Biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan

Biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan

20. Theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 330 về việc xử lý các rủi ro đã được đánh giá,[10] kiểm toán viên phải thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan. Các thủ tục kiểm toán này phải bao gồm các thủ tục được quy định tại đoạn 21-24 (Tham chiếu: Đoạn A31-A34).

Xác định các bên liên quan hoặc các giao dịch quan trọng với các bên liên quan chưa được Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán xác định hay thông báo trước đó

21. Nếu kiểm toán viên phát hiện ra những thỏa thuận hoặc thông tin cho thấy sự tồn tại của các mối quan hệ hoặc giao dịch với các bên liên quan mà trước đó Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán chưa xác định hoặc chưa thông báo cho kiểm toán viên, kiểm toán viên phải xác định xem các trường hợp đó có sự tồn tại của các mối quan hệ hoặc giao dịch với các bên liên quan hay không.

22. Nếu phát hiện ra các bên liên quan hoặc các giao dịch quan trọng với bên liên quan mà trước đó Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán chưa xác định hoặc thông báo cho kiểm toán viên, kiểm toán viên phải:

(a) Trao đổi kịp thời thông tin có liên quan với các thành viên khác trong nhóm kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A35);

(b) Nếu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có quy định về các bên liên quan thì kiểm toán viên phải:

(i) Yêu cầu Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán xác định toàn bộ các giao dịch với các bên liên quan mới được phát hiện để kiểm toán viên thực hiện đánh giá thêm;

(ii) Phỏng vấn về lý do mà các kiểm soát của đơn vị đối với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan lại không thể phát hiện hoặc thông báo về các mối quan hệ hoặc giao dịch đó;

(c) Thực hiện các thủ tục kiểm toán cơ bản thích hợp đối với các bên liên quan hoặc các giao dịch quan trọng với các bên liên quan mới được xác định (Tham chiếu: Đoạn A36);

(d) Xem xét lại rủi ro có thể tồn tại các bên liên quan khác hoặc các giao dịch quan trọng khác với các bên liên quan, mà trước đó Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán chưa xác định hoặc chưa thông báo cho kiểm toán viên, và thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung khi cần thiết;

(e) Nếu việc không thông báo của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán được xác định là cố ý (và do đó cho thấy dấu hiệu của rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận) thì kiểm toán viên phải đánh giá các ảnh hưởng tiềm tàng đối với cuộc kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A37).

Các giao dịch quan trọng với các bên liên quan đã được xác định ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị

23. Đối với các giao dịch quan trọng với các bên liên quan đã được xác định ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị, kiểm toán viên phải:

(a) Kiểm tra các hợp đồng hoặc thỏa thuận liên quan, nếu có, và đánh giá liệu:

(i) Bản chất kinh tế của các giao dịch cho thấy các giao dịch này có được dàn xếp cho mục đích gian lận khi lập báo cáo tài chính hoặc che dấu hành vi biển thủ tài sản hay không[11] (Tham chiếu: Đoạn A38-A39);

(ii) Các điều khoản của các giao dịch có nhất quán với giải trình của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán hay không;

(iii) Các giao dịch có được hạch toán và thuyết minh phù hợp theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không.

(b) Thu thập bằng chứng kiểm toán cho thấy các giao dịch đã được cho phép và phê duyệt phù hợp (Tham chiếu: Đoạn A40-A41).

Xác nhận về việc các giao dịch với các bên liên quan được thực hiện theo các điều khoản tương đương với điều khoản áp dụng trong giao dịch ngang giá

24. Nếu Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đã xác nhận trong báo cáo tài chính rằng một giao dịch với bên liên quan được thực hiện theo các điều khoản tương đương với điều khoản áp dụng trong một giao dịch ngang giá, kiểm toán viên phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về sự xác nhận này (Tham chiếu: Đoạn A42-A45).

Đánh giá về việc hạch toán và thuyết minh các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan đã được xác định

25. Để đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 700,[12] kiểm toán viên phải đánh giá liệu (Tham chiếu: Đoạn A46):

(a) Các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan đã được xác định có được hạch toán và thuyết minh phù hợp theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không (Tham chiếu: Đoạn A47);

(b) Ảnh hưởng của các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan có:

(i) Làm cho báo cáo tài chính không được trình bày hợp lý (theo khuôn khổ về trình bày hợp lý); hoặc

(ii) Làm cho báo cáo tài chính bị sai lệch (theo khuôn khổ về tuân thủ).

Giải trình bằng văn bản

26. Nếu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có quy định về các bên liên quan, kiểm toán viên phải thu thập giải trình bằng văn bản của Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán, trong đó khẳng định (Tham chiếu: Đoạn A48- A49):

(a) Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị đã thông báo cho kiểm toán viên về các bên liên quan của đơn vị và tất cả các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan mà họ biết;

(b) Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị đã hạch toán và thuyết minh phù hợp các mối quan hệ và giao dịch này theo quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.

Trao đổi với Ban quản trị

27. Trừ khi toàn bộ thành viên Ban quản trị đều là thành viên Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán,[13] kiểm toán viên phải trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán những vấn đề quan trọng phát sinh trong quá trình kiểm toán về các bên liên quan của đơn vị (Tham chiếu: Đoạn A50).

Tài liệu, hồ sơ kiểm toán

28. Kiểm toán viên phải lưu trong tài liệu, hồ sơ kiểm toán tên của các bên liên quan đã được xác định và bản chất của các mối quan hệ với các bên liên quan.[14]

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *