Bản chất của sai sót trọng yếu

Bản chất của sai sót trọng yếu

A2. Theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 700, để đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải kết luận liệu kiểm toán viên đã đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể, có còn chứa đựng sai sót trọng yếu hay không.[4] Kết luận này cũng tính đến kết quả đánh giá của kiểm toán viên về những sai sót chưa được điều chỉnh, nếu có, trên báo tài chính theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 450.[5]

A3. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 450 định nghĩa sai sót là sự khác biệt giữa giá trị, cách phân loại, trình bày hoặc thuyết minh của một khoản mục trên báo cáo tài chính với giá trị, cách phân loại, trình bày hoặc thuyết minh của khoản mục đó theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng. Theo đó, một sai sót trọng yếu của báo cáo tài chính có thể phát sinh liên quan đến:

(a) Tính thích hợp của các chính sách kế toán được lựa chọn;

(b) Việc áp dụng các chính sách kế toán được lựa chọn; hoặc

(c) Tính thích hợp hoặc tính đầy đủ của các thuyết minh trên báo cáo tài chính.

Tính thích hợp của các chính sách kế toán được lựa chọn

A4. Liên quan đến tính thích hợp của các chính sách kế toán đã được Ban Giám đốc lựa chọn, sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính có thể phát sinh khi:

(a) Các chính sách kế toán được lựa chọn không nhất quán với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng; hoặc

(b) Báo cáo tài chính, bao gồm các thuyết minh có liên quan, không phản ánh các giao dịch và sự kiện quan trọng nhằm đạt được sự trình bày hợp lý.

A5. Khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng thường có các quy định về ghi chép kế toán và thuyết minh đối với các thay đổi về chính sách kế toán. Khi đơn vị thay đổi việc lựa chọn các chính sách kế toán quan trọng, báo cáo tài chính có thể có sai sót trọng yếu nếu đơn vị không tuân thủ các quy định nêu trên.

Áp dụng các chính sách kế toán được lựa chọn

A6. Liên quan đến việc áp dụng các chính sách kế toán được lựa chọn, sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính có thể phát sinh khi:

(a) Ban Giám đốc đơn vị không áp dụng các chính sách kế toán được lựa chọn một cách nhất quán với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính, kể cả việc Ban Giám đốc không áp dụng các chính sách kế toán được lựa chọn một cách nhất quán giữa các kỳ kế toán hoặc không nhất quán đối với các giao dịch và sự kiện tương tự (nhất quán trong áp dụng); hoặc

(b) Do phương pháp áp dụng các chính sách kế toán được lựa chọn (như sai sót không có chủ ý khi áp dụng).

Tính thích hợp hoặc tính đầy đủ của các thuyết minh trong báo cáo tài chính

A7. Liên quan đến tính thích hợp hoặc tính đầy đủ của các thuyết minh trong báo cáo tài chính, sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính có thể phát sinh khi:

(a) Báo cáo tài chính không có đủ tất cả các thuyết minh theo quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng;

(b) Các thuyết minh trong báo cáo tài chính không được trình bày theo quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng; hoặc

(c) Báo cáo tài chính không cung cấp các thuyết minh cần thiết để đạt được sự trình bày hợp lý.

Bản chất của việc không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp (Tham chiếu: Đoạn 6(b))

A8. Việc kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp (cũng được coi là giới hạn phạm vi kiểm toán) có thể phát sinh từ:

(a) Các tình huống ngoài sự kiểm soát của đơn vị;

(b) Các tình huống liên quan đến nội dung hoặc lịch trình thực hiện công việc kiểm toán; hoặc

(c) Các giới hạn do Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đặt ra.

A9. Việc không thể thực hiện được một thủ tục kiểm toán cụ thể nào đó không tạo nên giới hạn phạm vi kiểm toán nếu như kiểm toán viên có thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp bằng cách thực hiện thủ tục thay thế. Nếu không thể thực hiện được thủ tục kiểm toán thay thế, kiểm toán viên phải áp dụng các quy định tại đoạn 7(b) và đoạn 10 Chuẩn mực này, khi thích hợp. Các giới hạn do Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đặt ra có thể có những ảnh hưởng khác đối với cuộc kiểm toán, ví dụ ảnh hưởng đến việc kiểm toán viên đánh giá về rủi ro do gian lận và việc xem xét có nên tiếp tục thực hiện hợp đồng kiểm toán nữa hay không.

A10. Ví dụ về các tình huống ngoài sự kiểm soát của đơn vị bao gồm:

· Sổ kế toán, tài liệu kế toán của đơn vị đã bị phá hủy;

· Sổ kế toán, tài liệu kế toán của một đơn vị thành viên quan trọng đã bị các cơ quan quản lý Nhà nước tịch thu vô thời hạn.

A11. Ví dụ về các tình huống liên quan đến nội dung hoặc lịch trình thực hiện công việc kiểm toán bao gồm:

· Đơn vị phải áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu đối với việc hạch toán khoản đầu tư vào công ty liên kết và kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các thông tin tài chính của công ty liên kết để đánh giá xem phương pháp vốn chủ sở hữu có được áp dụng một cách thích hợp hay không;

· Kiểm toán viên không thể chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho, do thời điểm được bổ nhiệm làm kiểm toán diễn ra sau ngày đơn vị thực hiện kiểm kê;

· Kiểm toán viên xác định rằng chỉ thực hiện các thử nghiệm cơ bản là không đầy đủ nhưng các kiểm soát của đơn vị lại không hữu hiệu.

A12. Ví dụ về các tình huống kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp do các giới hạn mà Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đặt ra, bao gồm:

· Ban Giám đốc đơn vị không cho phép kiểm toán viên chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho;

· Ban Giám đốc đơn vị không cho phép kiểm toán viên yêu cầu bên thứ ba xác nhận về số dư tài khoản cụ thể.

Hậu quả của việc không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp bởi những hạn chế do Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán áp đặt sau khi kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán đã chấp nhận hợp đồng kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn 13(b)-14)

A13. Khả năng rút khỏi cuộc kiểm toán có thể phụ thuộc vào các giai đoạn hoàn thành cuộc kiểm toán tại thời điểm mà Ban Giám đốc đơn vị áp đặt giới hạn phạm vi kiểm toán. Nếu kiểm toán viên đã hoàn thành cuộc kiểm toán về cơ bản, trước khi rút khỏi cuộc kiểm toán, kiểm toán viên có thể quyết định hoàn thành cuộc kiểm toán tới mức độ có thể, từ chối đưa ra ý kiến và giải thích về giới hạn phạm vi kiểm toán trong đoạn “Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến”.

A14. Trong một số trường hợp nhất định, việc rút khỏi cuộc kiểm toán là không thể thực hiện được nếu pháp luật và các quy định yêu cầu kiểm toán viên phải tiếp tục hợp đồng kiểm toán. Đây có thể là trường hợp mà kiểm toán viên được chỉ định kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị trong lĩnh vực công. Đây cũng có thể là trường hợp tại các nước mà kiểm toán viên được chỉ định kiểm toán báo cáo tài chính cho một giai đoạn nhất định hoặc được bổ nhiệm kiểm toán trong một thời gian nhất định và không được phép rút khỏi cuộc kiểm toán trước khi hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính đã được chỉ định hoặc trước khi kết thúc thời gian bổ nhiệm. Kiểm toán viên cũng có thể thấy cần thiết phải trình bày đoạn “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán.[6]

A15. Khi kiểm toán viên kết luận rằng việc rút khỏi cuộc kiểm toán là cần thiết do giới hạn phạm vi kiểm toán, pháp luật hoặc các quy định nghề nghiệp có thể yêu cầu kiểm toán viên phải trao đổi các vấn đề liên quan đến việc rút khỏi cuộc kiểm toán với các cơ quan chức năng hoặc chủ sở hữu của đơn vị được kiểm toán.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *