng, bao che hoặc thao túng.
7. Việc lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán với thái độ hoài nghi nghề nghiệp theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 200[6] là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh có thể tồn tại các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan không được thông báo. Các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này giúp kiểm toán viên xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan, và thiết kế thủ tục kiểm toán để xử lý các rủi ro đã được đánh giá.
Ngày hiệu lực
8. Chuẩn mực này có hiệu lực cho các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính cho kỳ bắt đầu vào hoặc sau ngày 15 tháng 12 năm 2009.
Mục tiêu
9. Mục tiêu của kiểm toán viên là:
(a) Tìm hiểu về các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan, kể cả khi khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có hoặc không có quy định về các bên liên quan, mà những hiểu biết đó phải đủ để kiểm toán viên có thể:
(i) Nhận biết các yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận, nếu có, phát sinh từ các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan để có thể xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận;
(ii) Đưa ra kết luận, dựa vào bằng chứng kiểm toán đã thu thập, về việc liệu báo cáo tài chính, do ảnh hưởng của các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan, đã:
a. Đạt được sự trình bày hợp lý (theo khuôn khổ về trình bày hợp lý); hoặc
b. Không đưa ra thông tin sai lệch (theo khuôn khổ về tuân thủ).
(b) Thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc liệu các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan có được xác định, hạch toán và thuyết minh phù hợp trong báo cáo tài chính theo quy định không, khi khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có quy định về các bên liên quan.
Giải thích thuật ngữ
10. Trong các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
(a) Giao dịch ngang giá (giao dịch giữa các bên không liên quan): Là một giao dịch được thực hiện dựa trên các điều khoản và điều kiện như giữa một bên sẵn sàng mua và một bên sẵn sàng bán, hai bên này không phải là các bên liên quan và hoạt động một cách độc lập và đều theo đuổi những lợi ích tốt nhất của mình.
(b) Bên liên quan: Là các đối tượng gồm (Tham chiếu: Đoạn A4-A7):
(i) Bên liên quan theo định nghĩa trong khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng; hoặc
(ii) Nếu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có rất ít hoặc không có quy định nào về bên liên quan thì bên liên quan là:
a. Một người hoặc đơn vị khác có quyền kiểm soát đối với đơn vị báo cáo hoặc có ảnh hưởng đáng kể đối với đơn vị báo cáo, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một hoặc nhiều bên trung gian;
b. Một đơn vị khác mà đơn vị báo cáo có quyền kiểm soát hoặc ảnh hưởng đáng kể, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một hoặc nhiều bên trung gian; hoặc
c. Một đơn vị khác chịu sự kiểm soát chung với đơn vị báo cáo thông qua việc có:
i. Quyền sở hữu kiểm soát chung;
ii. Chủ sở hữu là các thành viên gia đình mật thiết; hoặc
iii. Có chung nhà quản lý chủ chốt.
Tuy nhiên, các đơn vị chịu sự quản lý chung của Nhà nước (như chính quyền tỉnh, thành phố, khu vực hoặc quốc gia) không được coi là có liên quan, trừ khi các đơn vị đó tham gia vào các giao dịch quan trọng hoặc chia sẻ các nguồn lực ở một mức độ đáng kể với một đơn vị khác.
Trả lời