Các phát hiện quan trọng khi thực hiện kiểm toán

Các phát hiện quan trọng khi thực hiện kiểm toán

A16. Nội dung trao đổi về các phát hiện khi thực hiện cuộc kiểm toán bao gồm việc yêu cầu Ban quản trị đơn vị cung cấp thông tin bổ sung nhằm củng cố các bằng chứng kiểm toán đã thu thập. Ví dụ kiểm toán viên có thể xác nhận rằng Ban quản trị và kiểm toán viên có cách hiểu như nhau về thực trạng và tình tiết của các giao dịch và sự kiện cụ thể.

Khía cạnh định tính quan trọng của các thông lệ kế toán

A17. Khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho phép đơn vị được thực hiện ước tính kế toán, lựa chọn chính sách kế toán và các nội dung cần thuyết minh trên báo cáo tài chính. Khi trao đổi cởi mở, mang tính xây dựng về khía cạnh định tính quan trọng trong của các thông lệ kế toán của đơn vị, kiểm toán viên có thể đánh giá tính phù hợp của các thông lệ kế toán quan trọng. Các vấn đề có thể trao đổi được trình bày tại Phụ lục 2 của Chuẩn mực này.

Những khó khăn phát sinh trong quá trình kiểm toán

A18. Những khó khăn phát sinh trong quá trình kiểm toán có thể là:

· Ban Giám đốc trì hoãn việc cung cấp thông tin theo yêu cầu;

· Thời hạn yêu cầu hoàn thành cuộc kiểm toán là quá ngắn;

· Kiểm toán viên mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến ban đầu để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp;

· Không có sẵn các thông tin cần thu thập;

· Những hạn chế mà Ban Giám đốc đặt ra với kiểm toán viên;

· Ban Giám đốc không thực hiện đầy đủ việc đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị theo yêu cầu của kiểm toán viên.

Trong một số trường hợp, những khó khăn nêu trên có thể hạn chế phạm vi kiểm toán và dẫn đến ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần.[7]

Các vấn đề quan trọng cần thảo luận, hoặc thông báo bằng văn bản cho Ban Giám đốc (Tham chiếu: Đoạn 16 (c)(i))

A19. Các vấn đề quan trọng phát sinh trong quá trình kiểm toán cần thảo luận, hoặc thông báo bằng văn bản cho Ban Giám đốc, gồm:

· Điều kiện kinh doanh ảnh hưởng đến đơn vị, chiến lược và kế hoạch kinh doanh của đơn vị có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu;

· Mối lo ngại về việc Ban Giám đốc thuê kiểm toán viên khác để tư vấn các vấn đề về kế toán hoặc kiểm toán;

· Thảo luận trực tiếp hoặc trao đổi bằng văn bản liên quan đến việc bổ nhiệm kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán năm đầu tiên hoặc hàng năm trong đó có đề cập đến các thông lệ kế toán, việc áp dụng chuẩn mực kiểm toán, hoặc mức phí dịch vụ kiểm toán và dịch vụ khác.

Những vấn đề quan trọng khác liên quan đến quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính (Tham chiếu: Đoạn 16(d))

A20. Các vấn đề quan trọng khác phát sinh từ cuộc kiểm toán liên quan trực tiếp đến việc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán khi giám sát quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính có thể bao gồm các vấn đề như sai sót trọng yếu về thông tin hoặc tính không nhất quán của các thông tin được trình bày kèm theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán ngay cả khi các sai sót không nhất quán này đã được sửa chữa.

Tính độc lập của kiểm toán viên

A21. Kiểm toán viên phải tuân thủ các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan, bao gồm tính độc lập liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính.[8]

A22. Kiểm toán viên cần trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về các mối quan hệ, vấn đề liên quan và các biện pháp bảo vệ. Việc trao đổi này có thể thay đổi theo từng trường hợp nhưng thường đề cập tới các nội dung sau:

(a) Nguy cơ đe doạ tính độc lập của kiểm toán viên có thể phân loại thành: Nguy cơ do tư lợi, nguy cơ tự kiểm tra, nguy cơ về sự bào chữa, nguy cơ từ sự quen thuộc và nguy cơ bị đe dọa;

(b) Các biện pháp bảo vệ theo yêu cầu nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan; biện pháp bảo vệ trong đơn vị được kiểm toán và biện pháp bảo vệ trong các hệ thống và thủ tục của doanh nghiệp kiểm toán.

Nội dung trao đổi theo quy định ở đoạn 17 (a) bao gồm cả sự vô ý vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan đến tính độc lập của kiểm toán viên và các biện pháp khắc phục đã áp dụng hoặc kiến nghị.

A23. Yêu cầu trao đổi liên quan đến tính độc lập của kiểm toán viên áp dụng trong trường hợp kiểm toán tổ chức niêm yết cũng có thể áp dụng đối với một số đơn vị khác, đặc biệt là các đơn vị có lợi ích công chúng, vì xét trên khía cạnh hoạt động kinh doanh, quy mô và vị thế doanh nghiệp, các đơn vị này có số lượng đông đảo các đối tượng liên quan thuộc mọi lĩnh vực. Ví dụ về các đơn vị không phải là tổ chức niêm yết nhưng cần trao đổi về tính độc lập của kiểm toán viên là các đơn vị trong lĩnh vực công, tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, quỹ lương hưu. Mặt khác, trong một số trường hợp, việc trao đổi với Ban quản trị về tính độc lập của kiểm toán viên là không cần thiết, như khi tất cả các thành viên Ban quản trị đơn vị đồng thời là thành viên Ban Giám đốc và đã nắm được thông tin thông qua việc điều hành, quản lý của họ. Trường hợp này đặc biệt phổ biến khi đơn vị được kiểm toán do chính chủ sở hữu quản lý, và các doanh nghiệp kiểm toán hoặc công ty mạng lưới không có quan hệ gì khác với đơn vị ngoài việc kiểm toán báo cáo tài chính.

Các vấn đề khác cần trao đổi (Tham chiếu: Đoạn 3)

A24. Ban quản trị có trách nhiệm giám sát hoạt động của Ban Giám đốc đơn vị để đảm bảo đơn vị được kiểm toán đã thiết kế, thực hiện và duy trì kiểm soát nội bộ phù hợp nhằm đạt được sự tin cậy của báo cáo tài chính, hiệu quả và hiệu suất của các hoạt động và sự tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan của đơn vị.

A25. Kiểm toán viên có thể nhận biết các vấn đề khác không liên quan đến việc giám sát quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính của đơn vị, nhưng lại trở nên quan trọng khi xem xét trách nhiệm của Ban quản trị đơn vị trong việc giám sát thực hiện chiến lược hay nghĩa vụ giải trình của đơn vị. Đó có thể là các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến bộ máy và quy trình quản trị doanh nghiệp, các quyết định và hành động quan trọng của Ban Giám đốc mà chưa được sự cho phép phù hợp.

A26. Khi quyết định có nên trao đổi các vấn đề khác với Ban quản trị đơn vị hay không, kiểm toán viên có thể cần thảo luận với cấp quản lý phù hợp của đơn vị về vấn đề cần trao đổi, trừ khi kiểm toán viên nhận thấy việc thảo luận này là không cần thiết.

A27. Khi trao đổi các vấn đề khác, kiểm toán viên cần lưu ý với Ban quản trị đơn vị là:

(a) Việc phát hiện và trao đổi các vấn đề này là phần bổ sung cho mục đích chính của cuộc kiểm toán là đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính;

(b) Kiểm toán viên không thực hiện thủ tục kiểm toán nào đối với vấn đề này ngoài các thủ tục cần thiết để hình thành kiến về báo cáo tài chính;

(c) Kiểm toán viên không thực hiện thủ tục kiểm toán nào để xác định các vấn đề này có tồn tại hay không.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *