Bên liên quan trong vụ việc điều tra chống bán phá giá
Bên liên quan trong vụ việc điều tra
1. Bên liên quan trong vụ việc điều tra bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân ở nước ngoài sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam bị điều tra;
b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa bị điều tra;
c) Hiệp hội nước ngoài có đa số thành viên là các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra;
d) Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hàng hóa bị điều tra;
đ) Tổ chức, cá nhân có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;
e) Tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hàng hóa tương tự;
g) Hiệp hội trong nước có đa số thành viên là các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tương tự;
h) Tổ chức, cá nhân khác có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ việc điều tra hoặc có thể giúp ích cho quá trình điều tra hoặc tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2. Tổ chức, cá nhân phải đăng ký và được Cơ quan điều tra chấp thuận để trở thành bên liên quan trong vụ việc điều tra.
3. Bên liên quan trong vụ việc điều tra được tiếp cận thông tin, tài liệu mà bên liên quan khác đã cung cấp cho Cơ quan điều tra, trừ thông tin, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật này.
Cung cấp, thu thập thông tin, tài liệu và bảo mật trong quá trình điều tra vụ việc phòng vệ thương mại
1. Bên liên quan trong vụ việc điều tra có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Cơ quan điều tra.
2. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra và những người có quyền tiếp cận thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài liệu theo yêu cầu của bên cung cấp thông tin, tài liệu.
3. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan điều tra có quyền tiến hành trưng cầu giám định hoặc kiểm tra, xác minh tính xác thực của thông tin, tài liệu do bên liên quan cung cấp hoặc thu thập thêm thông tin, tài liệu cần thiết để giải quyết vụ việc phòng vệ thương mại. Cơ quan điều tra có quyền tiến hành việc điều tra tại chỗ, bao gồm cả việc điều tra tại nước ngoài.
4. Trường hợp bên bị điều tra từ chối cho Cơ quan điều tra tiếp cận hoặc từ chối cung cấp thông tin, tài liệu có ảnh hưởng quan trọng đến việc điều tra, Cơ quan điều tra có quyền sử dụng thông tin, tài liệu do bên liên quan cung cấp, thông tin, tài liệu do Cơ quan điều tra tự thu thập hoặc thông tin, tài liệu sẵn có để đưa ra kết luận điều tra dựa trên những thông tin, tài liệu đó.
Xử lý trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
1. Khi thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, trên cơ sở đề nghị của hiệp hội ngành, nghề, thương nhân có liên quan, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác thực hiện các hoạt động trợ giúp sau đây cho thương nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình:
a) Cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc;
b) Trao đổi với nước nhập khẩu đang điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;
c) Khởi kiện nước nhập khẩu khi phát hiện có vi phạm điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
d) Các hoạt động trợ giúp khác theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan xây dựng phương án để phối hợp với Cơ quan điều tra của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng phương án yêu cầu bồi thường, trả đũa theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trả lời