Bản chất của ước tính kế toán
Bản chất của các ước tính kế toán
A1. Do tính chất không chắc chắn vốn có của các hoạt động kinh doanh, một số khoản mục trong báo cáo tài chính chỉ có thể được ước tính. Hơn nữa, các tính chất đặc thù của một tài sản, một khoản nợ phải trả hoặc một thành phần của vốn chủ sở hữu, hoặc cơ sở hay phương pháp đo lường được quy định trong khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính, có thể dẫn đến yêu cầu phải ước tính một khoản mục trong báo cáo tài chính. Một số khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng quy định cụ thể về các phương pháp đo lường và các thuyết minh cần thiết trong báo cáo tài chính, trong khi một số khuôn khổ các quy định ít cụ thể hơn. Phụ lục của chuẩn mực này hướng dẫn việc đo lường giá trị hợp lý và các thuyết minh theo các khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính khác nhau.
A2. Một số ước tính kế toán có tính chắc chắn tương đối, có thể làm phát sinh ít rủi ro có sai sót trọng yếu hơn, ví dụ:
· Ước tính kế toán phát sinh tại các đơn vị có hoạt động kinh doanh không phức tạp.
· Ước tính kế toán được lập và cập nhật thường xuyên vì liên quan đến các giao dịch có tính chất thường xuyên.
· Ước tính kế toán được lập từ dữ liệu có sẵn, như dữ liệu thực tế về lãi suất công bố hoặc giá chứng khoán giao dịch trên sàn. Những dữ liệu đó được coi là “có thể kiểm chứng được” khi lập ước tính kế toán về giá trị hợp lý.
· Ước tính kế toán về giá trị hợp lý trong trường hợp phương pháp đo lường quy định trong khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng là đơn giản và dễ áp dụng cho tài sản hoặc nợ phải trả cần phải được đo lường theo giá trị hợp lý.
· Ước tính kế toán về giá trị hợp lý trong trường hợp mô hình để đo lường ước tính kế toán được sử dụng phổ biến hoặc được chấp nhận rộng rãi, với điều kiện các giả định hoặc dữ liệu đầu vào cho mô hình đó là có thể kiểm chứng được.
A3. Tuy nhiên, một số ước tính kế toán có thể có mức độ không chắc chắn tương đối cao, đặc biệt khi ước tính đó dựa trên các giả định quan trọng, ví dụ:
· Ước tính kế toán liên quan đến kết quả của vụ kiện tụng, tranh chấp.
· Ước tính kế toán về giá trị hợp lý đối với các công cụ tài chính phái sinh không được giao dịch rộng rãi;
· Ước tính kế toán về giá trị hợp lý yêu cầu sử dụng một mô hình được xây dựng cho đơn vị mang tính chuyên môn cao hoặc các giả định hoặc dữ liệu đầu vào được sử dụng cho ước tính đó không phổ biến trên thị trường.
A4. Mức độ không chắc chắn trong ước tính thay đổi tùy theo bản chất của ước tính kế toán, phạm vi sử dụng một phương pháp hoặc mô hình được chấp nhận rộng rãi và tính chủ quan của các giả định được sử dụng để lập ước tính kế toán. Trong một số trường hợp, sự không chắc chắn trong ước tính kế toán có thể lớn đến mức không đáp ứng được các tiêu chí ghi nhận theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng và không thể lập được ước tính kế toán đó.
A5. Không phải tất cả các khoản mục trong báo cáo tài chính cần phải đo lường theo giá trị hợp lý đều có sự không chắc chắn trong ước tính. Ví dụ, đối với một số khoản mục trong báo cáo tài chính, khi có một thị trường giao dịch mở cung cấp các thông tin sẵn có và đáng tin cậy về giá cả các giao dịch thực tế phát sinh trên thị trường, sự hiện hữu của các bản báo giá được công bố thường là bằng chứng kiểm toán tốt nhất về giá trị hợp lý. Tuy nhiên, ngay cả khi phương pháp đánh giá và dữ liệu được xác định rõ ràng thì vẫn có thể có sự không chắc chắn trong ước tính. Ví dụ, việc đánh giá các chứng khoán theo giá niêm yết trên thị trường giao dịch mở có thể phải điều chỉnh nếu số lượng chứng khoán nắm giữ là lớn hoặc bị giới hạn về khả năng giao dịch. Ngoài ra, tình hình kinh tế chung tại thời điểm ước tính, ví dụ như sự thiếu tính thanh khoản trên thị trường, có thể ảnh hưởng đến sự không chắc chắn trong ước tính.
A6. Ngoài các ước tính kế toán về giá trị hợp lý, ví dụ khác về các trường hợp có thể cần ước tính kế toán, bao gồm:
· Dự phòng nợ phải thu khó đòi.
· Hàng tồn kho lỗi thời.
· Nghĩa vụ bảo hành.
· Phương pháp khấu hao hoặc thời gian sử dụng hữu ích của tài sản.
· Dự phòng giá trị còn lại của một khoản đầu tư khi có sự không chắc chắn về khả năng thu hồi.
· Kết quả của các hợp đồng dài hạn.
· Chi phí phát sinh từ việc giải quyết các vụ kiện tụng, tranh chấp và các phán quyết của tòa án.
A7. Ví dụ khác về các trường hợp có thể cần ước tính kế toán về giá trị hợp lý, bao gồm:
· Các công cụ tài chính phức tạp không được giao dịch trong một thị trường giao dịch mở.
· Chi trả cổ tức.
· Bất động sản hoặc thiết bị chờ thanh lý.
· Các tài sản hoặc nợ phải trả được mua khi hợp nhất kinh doanh, bao gồm lợi thế thương mại và tài sản vô hình.
· Các giao dịch có sự trao đổi phi tiền tệ của tài sản hoặc nợ phải trả giữa các bên độc lập, ví dụ sự trao đổi phi tiền tệ của các thiết bị nhà máy giữa các ngành kinh doanh khác nhau.
A8. Việc ước tính thường liên quan đến các xét đoán dựa trên thông tin sẵn có tại thời điểm lập và trình bày báo cáo tài chính. Đối với nhiều ước tính kế toán, việc xét đoán bao gồm đưa ra giả định về các vấn đề không chắc chắn tại thời điểm ước tính. Kiểm toán viên không có trách nhiệm dự đoán các điều kiện, giao dịch hoặc sự kiện tương lai mà nếu biết được tại thời điểm kiểm toán thì có thể ảnh hưởng đáng kể đến các hành động của Ban Giám đốc hoặc các giả định được Ban Giám đốc sử dụng.
Trả lời