Báo cáo của kiểm toán viên về báo cáo tài chính tóm tắt
Báo cáo của kiểm toán viên về báo cáo tài chính tóm tắt
Các yếu tố của báo cáo của kiểm toán viên
14. Báo cáo của kiểm toán viên về báo cáo tài chính tóm tắt phải bao gồm những yếu tố sau (xem hướng dẫn tại đoạn A15; đoạn 17 – 18 Chuẩn mực này quy định thêm những yếu tố bổ sung trong báo cáo của kiểm toán viên về báo cáo tài chính tóm tắt, được áp dụng trong trường hợp báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính (đầy đủ) có ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần):
(a) Tiêu đề báo cáo chỉ rõ đây là báo cáo của kiểm toán viên độc lập (xem hướng dẫn tại đoạn A11 Chuẩn mực này);
(b) Người nhận báo cáo (xem hướng dẫn tại đoạn A12 Chuẩn mực này);
(c) Đoạn mở đầu của báo cáo phải:
(i) Xác định báo cáo tài chính tóm tắt mà kiểm toán viên đưa ra ý kiến, kể cả tiêu đề của mỗi báo cáo trong báo cáo tài chính tóm tắt (xem hướng dẫn tại đoạn A13 Chuẩn mực này);
(ii) Xác định báo cáo tài chính (đầy đủ) đã được kiểm toán;
(iii) Tham chiếu tới báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính (đầy đủ), ngày lập báo cáo kiểm toán đó và ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính (đầy đủ) đã được kiểm toán (đoạn 17 – 18 Chuẩn mực này quy định trong trường hợp ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính (đầy đủ) không phải là ý kiến dạng chấp nhận toàn phần thì cần phải trình bày thêm các nội dung khác ngoài các quy định của đoạn này);
(iv) Chỉ ra rằng báo cáo tài chính tóm tắt và báo cáo tài chính (đầy đủ) đã được kiểm toán không phản ánh ảnh hưởng của các sự kiện phát sinh sau ngày lập báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính (đầy đủ), nếu ngày lập báo cáo của kiểm toán viên về báo cáo tài chính tóm tắt diễn ra sau ngày lập báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính (đầy đủ);
(v) Chỉ ra rằng báo cáo tài chính tóm tắt không bao gồm tất cả các thuyết minh theo quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng cho báo cáo tài chính (đầy đủ), và không thể đọc báo cáo tài chính tóm tắt để thay thế cho báo cáo tài chính (đầy đủ) đã được kiểm toán;
(d) Mô tả trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo tài chính tóm tắt, trong đó giải thích thêm rằng Ban Giám đốc chịu trách nhiệm lập và trình bày báo cáo tài chính tóm tắt theo các tiêu thức áp dụng;
(e) Chỉ ra rằng trách nhiệm của kiểm toán viên là đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính tóm tắt dựa trên các thủ tục theo quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực kiểm toán này;
(f) Một đoạn trình bày rõ ý kiến của kiểm toán viên (xem đoạn 09 – 11 Chuẩn mực này);
(g) Chữ ký, họ và tên, số Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề được giao phụ trách hợp đồng dịch vụ và của thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ. Trên chữ ký của thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ phải đóng dấu của doanh nghiệp kiểm toán (hoặc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán) phát hành báo cáo;
(h) Ngày lập báo cáo (xem thêm quy định tại đoạn 16 Chuẩn mực này);
(i) Tên và địa chỉ doanh nghiệp kiểm toán.
15. Nếu người nhận báo cáo tài chính tóm tắt khác với người nhận báo cáo kiểm toán về bộ báo cáo tài chính (đầy đủ), kiểm toán viên phải đánh giá tính phù hợp của các đối tượng nhận báo cáo (xem hướng dẫn tại đoạn A12 Chuẩn mực này).
16. Ngày lập báo cáo của kiểm toán viên về báo cáo tài chính tóm tắt không được trước:
(a) Ngày mà kiểm toán viên thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để làm căn cứ đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính tóm tắt, kể cả bằng chứng về việc báo cáo tài chính tóm tắt đã được lập và các cấp có thẩm quyền đã xác nhận rằng họ chịu trách nhiệm về báo cáo tài chính tóm tắt (xem hướng dẫn tại đoạn A14 Chuẩn mực này);
(b) Ngày lập báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính (đầy đủ).
Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính (đầy đủ) có ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến dạng chấp nhận toàn phần; có đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” hoặc có đoạn “Vấn đề khác” (xem hướng dẫn tại đoạn A15 Chuẩn mực này)
17. Khi báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính (đầy đủ) có ý kiến kiểm toán ngoại trừ; có đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” hoặc có đoạn “Vấn đề khác” nhưng kiểm toán viên xác định rằng báo cáo tài chính tóm tắt là nhất quán, trên các khía cạnh trọng yếu, hoặc được trích hợp lý từ báo cáo tài chính (đầy đủ) đã được kiểm toán, phù hợp với các tiêu thức áp dụng, thì ngoài các yếu tố quy định tại đoạn 14 Chuẩn mực này, báo cáo của kiểm toán viên về báo cáo tài chính tóm tắt phải:
(a) Chỉ ra rằng báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính (đầy đủ) có ý kiến kiểm toán ngoại trừ; có đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” hoặc có đoạn “Vấn đề khác”;
(b) Mô tả:
(i) Cơ sở để đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính (đầy đủ) và ý kiến ngoại trừ đó; hoặc đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” hoặc đoạn “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính (đầy đủ);
(ii) Ảnh hưởng của vấn đề trên đến báo cáo tài chính tóm tắt, nếu có.
18. Khi báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính (đầy đủ) có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến, thì ngoài các yếu tố quy định tại đoạn 14 Chuẩn mực này, báo cáo của kiểm toán viên về báo cáo tài chính tóm tắt phải:
(a) Chỉ ra rằng báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính (đầy đủ) có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến;
(b) Mô tả cơ sở cho ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến;
(c) Chỉ ra rằng do ảnh hưởng của ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến, kiểm toán viên không thể đưa ra ý kiến (từ chối đưa ra ý kiến) về báo cáo tài chính tóm tắt.
Ý kiến trái ngược về báo cáo tài chính tóm tắt
19. Nếu báo cáo tài chính tóm tắt không nhất quán, trên các khía cạnh trọng yếu, và không được trích phù hợp từ báo cáo tài chính (đầy đủ) đã được kiểm toán, theo các tiêu thức áp dụng và Ban Giám đốc đơn vị không đồng ý thực hiện các điều chỉnh cần thiết thì kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến trái ngược về báo cáo tài chính tóm tắt (xem hướng dẫn tại đoạn A15 Chuẩn mực này).
Trả lời