Các biện pháp xử lý cụ thể đối với sai sót do gian lận trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính
Các biện pháp xử lý cụ thể đối với sai sót do gian lận trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính
Ví dụ về các biện pháp xử lý cụ thể của kiểm toán viên đối với đối với rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính như sau:
Ghi nhận doanh thu
· Thực hiện thủ tục phân tích cơ bản đối với doanh thu bằng cách sử dụng các số liệu được phân theo loại, ví dụ, so sánh doanh thu theo tháng và theo dòng sản phẩm hoặc theo bộ phận kinh doanh trong kỳ kế toán hiện hành so với các kỳ kế toán trước. Các kỹ thuật kiểm toán với sự hỗ trợ của máy tính có thể rất hữu dụng trong việc xác định những mối liên hệ hoặc nghiệp vụ bất thường hoặc ngoài dự kiến liên quan đến doanh thu;
· Xác nhận với khách hàng của đơn vị được kiểm toán về một số điều khoản của hợp đồng và những thỏa thuận liên quan khác không được cung cấp, vì việc hạch toán thường bị ảnh hưởng bởi các điều khoản hoặc thỏa thuận đó và cơ sở cho việc giảm giá hoặc kỳ có liên quan thường không được ghi chép đầy đủ. Ví dụ, tiêu chuẩn nghiệm thu, các điều khoản về giao hàng và thanh toán, không quy định các nghĩa vụ tương lai của bên bán hàng; quyền trả lại sản phẩm; giá trị bán lại được đảm bảo, và các điều khoản về hoàn, hủy thường phù hợp trong những hoàn cảnh như vậy;
· Phỏng vấn nhân viên bán hàng, nhân viên tiếp thị hoặc chuyên gia tư vấn pháp luật của đơn vị về việc bán hàng hoặc giao hàng tại thời điểm gần cuối kỳ kế toán và hiểu biết của họ về những điều khoản hoặc điều kiện bất thường liên quan đến những giao dịch này;
· Có mặt tại một hoặc một số địa điểm tại thời điểm kết thúc kỳ kế toán để chứng kiến hàng hóa đã được vận chuyển đi hay đã sẵn sàng để vận chuyển (hoặc hàng trả lại chờ xử lý) và thực hiện các thủ tục kiểm tra chia cắt niên độ đối với doanh thu và hàng tồn kho;
· Trường hợp nghiệp vụ doanh thu được hạch toán bằng máy tính thì tiến hành thử nghiệm kiểm soát để đảm bảo các nghiệp vụ doanh thu được hạch toán đầy đủ và phù hợp.
Số lượng hàng tồn kho
· Kiểm tra sổ kế toán hàng tồn kho của đơn vị để xác định những địa điểm hay loại hàng cần đặc biệt lưu ý trong và sau quá trình kiểm kê hàng tồn kho;
· Kiểm tra đột xuất việc kiểm kê hàng tồn kho tại một địa điểm bất kỳ hoặc tại tất cả các điểm trong cùng một ngày;
· Yêu cầu kiểm kê hàng tồn kho tại cuối kỳ kế toán hoặc tại ngày gần thời điểm cuối kỳ để giảm thiểu rủi ro thay đổi số dư trong giai đoạn giữa ngày kiểm kê và ngày kết thúc kỳ kế toán;
· Thực hiện các thủ tục bổ sung trong quá trình quan sát kiểm kê, ví dụ, kiểm tra bên trong các thùng chứa hàng, cách thức hàng hóa được sắp xếp (ví dụ, theo kiểu hình vuông rỗng) hoặc dán nhãn, và chất lượng hàng hóa lỏng (độ tinh khiết, phẩm cấp, nồng độ) như nước hoa hoặc các hóa chất chuyên dụng. Nên sử dụng chuyên gia để thực hiện việc kiểm tra này;
· So sánh số lượng hàng tồn kho kỳ hiện tại với các kỳ trước theo nhóm, theo loại hàng tồn kho, theo địa điểm hoặc theo các tiêu chí khác, hoặc so sánh số lượng kiểm kê thực tế với sổ kế toán;
· Sử dụng các kỹ thuật kiểm toán với sự hỗ trợ của máy tính để kiểm tra kỹ hơn về quá trình lập báo cáo kiểm kê hàng tồn kho, ví dụ, phân loại theo mã số nhãn hàng để kiểm tra hệ thống kiểm soát nhãn hàng hoặc theo số sê-ri của mặt hàng để kiểm tra khả năng bỏ sót hoặc đếm trùng khi kiểm kê hàng tồn kho.
Các ước tính kế toán của Ban Giám đốc
· Sử dụng chuyên gia thực hiện một ước tính độc lập để so sánh với ước tính của Ban Giám đốc;
· Phỏng vấn các cá nhân không thuộc Ban Giám đốc và phòng kế toán để xác nhận về khả năng và dự định của Ban Giám đốc để thực hiện các kế hoạch liên quan đến các ước tính kế toán.
Trả lời