Các thủ tục kiểm toán khi phát hiện hoặc nghi ngờ có hành vi không tuân thủ

Các thủ tục kiểm toán khi phát hiện hoặc nghi ngờ có hành vi không tuân thủ

Dấu hiệu của hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định

A13. Nếu kiểm toán viên nhận thấy sự tồn tại hay có thông tin về các vấn đề sau, thì đó có thể là dấu hiệu của hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định:

(1) Đã có sự điều tra của các cơ quan quản lý và cơ quan Nhà nước có liên quan hoặc có các khoản thanh toán tiền phạt, bồi thường;

(2) Có những khoản thanh toán cho những dịch vụ không rõ ràng hoặc các khoản cho vay đối với các bên tư vấn, các bên liên quan, nhân viên của đơn vị hoặc nhân viên của cơ quan quản lý Nhà nước;

(3) Các khoản hoa hồng bán hàng hoặc phí đại lí quá cao so với mức thông thường của đơn vị hoặc so với các đơn vị khác cùng ngành hoặc so với giá trị thực tế của dịch vụ nhận được;

(4) Giá mua quá cao hoặc quá thấp so với giá thị trường;

(5) Các khoản thanh toán bất thường bằng tiền mặt hoặc bằng séc do người cầm séc thụ hưởng;

(6) Các giao dịch bất thường với những công ty đăng kí kinh doanh tại những nước có nhiều ưu đãi về thuế;

(7) Thanh toán hàng hóa và dịch vụ cho một nước khác với xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ đó;

(8) Các khoản thanh toán không có chứng từ hợp lệ;

(9) Hệ thống thông tin không có khả năng theo dõi và lưu lại các hoạt động truy cập, thay đổi trong hệ thống hoặc không cung cấp được các bằng chứng đầy đủ, dù là do thiết kế hay do sai sót;

(10) Những nghiệp vụ không được phê duyệt hoặc những nghiệp vụ ghi chép sai;

(11) Nhận xét tiêu cực của báo chí.

Các vấn đề liên quan đến đánh giá của kiểm toán viên

A14. Các vấn đề liên quan đến đánh giá của kiểm toán viên về ảnh hưởng có thể có đối với báo cáo tài chính bao gồm:

(1) Hậu quả có thể có về tài chính của hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định trên báo cáo tài chính như tiền phạt, thiệt hại, nguy cơ bị tịch biên tài sản, buộc đơn vị được kiểm toán phải ngừng hoạt động và kiện tụng, tranh chấp;

(2) Liệu hậu quả có thể có về tài chính có phải được trình bày trong phần thuyết minh báo cáo tài chính hay không;

(3) Liệu các hậu quả có thể có về tài chính có nghiêm trọng tới mức tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính bị nghi ngờ hoặc có thể làm sai lệch báo cáo tài chính hay không.

Các thủ tục kiểm toán

A15. Kiểm toán viên có thể thảo luận những phát hiện với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán khi Ban quản trị có thể cung cấp thêm các bằng chứng kiểm toán. Ví dụ, kiểm toán viên có thể xác nhận rằng Ban quản trị có những hiểu biết tương tự về hoàn cảnh và các tình huống liên quan đến các giao dịch hoặc sự kiện dẫn đến khả năng có thể xảy ra hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định.

A16. Nếu Ban Giám đốc đơn vị hoặc Ban quản trị (khi thích hợp) không cung cấp đầy đủ thông tin cho kiểm toán viên để chứng minh rằng trên thực tế đơn vị vẫn tuân thủ pháp luật và các quy định thì kiểm toán viên có thể xem xét tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật nội bộ hoặc chuyên gia tư vấn pháp luật bên ngoài của đơn vị về việc áp dụng pháp luật và các quy định trong các hoàn cảnh cụ thể này, bao gồm cả khả năng xảy ra gian lận, và ảnh hưởng có thể có đến báo cáo tài chính. Nếu kiểm toán viên coi việc tham khảo ý kiến chuyên gia tư vấn pháp luật của đơn vị là không thích hợp hoặc không thỏa mãn với ý kiến tư vấn này, kiểm toán viên có thể xem xét tham khảo ý kiến chuyên gia tư vấn pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán về khả năng tồn tại hành vi vi phạm luật hoặc các quy định, các hậu quả pháp lý có thể có, kể cả khả năng xảy ra gian lận và những thủ tục kiểm toán viên cần tiến hành thêm (nếu cần).

Đánh giá ảnh hưởng của hành vi không tuân thủ

A17. Theo quy định tại đoạn 21 Chuẩn mực này, kiểm toán viên phải đánh giá ảnh hưởng của những hành vi không tuân thủ đối với những khía cạnh khác của cuộc kiểm toán, bao gồm việc đánh giá rủi ro của kiểm toán viên và độ tin cậy của các giải trình bằng văn bản. Ảnh hưởng của các hành vi không tuân thủ cụ thể do kiểm toán viên phát hiện phụ thuộc vào mối quan hệ giữa việc thực hiện và che dấu (nếu có) các hành vi vi phạm và mối quan hệ giữa các hoạt động kiểm soát cụ thể và mức độ liên quan của các cấp quản lý hoặc nhân viên của đơn vị được kiểm toán, đặc biệt là khi có dấu hiệu cho thấy có sự tham gia của người có thẩm quyền cao nhất trong đơn vị.

A18. Trong trường hợp hãn hữu, kiểm toán viên có thể xem xét việc rút khỏi cuộc kiểm toán, nếu pháp luật cho phép, khi Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị không thực hiện các biện pháp xử lý mà kiểm toán viên cho là cần thiết trong hoàn cảnh cụ thể, kể cả khi hành vi không tuân thủ đó không ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính. Khi quyết định có cần thiết phải rút khỏi cuộc kiểm toán hay không, kiểm toán viên có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật. Nếu không thể rút khỏi cuộc kiểm toán, kiểm toán viên có thể xem xét biện pháp thay thế, bao gồm việc mô tả hành vi không tuân thủ trong đoạn “Các vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán (theo quy định tại đoạn 08 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 706).

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *